Ðiện Biên ngày mới

Ðã 69 năm trôi qua kể từ Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nhiều thế hệ người Ðiện Biên nén quá khứ đau thương, tập trung trí lực cho công cuộc dựng xây và phát triển. Ðể hôm nay, trên nền chiến trường xưa Ðiện Biên Phủ là một thành phố trẻ với vóc dáng mới, diện mạo mới bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc... Ðổi thay ấy đã không chỉ khiến du khách mà ngay chính người Ðiện Biên cũng không khỏi ngỡ ngàng!
0:00 / 0:00
0:00
Trên nền chiến trường xưa, thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày. Ảnh | ĐẶNG TUYẾT
Trên nền chiến trường xưa, thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày. Ảnh | ĐẶNG TUYẾT

Mới đây tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thành lập nông trường quốc doanh Điện Biên được tổ chức trùng ngày Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2023), tại Trung tâm Hội nghị-Văn hóa tỉnh, tôi đã thấy nhiều mái đầu bạc trắng ngồi gần bên nhau, thật gần. Chuyện giữa họ dường như liên tục bị ngắt quãng bởi người nói giọng đã yếu mà người nghe cũng không còn khỏe nữa.

Thấy tôi chăm chú quan sát, lắng nghe, bà Nguyễn Thị Tuyến mới kéo tôi gần lại và nói: Toàn người hơn 80 rồi, mắt kém, tai không còn tốt nữa. Gặp được nhau ở đây thế này là mừng lắm; chỉ nhìn thấy nhau thôi đã vui rồi!

Nói rồi, bà Tuyến ngồi dựa lưng vào ghế, đưa mắt tìm người quen trong hội trường. Nhưng cố lắm bà Tuyến cũng chỉ nhận ra vài người là ông Bẩy, bà Luyến, bà Ngọ, bà Hoa - họ là những người ngày xưa cùng đội sản xuất và sau này cùng khu dân cư. Còn những người khác thì phần vì ngồi xa, phần vì mắt kém nên dù thấy quen quen nhưng bà Tuyến không đọc thành tên.

Trong hội trường hôm ấy, tôi nhận thấy có nhiều người cũng giống như bà Tuyến; gặp ai cũng thấy nét quen quen, nhưng gọi tên nhau thì sao lại khó thế với người già...!

Chờ khi giải lao, tôi bước thật chậm sau lưng bà Tuyến ra ngoài hành lang để hỏi bà những chuyện ngày xưa. Chuyện về mảnh đất Điện Biên những ngày sau giải phóng và chuyện về những người lính "hạ sao" thành công nhân nông trường trên cánh đồng Mường Thanh với chi chít hố bom, hố đạn.

Đưa tay gạt hàng tóc mai bạc trắng như cước, bà Tuyến đưa mắt nhìn xa xăm hồi tưởng. Giọng nhẹ nhàng, bà khẽ kể: Ông nhà tôi trước là chiến sĩ Điện Biên, đã cùng đồng đội chiến đấu trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ và sau khi chiến dịch thắng lợi thì ông ấy ở lại thu dọn chiến trường, xây dựng nông trường, xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi theo ông ấy, rời quê hương Giao Thủy (tỉnh Nam Định) lên xây dựng nông trường từ năm 1961. Dẫu lên sau các thế hệ, nhưng tôi nhớ rõ sự kiện tròn 4 năm sau kể từ ngày Điện Biên Phủ toàn thắng (7/5/1954), theo Quyết định của Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn 316 được lệnh trở lại Điện Biên. Theo đó Trung đoàn 176 được giao nhiệm vụ xây dựng nông trường; Trung đoàn 98 được phân công sửa con đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên; Trung đoàn 74 (bộ binh) và Trung đoàn 8 (pháo binh) thì xây dựng lực lượng quân đội. Sau khi chính thức làm lễ "hạ sao" để trở thành công nhân Nông trường Điện Biên, những người lính thuộc các đại đội được bố trí thành một đội sản xuất xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên. Hai đại đội được bố trí ở khu vực Mường Ảng. Các đơn vị sản xuất vẫn được gọi là C.

Năm 1959, với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình", hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã về quê đưa vợ, con lên xây dựng nông trường. Với tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tiếp tục bước vào "trận chiến" mới, trận chiến "xóa đói nghèo" trên nền chiến trường mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương...

Là một trong hàng nghìn người lính đã anh dũng trong chiến đấu và sẵn sàng ở lại chiến trường, ông Hoàng Văn Bẩy, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đã hơn 90 tuổi vẫn nhớ những ngày đầu của cuộc chuyển hướng từ chiến trường sang nông trường.

Ông Bẩy bộc bạch: Có đôi chút ngỡ ngàng vì bàn tay quen cầm súng nay chuyển sang cầm cày, nhưng chỉ thời gian ngắn sau việc đã đâu vào đấy, vì bộ đội ta phần nhiều là "nông dân mặc áo lính". Khi đã bắt được cái men say của đất, cái mùi thơm của lúa mạ, rạ rơm thì máu nông dân trong người lính lại thúc họ lăn xả vào việc.

"Năm 1959, nông trường đã tạo ra được giống lúa tốt đặt tên là Điện Biên 1, Điện Biên 2, được đưa sang làm quà cho nước bạn Cu Ba", ông Bẩy tự hào khi kể về thành quả ngày đó!

Với ông Phạm Bá Miều "trận chiến" mới kéo dài 21 năm ở huyện nghèo biên giới Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ) có vô vàn gian nan, thử thách. Song ông Miều nhớ nhất là quãng thời gian 5 năm (1958-1963) trực tiếp phụ trách xã Hua Bum với nhiệm vụ vận động, hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số lao động sản xuất vô cùng khó khăn, vất vả.

Phần do bất đồng ngôn ngữ, phần do quá lạc hậu nên bà con cứ thấy cán bộ người Kinh là bỏ chạy vào rừng. Bởi vậy, chỉ riêng việc vào rừng tìm dân thôi đã vất vả lắm. Song từ tình thương và sự thấu hiểu thiệt thòi của đồng bào, ông Miều cùng các đồng chí khác đã lên lịch đến từng nhà gặp gỡ. Ban đầu là làm quen, sau thì tiếp xúc bằng việc làm nên dần dà bà con quen với cán bộ người Kinh, họ cho cán bộ ở cùng và làm theo cách làm của cán bộ.

Không phụ công sức của ông Miều và các đồng chí của ông, người dân xã Hua Bum đã nghe theo cán bộ; dần dần biết cấy lúa, nuôi thêm con vịt con gà để cải thiện bữa ăn. Đời sống đồng bào các dân tộc ở Hua Bum dần khá hơn vì không phụ thuộc lối sống nhờ săn bắt, hái lượm.

Cứ như thế, năm từng năm trên cánh đồng và trong mỗi bản làng vùng cao, biên giới, nhờ công sức, mồ hôi, nước mắt và máu của những người chiến sĩ Điện Biên như các ông: Phạm Bá Miều, Phạm Đức Cư, Nguyễn Hữu Chấp, Hoàng Văn Bẩy, Bùi Văn Điềm... cùng hàng nghìn thanh niên xung phong cùng thế hệ với bà Tuyến, bà Ngọ, bà Hoa... thì mỗi con đường, bản làng, thôn xóm ở Điện Biên đã đổi thay. Để đến hôm nay, trên nền chiến trường xưa Điện Biên đã là "điểm đến" hấp dẫn du khách đến từ nhiều châu lục, nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Khẳng định những thành tựu Điện Biên hôm nay là công sức, hy sinh của bao lớp cha anh trước, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên còn cho biết: "Mấy chục năm qua, thế hệ trẻ Điện Biên đã và luôn nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua lao động, sản xuất, góp sức cùng nhân dân xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển. Trên từng chặng đường, dẫu có khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, do âm mưu chia rẽ đoàn kết các dân tộc từ các thế lực thù địch thì nhân dân Điện Biên vẫn luôn vững niềm tin theo con đường Đảng, Bác Hồ đã chọn".

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách du lịch nườm nượp về thăm thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Trong những ngày ấy, người Điện Biên được dịp trải lòng mình với bạn bè muôn phương, qua hàng loạt hoạt động thuộc rất nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa-xã hội.

Đánh giá một cách khách quan, từ sự tác động tích cực của hàng chục nguồn vốn, bức tranh toàn cảnh kinh tế-văn hóa-xã hội Điện Biên đã và đang tiếp tục sáng lên, với niềm hy vọng cháy bỏng và những mơ ước dạt dào. Hệ thống phong phú các chương trình, dự án, kế hoạch tạo nên sức mạnh tương hỗ trong đầu tư, đánh thức những tiềm năng, lợi thế riêng có của Điện Biên.

Về Điện Biên hôm nay, đi đâu cũng nghe người dân và cả du khách nói về chuyện làm ăn, về những chương trình dự án do Đảng, Chính phủ đầu tư cho Điện Biên và cả những dự án của các tập đoàn, như Vingroup, Him Lam... đã, đang được triển khai trên địa bàn. Dẫu cách xa Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, song đường về Điện Biên đã êm thuận hơn xưa rất nhiều.

Vẫn là người nông dân trên cánh đồng Mường Thanh nhưng ngày nay họ không còn lo cái ăn cái mặc như xưa nữa mà thay vào đó là những dự định về cánh đồng mẫu lớn, về chủ trương nâng cao chất lượng cây trồng để sản vật của Điện Biên luôn tự hào với thương hiệu Mường Thanh, theo người đi khắp mọi nẻo quê và xa hơn là đi bốn biển năm châu...

Ðiện Biên ngày mới ảnh 1

Cuộc sống ấm no, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên ngày càng được nâng cao. Ảnh | ĐĂNG KHOA