"ĐIỆN BIÊN PHỦ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch thực dân. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều thất bại" (Báo Sao Đỏ (Liên Xô), số ra ngày 6 đến 8-5-1954, trong bài "Điện Biên Phủ là sự phá sản của kế hoạch của chủ nghĩa thực dân").
* "Qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khát khao vươn lên độc lập dân tộc... Eisenhower đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ của những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954" (Một ngàn ngày của Kennedy ở Nhà Trắng - Nxb De Noel, Paris 1966, tr.384).
* "Đối với tất cả các phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới, dù là ở châu Phi, châu Á hay Mỹ la-tinh, kinh nghiệm của Việt Nam sẽ là một nguồn cổ vũ và một ánh lửa hy vọng. Đối với những kẻ chống lại phong trào giải phóng dân tộc, kinh nghiệm này sẽ là tiếng chuông báo hiệu thất bại không thể tránh khỏi của họ. Điều chắc chắn nhất là đối với thế giới thứ ba, Việt Nam sẽ mãi mãi là hình ảnh tượng trưng cho ý chí chiến thắng, là người chứng minh tính chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc. Việt Nam sẽ được ghi lại như là giờ phút quyết định trong lịch sử thế kỷ chúng ta" (Báo Thế giới ngoại giao, Cu-ba, tháng 1-1973).
* "Đối với nhân dân Ma-rốc chúng tôi cũng như đối với toàn thể nhân dân châu Phi, các bạn đã chứng minh hùng hồn rằng cả đến chủ nghĩa đế quốc ngạo nghễ nhất cũng có thể đánh được và đánh cho tơi bời là đằng khác, mặc dù lực lượng của chủ nghĩa đế quốc và những đồng minh đông đảo của nó mạnh mẽ thế nào. Các bạn đã chứng minh rằng ngày nay, khi một dân tộc đã kiên quyết giành lại tự do, thì dù có gặp trở ngại, dù có nghèo khổ, thiếu thốn phương tiện đến đâu đi nữa, cũng vẫn có thể đánh bại được quân địch và đi đến thắng lợi cuối cùng".
(Trích lời chào mừng Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, 1960 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ma-rốc Ali-ya-ta)
* "Chiến thắng đó đã củng cố thêm lòng tin tưởng của nhân dân An-giê-ri chúng tôi là: quân thù không phải là không thể bị đánh bại và xiềng xích không phải là vĩnh cửu, và bình minh của một kỷ nguyên mới nhất định sẽ nối tiếp đêm dài của chủ nghĩa thực dân".
(Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng An-giê-ri, trích trong "Tiếng sấm Điện Biên Phủ", Nxb QĐND, H.1974, tr.378).
* "Đảng Cộng sản Ấn Độ và những người Ấn Độ dân chủ luôn luôn chú trọng theo dõi các cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sáng suốt và anh hùng, đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh mà nhiều người Ấn Độ vẫn quen gọi trìu mến là Bác Hồ.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến yêu nước chống xâm lược của Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, bằng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 đã được ca ngợi rộng khắp trong nước chúng tôi. Một nước nhỏ như nước các đồng chí đã đánh bại một bọn thực dân hùng mạnh là thực dân Pháp, điều đó cổ vũ nhân dân nước chúng tôi và làm cho nhân dân nước chúng tôi thêm tin tưởng ở tương lai của mình...".
(Trích lời chào mừng của T.Ư Đảng Cộng sản Ấn Độ tại Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, Báo Nhân Dân 10-9-1960).
* "... Điện Biên Phủ anh dũng, vinh quang, đời đời sáng mãi.
... Qua tinh thần và tổ chức chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã tỏ rõ tài năng lãnh đạo quân sự của Đảng Lao động Việt Nam và Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh, tài năng của các đồng chí lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam".
(Trích cảm tưởng của Đại tướng Ba-tốp, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Liên Xô, ghi trong Sổ vàng Viện Bảo tàng Quân đội).
* "Chúng ta (Pháp) thua trận này nguồn gốc do đâu? Trước hết là do phẩm chất của những con người đã đương đầu với chúng ta...
... Hỏi xem có được mấy vị tư lệnh binh đoàn, sư đoàn và trung đoàn của quân đội ta biết chịu đựng cùng binh sĩ, cũng sống như họ, chịu đi bộ, lặng lẽ, không ầm ĩ nhưng rất đáng sợ như đối phương của ta đang ở quanh ta ?".
"các viên tướng của họ chẳng có gì khác những người lính trơn, nếu không phải ở tuổi tác và ở những ngôi sao đính trên ve áo. Quần áo cũng cùng một thứ vải xoàng như nhau, cùng một loại giày, một loại mũ nút chai như nhau và các vị đại tá của họ, hành quân cũng chỉ bằng những đôi chân như người lính bộ binh. Mọi người sống bằng khẩu phần gạo mang theo mình, bằng các thứ củ đào được đây đó trong rừng, bằng những con cá câu được ở lòng suối, ở những nơi họ vừa lấy nước uống. Họ chẳng có những cô thư ký xinh đẹp, chẳng có những khẩu phần đặc biệt, chẳng có ô-tô, cũng chẳng có những lá cờ phần phật trước gió. Nhưng, lạy Chúa, thắng lợi thuộc về họ!".
(G.Roa - Cựu Đại tá quân đội Pháp, trong cuốn "Trận Điện Biên Phủ", dẫn theo "Tiếng sấm Điện Biên Phủ", Nxb QĐND, H.1974).
* "Thật đáng buồn là ta đã thua trận. Song, phải thừa nhận rằng người Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm tuyệt vời. Đến nay tôi vẫn còn giữ những mối cảm phục đối với họ".
(Đại tá Bi-gia, nguyên Thiếu tá quân dù ở Điện Biên Phủ, theo "Tiếng sấm Điện Biên Phủ", Nxb QĐND, H.1974).