Ông có đánh giá và suy ngẫm gì khi gần đây một số cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước bị kỷ luật, thôi chức, thậm chí dính vòng lao lý vì vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, tham nhũng, nhận hối lộ?
Tôi thấy rất đáng buồn trước tình hình đó. Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đến mức báo động đỏ. Số người và việc vi phạm không ít và có lẽ chưa phải đã hết. Có người đi xử lý người khác mấy tháng trước thì mấy tháng sau cũng đã bị xử lý...
Lâu nay nhiều người thường cho rằng nguyên nhân suy thoái đạo đức là do sự rèn luyện của bản thân cán bộ chưa nhiều, chưa đủ và việc quản lý cán bộ, đảng viên chưa tốt. Nói thế không sai và thực tế vẫn chưa giải quyết được, tình trạng suy thoái đạo đức vẫn tiếp tục diễn biến ngày một xấu hơn.
Nhiều văn bản chính thống của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định sự quan trọng hàng đầu của tự phê bình và phê bình. Điều đó đúng đối với những tập thể và những cá nhân còn vững vàng, chưa bị suy thoái, còn đối với những nơi, những người đã suy thoái thì tự phê bình và phê bình hầu như không có kết quả nhiều, thậm chí còn là một cách đối phó tiêu cực, hình thức, để hợp thức hóa, trù dập nhau hoặc bao che cho nhau.
Ông từng có bài viết cảnh báo về “Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” năm 2015. Điều đáng chú ý là trong nhiều vụ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên gần đây đều có dấu hiệu của lợi ích nhóm và tư bản thân hữu. Theo quan sát của ông, lợi ích nhóm và tư bản thân hữu trong những vụ án hiện nay có gì khác không?
Như tôi đã nói từ nhiều năm trước về vấn đề lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu, qua thực tế của mấy nhiệm kỳ vừa rồi cho thấy nó là có thật, không phải là cảnh báo nữa mà đã hiện hữu rõ như ban ngày rồi. Đây cũng chính là sự chệch hướng rất đáng lưu ý trên thực tế. Có nhiều người gọi là “chủ nghĩa thân hữu”, tôi thì theo nhóm gọi là “chủ nghĩa (tư bản) thân hữu”. Có chữ “tư bản” ở đây không phải vì nó là một giai đoạn phát triển nào của chủ nghĩa tư bản, mà đó là sự biến chứng nguy cấp của “căn bệnh tha hóa quyền lực”, cái chính là vì nó gắn chặt với vai trò khuynh đảo của đồng tiền trong thị trường “ngầm” tạo ra “lợi nhuận khủng” trong quá trình người ta “bán mua chính sách, phân chia dự án, chương trình, cho vào biên chế, bổ nhiệm cán bộ, chạy chức, chạy án...” ở phía sau hậu trường.
Trong khoảng mười năm nay tôi thấy nó không hề dừng lại mà tiếp tục phát triển, lan rộng, ngày càng tinh vi nguy hiểm và phức tạp hơn, có tính tổ chức hơn, có tính hệ thống hơn, lên cấp cao hơn. Đến nay, dù đã xử lý nghiêm và nhiều như vậy nhưng có lẽ vẫn chưa hết và đặc biệt là chưa thấy dấu hiệu dừng lại, bị triệt tiêu.
Vì sao trong thời gian qua, chúng ta dù rất nỗ lực vẫn chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi?
Thử hỏi 10 năm qua có dự án nào, công trình nghiên cứu nào đáng kể về chống lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu? Tôi chưa thấy rõ! Ta đã tốn rất nhiều tiền, biết bao nhiêu công sức để giải quyết phần ngọn mà không ai chăm lo đích đáng cái gốc của vấn đề. Ta lo đuổi bắt thú hoang mà không lo rào vườn. Ta đã nói rất đúng vấn đề là thể chế, nhưng rồi ta giải quyết câu chuyện thể chế ấy ra sao, tất cả về cơ bản vẫn y nguyên như vậy. Vẫn thể chế ấy và nguyên nhân ấy.
Tôi cho rằng cần một số giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu như: Quyền dân chủ tham gia phê bình, phản biện về chính sách và phê bình tư cách cán bộ, kể cả yêu cầu họ từ chức (tất nhiên cần đề phòng việc cố tình vu khống xúc phạm). Dựa vào dân và đảng viên, xây dựng và khuyến khích thói quen nói thẳng, nói rõ sự thật, không quy chụp người nói thẳng dù họ khác chính kiến; tập trung giáo dục tính trung thực, lòng tự trọng; đổi mới căn bản công tác cán bộ theo hướng dân chủ hơn trong ứng cử đề cử, tranh cử.
Cũng cần tổ chức lại một số cơ quan trong hệ thống chính trị, phải có sự phản biện thật sự từ bản thân hệ thống, đặc biệt là từ nhân dân, từ cán bộ, đảng viên, công khai và thường xuyên, kiểm soát chéo việc sử dụng quyền lực giữa các nhánh quyền lực trong hệ thống, bộ máy và sửa đổi các quy định pháp lý cho phù hợp hơn. Luật pháp cần nghiêm minh và nhân bản. Khi xử trị cán bộ là phải rõ ràng minh bạch, trong sáng và công bằng trước pháp luật. Nhân một số cán bộ xin nghỉ việc vừa rồi cần xây dựng văn hóa từ chức một cách nghiêm chỉnh để thực hiện lâu dài, xuất phát từ tinh thần trọng danh dự.
Chống suy thoái đạo đức phải quay về với những điều cơ bản mà Bác Hồ đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Theo ông, đạo đức của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa thế nào trong việc chống lại nguy cơ suy thoái, nguy cơ lợi ích nhóm và tư bản thân hữu hiện nay?
Bác Hồ nói như thế là quá đúng rồi. Đạo đức của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng hàng đầu đối với việc xây dựng đạo đức chung của cả xã hội. Sự lan truyền các giá trị đạo đức phần nhiều thường theo chiều thuận, đi từ người lớn, từ ông bà bố mẹ sang các con cháu trong gia đình và từ cán bộ sang nhân viên trong cơ quan đơn vị và ra xã hội. Sức mạnh của sự lan truyền ấy chủ yếu thuộc về khả năng cảm hóa bởi tấm gương nhân cách thật của người lớn, của cán bộ, chứ không phải những lời rao giảng. Đạo đức của cán bộ, đảng viên mà tốt sẽ tác dụng tốt cho văn hóa, ngược lại nếu xấu sẽ gây nên suy đồi về văn hóa - là việc đáng sợ nhất đối với đất nước, dân tộc và kể cả với đảng chính trị. Và mặt khác đạo đức xã hội sẽ tác động trở lại đối với đạo đức của cán bộ, đảng viên, nó là môi trường ảnh hưởng, tất nhiên nó cũng chỉ có tác dụng nhiều trong số cán bộ trọng danh dự.
Xin trân trọng cảm ơn ông!