Thưa giáo sư, ở góc nhìn lịch sử-văn hóa, ông có thể lý giải gì về hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay?
Hiện tượng suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể lý giải ở góc độ lịch sử-văn hóa. Chúng ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giành độc lập và thống nhất đất nước, đứng trước sự tồn vong của dân tộc, mọi người phải dồn tâm, dốc sức, sẵn sàng hy sinh tất cả, với niềm tin sau này thắng lợi sẽ xây dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ toàn thắng, đất nước bước vào thời kỳ bao cấp kéo dài với tình trạng kinh tế kém phát triển, khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhiều người từng mơ về ngày mai rực rỡ đã thất vọng, vì hòa bình rồi sao vẫn đói khổ, họ muốn mưu cầu hạnh phúc cá nhân, tâm lý thu vén bắt đầu xuất hiện.
Giai đoạn đất nước Đổi mới, cơ chế thị trường mở ra, mạnh ai nấy làm, tìm kiếm lợi ích vật chất là mục tiêu hàng đầu. Tư tưởng cá nhân vụ lợi ngày càng có điều kiện phát triển. Điều này dẫn đến thực trạng tham nhũng, tiêu cực không chỉ dừng lại ở những người có quyền chức mà cả một bộ phận người dân, họ tìm mọi kẽ hở để khai thác sao cho có lợi cho mình, cho gia đình mình. Tôi cho rằng hiện tượng suy thoái về đạo đức lối sống có cả một quá trình. Khi mà nó trở thành một cách sống, lối sống, một phương thức sống thì người ta có thể tìm mọi kẽ hở để trục lợi, luật pháp không thể rào chắn hết. Cho nên có những người hiểu biết về luật pháp lại càng biết cách khai thác kẽ hở của luật pháp.
Nhưng chiều sâu của văn hóa có tác dụng chế định phi thường, luật pháp nhiều khi không thể bao quát hết. Khi ở Nhật Bản, tôi từng chứng kiến một người nước ngoài ném tàn thuốc xuống sân tàu điện ngầm, người phục vụ ở đó đã nhặt tàn thuốc cho vào túi rác và kỳ cọ vết bẩn sạch bóng. Hàng trăm người chứng kiến đã nhìn người vứt tàn thuốc kia như một sinh vật lạc loài. Đó chính là sức mạnh vô hình của văn hóa và sức mạnh ấy đủ sức đề kháng trước những hành vi làm tổn hại đến môi trường văn hóa như vứt tàn thuốc lá bừa bãi nơi công cộng và xác định rõ luôn người vứt tàn thuốc ấy có xứng đáng được tôn trọng trong cộng đồng hay không.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa,...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.
Có chăng việc lợi dụng văn hóa hoặc làm biến tướng những quan niệm cũ trong xã hội tiểu nông lúa nước để biện minh cho những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra như câu chuyện nhận hối lộ nhiều khi lại được lý giải như “có đi có lại, mới toại lòng nhau”?
Đấy là sự biến tướng của những quan niệm cũ. Có thể nói trong một xã hội nông nghiệp trồng lúa nước, quà cáp biếu xén là câu chuyện vẫn thường diễn ra như “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Nhưng quan niệm đó đã biến tướng đến mức sai hẳn về bản chất, thí dụ tôi ở vị trí ra quyết định, bố trí cho người khác dự án 100 tỷ đồng, lẽ nào họ lại chỉ biếu tôi cân cam, phải “có đi có lại mới toại lòng nhau” chứ? Nhưng số tiền dự án kia không phải là tiền của tôi, mà là tiền đóng thuế của người dân, là tài sản công, chứ không thể tư duy đó là bồ thóc, góc nhà của họ. Vì thế họ đòi “có đi, có lại” theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là hoàn toàn sai ở góc độ pháp lý lẫn tình cảm. Nhưng hiện tượng này đang diễn ra phổ biến, nhiều vụ đại án tham nhũng hối lộ gần đây, người ta đưa và nhận hối lộ đến cả triệu USD, mang quyền lực công, tài sản công ra để đổi chác, ban phát nhằm trục lợi. Ông cha ta đã có câu ca dao vạch trần hiện tượng này: Trống chùa ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.
Thậm chí trong cơ chế thị trường, với mặt trái của nó, có những sự biến tướng được phủ một lớp vỏ bọc “văn hóa” như văn hóa phong bì. Đi đến các cơ quan công quyền, hay đến bệnh viện nhiều người phải “dúi” phong bì như một thứ “bôi trơn” để được việc. Ở góc độ nào đó, có thể nói “văn hóa phong bì” chính là tham nhũng vặt, vi phạm pháp luật nhưng khi đã thành “văn hóa”, thành “tập quán”, lối sống thì được mặc nhiên thừa nhận và hành vi đưa và nhận phong bì có vẻ như vô can, vô tội.
Hiện tượng suy thoái gắn với tham nhũng, tiêu cực sẽ kéo theo những hệ lụy gì về văn hóa, thưa giáo sư?
Suy thoái, tham nhũng, tiêu cực kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng hệ lụy lớn nhất là mất niềm tin. Cốt lõi của văn hóa là niềm tin, không có niềm tin thì không có văn hóa đích thực. Chính vì thế hiện tượng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người được coi là cầm cân nảy mực - có thể phá hủy văn hóa, làm cho văn hóa biến tướng.
Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhưng với một số cán bộ đảng viên nắm quyền lực, họ biến chức vụ Nhà nước trao cho thành của họ, cho họ và vì họ, gia đình họ, phe cánh của họ, để thu vén lợi ích riêng. Họ tìm mọi cách khai thác “cái ghế” đó, thậm chí nhiều nơi “cái ghế” đó có giá của nó. Điều này rất nguy hiểm, vì khi người ta đã phải đầu tư để “mua quan bán chức”, có khi phải “hùn hạp” thì dĩ nhiên trước hết phải thu hồi vốn. Tham nhũng, tiêu cực sinh ra từ đấy, niềm tin vào bộ máy công quyền của người dân cũng bị giảm sút từ đấy.
Cha ông ta có câu: “một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Tôi cho rằng nếu chúng ta không có cách thức tổ chức bộ máy thật sự trong sạch, nghiêm minh, giám sát được quyền lực, giữ gìn và củng cố niềm tin của người dân thì sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có thể làm băng hoại cả bộ máy.
Ở góc độ kinh tế, chữ tín, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng có thể nói là quyết định sự phát triển kinh tế. Trong chính trị, văn hóa, không có niềm tin thì không có gì.
Vậy làm thế nào để khôi phục, củng cố niềm tin vốn đã bị giảm sút và “đứt gãy” ấy như một cách để chống suy thoái đồng thời phục hưng văn hóa, vì như giáo sư đã khẳng định: “không có niềm tin thì không có văn hóa đích thực”?
Tôi không bi quan, tôi vẫn tin vào những cán bộ đảng viên thực tâm vì sự phát triển của tương lai dân tộc, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó chính là tiếp nối mạch nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc, tư tưởng lấy dân làm gốc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước. Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Chúng ta phải làm sao có cơ chế để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” một cách thực chất. Bác Hồ từng căn dặn “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, điều quan trọng là phải vì dân chứ không phải vì quan chức, vì lợi ích nhóm.
Chúng ta đang chuẩn bị Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tôi cho rằng cần công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin về những nhân sự được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới. Tất cả phải diễn ra trong một môi trường văn hóa lành mạnh. Tôi nhớ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. Có lẽ có những thời điểm chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến môi trường văn hóa.
Có ý kiến cho rằng hiện tượng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực đang diễn biến phức tạp vì chúng ta chưa chú ý đúng mức, chưa đề cao các giá trị văn hóa, tinh thần. Giáo sư đánh giá thế nào về nhận định này?
Có thể khẳng định, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Nhưng cũng có thể thấy hiện nay, một bộ phận cán bộ đảng viên đang chạy theo chuẩn giá trị nặng về vật chất, coi đồng tiền là giá trị nhất, tiền có thể mua được tất cả. Điều nguy hiểm là họ lại được xem như giới tinh hoa của xã hội, vì thế tạo nên sự lệch chuẩn về giá trị, như những tấm gương méo mó. Cho nên điều quan trọng trong giáo dục chính là nêu gương. Nêu gương cũng chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Bác Hồ đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Thực tế còn có những người lãnh đạo nói noi gương, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thậm chí nói rất hay mà làm rất dở, dùng lời nói để che đậy sự giả dối. Có thể nói một tiêu chí rất cao của văn hóa chính là trung thực. Chúng ta đang chứng kiến sự giả dối tràn lan hiện nay cũng là một biểu hiện của sự xuống cấp của văn hóa. Người ta cố tình tô màu, biến những cái không đẹp, thậm chí biến những cái xấu thành cái đẹp, để lừa dối. Điều này gây tổn hại cho văn hóa.
Muốn chống suy thoái, chúng ta cần đề cao sức mạnh của văn hóa và những giá trị tinh thần như danh dự, liêm chính, chí công vô tư, dĩ công vi thượng. Đó chính là sức mạnh vô hình có giá trị chế định, trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Phải có cơ chế động viên, tôn vinh phẩm chất, nhân cách, lối sống, đề cao sự liêm sỉ của quan chức. Liêm khiết, thanh sạch - đó là cốt lõi của đạo đức làm người. Trong con người có phần người và phần con, phải làm thế nào để phần người thắng thế. Điều này cần sự kết hợp giữa tất cả các yếu tố, trong đó có thể chế, pháp luật đồng thời với sức mạnh của văn hóa, của dư luận xã hội. Từ năm 1946 Bác Hồ đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là mệnh lệnh, khẳng định tính tiên phong của văn hóa, tính soi đường của văn hóa.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!