Thông tin lan truyền
Một bài viết có tiêu đề bằng tiếng Anh với nội dung “WEF kêu gọi chấm dứt sở hữu ô-tô cá nhân gây lãng phí” được xuất bản ngày 22/7. Sau đó, nhiều bài viết khác đã được đăng tải với các tiêu đề khác nhau, nhưng đều tuyên bố rằng WEF kêu gọi từ bỏ việc sở hữu xe ô-tô cá nhân.
Ảnh chụp màn hình và các liên kết của những bài viết này đã được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội Facebook và Twitter, cũng như nhận hàng chục nghìn lượt thích trên Instagram.
Kiểm chứng
Trong bài báo xuất bản ngày 18/7 của WEF - được dẫn là nguồn tin của tuyên bố trên, người viết không hề kêu gọi chấm dứt việc sở hữu ô-tô cá nhân, đồng thời cũng không sử dụng cụm từ “gây lãng phí” trong bài.
Bài báo có tựa đề “3 circular economy approaches to reduce demand for critical metals” (tạm dịch là “3 cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn để giảm nhu cầu đối với các kim loại quan trọng”). Bài báo đưa ra 3 giải pháp tiềm năng nhằm tăng số lượng kim loại có giá trị được sử dụng tuần hoàn, gồm: cải thiện tuổi thọ sản phẩm; tái sử dụng các sản phẩm cũ như pin và tuabin gió; và khuyến khích chia sẻ các sản phẩm như điện thoại di động, máy tính xách tay và xe hơi.
Theo bài báo, tăng cường chia sẻ có thể giảm việc sở hữu các thiết bị nhàn rỗi (thời lượng sử dụng ít), qua đó giúp tăng tính hiệu quả của tài nguyên. Bài báo đề cao các nền tảng chia sẻ sử dụng ô-tô như Getaround và BlueSG, nơi mọi người có thể thuê xe và trả phí cho mỗi giờ sử dụng. Mặc dù có lập luận rằng việc sở hữu chung xe ô-tô sẽ hiệu quả hơn trong một số trường hợp, tuy nhiên bài báo không hề đề cập đến việc chấm dứt sở hữu xe hơi cá nhân.
Trao đổi với Reuters qua email, ông Trevor Chueu, Trưởng bộ phận quan hệ công chúng và truyền thông của WEF cho biết: “Chúng tôi khuyến khích sự thay đổi tư duy, chứ không nhất thiết là ủng hộ hay cấm đoán”.
Khẳng định
Bài báo của WEF không kêu gọi từ bỏ việc sở hữu xe ô-tô cá nhân như thông tin một số người dùng mạng xã hội chia sẻ.