Tiềm năng kinh tế cửa khẩu và những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Lào Cai, vùng đất biên cương “sơn kỳ, thủy tú”, “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” nằm giáp Trung Quốc - một thị trường khổng lồ - được coi là “công xưởng của thế giới”. Với lợi thế đó, tỉnh này đã xác định khai thác tốt nhất những lợi thế về cửa khẩu, đưa kinh tế cửa khẩu thật sự là mũi nhọn, là động lực để phát triển kinh tế địa phương. Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có bước phát triển vượt bậc nhưng cũng đang đối mặt với một số điểm nghẽn cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh | PV
Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh | PV

Viễn cảnh trung tâm giao thương, logistics quốc tế

Mô hình Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được quy hoạch và xây dựng theo Quyết định số 100/1998/QĐ.TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai. Từ năm 2001, khu kinh tế cửa khẩu chính thức đi vào hoạt động và mở ra một con đường giao thương với lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày một tăng.

Trong những ngày này, cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhộn nhịp những chuyến xe qua lại. Các mặt hàng xuất khẩu quen thuộc là trái cây với sầu riêng, thanh long, chuối và sắn khô… Ở chiều nhập khẩu là những máy móc, hóa chất, vải, phân bón… Mỗi ngày có hơn 400 chuyến xe chở hàng xuất nhập khẩu làm thủ tục qua biên giới. Nhưng điều đặc biệt ở Lào Cai là cửa khẩu lại nằm trong thành phố, biên giới ngay sát thành phố, chỉ cách một con sông. Vì thế có cả một hệ thống dịch vụ phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động này mang lại cho thành phố sức sống luôn sôi động.

Bên kia là Hà Khẩu, bên này là cửa khẩu quốc tế Lào Cai, sự thuận lợi trong giao thương càng được nhân lên khi cả hai nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Hành lang kinh tế này trở thành cửa ngõ quan trọng, điểm trung chuyển hàng hóa dịch vụ với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam và các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng - Quảng Ninh. Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đã hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, được coi là vùng đệm quan trọng nhất và đầy tiềm năng phát triển.

Viễn cảnh về tương lai của vùng đất biên cương này còn phát triển rộng dài hơn thế, khi quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai sẽ là trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc và châu Âu; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, đô thị và công nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trong bức tranh chung đó, khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định vị phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, logistics, cảng cạn. Để xứng tầm với mục tiêu đó, khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được mở rộng không gian so với quy hoạch ban đầu, với tổng diện tích gần 15.929,8 ha với các phân khu chức năng: khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai (khu vực hoạt động xuất-nhập cảnh, xuất-nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ) với 3 cặp cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam)-Hà Khẩu (Trung Quốc), Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai (Việt Nam)-Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam)- Bắc Sơn (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Kim Thành; một số khu vực phụ cận thuộc thành phố Lào Cai, các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1199 về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ được mở và nâng cấp hai cặp cửa khẩu: Mường Khương (Lào Cai, Việt Nam)-Kiều Đầu (Vân Nam, Trung Quốc), Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam)-Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.

Đến nay, tỉnh Lào Cai có 240 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 37.000 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Một số đã giải ngân, nhưng một số đang nằm trên giấy do dòng tiền đầu tư bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19, nay bắt đầu rục rịch trở lại. Mặc dù vậy, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng đều qua các năm. Từ chỗ năm 2001, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai chỉ khiêm tốn 210 triệu USD thì đến năm 2021 đã đạt gần 2 tỷ USD. Bình quân mỗi năm tăng 15%, trong giai đoạn 2001-2021. Đến nay Lào Cai đã vững chắc với danh hiệu “cửa khẩu tỷ đô”, phấn đấu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD…

Kinh tế cửa khẩu đang chiếm nguồn thu ngân sách lớn của tỉnh Lào Cai. Chỉ trong giai đoạn từ 2011-2020, thu ngân sách qua cửa khẩu đạt hơn 1.900 tỷ đồng/năm; tổng thu nộp ngân sách qua cửa khẩu chiếm gần 30% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, kinh tế cửa khẩu Lào Cai được đánh giá vẫn có thể bứt phá nhiều hơn, nếu giải quyết được những điểm nghẽn đang tồn tại.

Còn những “nút thắt cổ chai”

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, khó khăn đầu tiên để phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lào Cai là vấn đề hạ tầng giao thông. Hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội- Hải Phòng lấy trục giao thông làm xương sống nhưng đang có những “nút thắt”. Ở tầm quốc gia, từ Hải Phòng qua đường 5 để đấu nối vào cao tốc Hà Nội-Lào Cai mất khoảng 1 giờ, sự chậm trễ bất tiện đó dẫn đến tốn kém thời gian và đẩy chi phí logistics lên cao. Đáng lẽ, đấu nối giữa hai hệ thống giao thông phải thông suốt. Ông Quốc cũng nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn có những nút thắt cổ chai. Cao tốc Lào Cai-Hà Nội, nói là cao tốc những vẫn có những hạn chế như đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai vẫn chỉ mới có hai làn xe”.

Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần cho logistics như hệ thống kho bãi ở Lào Cai chưa được đầu tư bài bản đồng bộ như ở cảng Hải Phòng, mới dừng ở khâu quy hoạch. Vì vậy, một container đi từ Hải Phòng lên Lào Cai còn phải trải qua nhiều hành trình vất vả và tương đối “tù mù”. Theo ông Quốc, phải làm sao một container nối hai điểm trên phải như được lập trình sẵn, qua từng khâu thế nào, mất bao nhiêu thời gian, ai làm, chi phí ra sao tất cả phải được kết nối và số hóa để công khai, minh bạch. Ngoài ra chất lượng các dịch vụ như xăng dầu, bến bãi, rửa xe, ăn nghỉ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Ngoài câu chuyện hạ tầng, muốn phát triển kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai thì thủ tục hành chính thông thoáng là yêu cầu rất quan trọng. Theo quan điểm của Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc phải trực tiếp làm việc được với nhau thì mới có thể giảm bớt chi phí trung gian, tăng khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang có thể đàm phán trực tiếp với khách hàng Trung Quốc sau đó thông qua nhà vận chuyển để giao hàng. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hai bên có thể trực tiếp làm việc với nhau như vậy chưa nhiều.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030. Theo đó, vùng lõi cửa khẩu Kim Thành-Bản Vược với 2.500 ha là khu hậu cần thương mại. Thế nhưng để làm được như dự kiến, cần phải có khâu quy hoạch chi tiết tốt theo tinh thần lấy mục tiêu phát triển logistics để quy hoạch xây dựng, chứ không phải lấy quy hoạch xây dựng để hình thành hạ tầng logistics. Quy hoạch phải làm rõ được các phân khu dịch vụ, đóng gói, sơ chế… Nhưng tìm được nhà tư vấn quy hoạch giỏi không dễ, nếu thuê dịch vụ này từ nước ngoài lại vượt khung định mức từ ngân sách.

Khi đã có quy hoạch rồi, phải nhanh chóng triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư chất lượng, có kinh nghiệm và năng lực tài chính chứ không phải “giữ chỗ” rồi để đấy.

Ông Vương Trinh Quốc cho biết: “Muốn phát triển kinh tế cửa khẩu Lào Cai và biến tỉnh Lào Cai thành trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc và châu Âu, tôi kiến nghị Chính phủ đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông. Hiện nay nhiều tuyến đường huyết mạch đang bé, “xôi đỗ”, nhiều sống trâu, sống bò. Khổ đường sắt của Việt Nam không tương thích với Trung Quốc, phía mình 1m, của nước bạn 1,435m, toa xe của mình cũ nên rất khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, phải số hóa, xây dựng cổng dịch vụ công để doanh nghiệp khai báo hải quan trên hệ thống, cắt giảm thời gian thủ tục xuất nhập khẩu”.