Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu:

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản”

NDO - Trong lịch làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc vào cuối tháng 10 dự kiến sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ngay trước sự kiện quan trọng này, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã trả lời phỏng vấn Nhân Dân hằng tháng:
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư tỉnh ủy Thừa thiên Huế Lê Trường Lưư
Bí thư tỉnh ủy Thừa thiên Huế Lê Trường Lưư

Hướng tới đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Huế trở thành đô thị loại 1 có ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động như thế nào tới sự phát triển của Thừa Thiên Huế, thưa đồng chí?

Nhìn lại cả quá trình lịch sử cho đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế luôn giữ một vai trò, vị thế đặc biệt đối với đất nước và dân tộc. Đó là vị thế của một trung tâm lớn của đất nước và khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Hà Nội-Huế-Sài Gòn, là cây một cội là con một nhà”. Lịch sử và thực tế đã minh chứng cho luận điểm này của Bác. Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế, sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, là Sài Gòn-Gia Định.

Như vậy, trong hơn 1.000 năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội và cả nước, Thừa Thiên Huế đã đóng góp phần rất quan trọng và luôn giữ vị thế là một đô thị, trung tâm lớn của Việt Nam.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 1

Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ hai từ trái sang) kiểm tra các gian hàng phát triển công nghệ trong Tuần lễ chuyển đổi số của tỉnh.

Từ những tiên đề này, ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó nêu rõ: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông nam châu Á”.

Ngày 1/8/2014, Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số175-TB/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Tiếp đến, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ: “Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng như xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 2

Điện Kiến Trung - cung điện lộng lẫy uy nghi vừa hoàn thành tu bổ, đưa vào phục vụ du khách...

Về phía tỉnh, Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai Nghị quyết bằng các Chương trình hành động cụ thể và đến thời điểm này đã hội đủ các điều kiện, tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước thông qua.

Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn đổi mới của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, là động lực, nguồn lực và là niềm tự hào để Thừa Thiên Huế phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc cố đô, phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng và cả nước.

Huế vốn là một đô thị đặc biệt ở Việt Nam: từng là kinh đô trong suốt 143 năm dưới thời nhà Nguyễn; Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á có tới 8 di sản được UNESCO ghi danh… Vậy theo đồng chí, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những giá trị lịch sử-văn hóa-di sản này sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy như thế nào để tương xứng với vị thế mới?

Huế luôn ý thức được những giá trị lịch sử-văn hóa-di sản nơi đây không chỉ là tài sản vô giá của riêng Huế mà còn của cả quốc gia. Thời gian qua, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào.

Đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật như: giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế, bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa; điện Kiến Trung...

Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống mới.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ngoài cùng, bên trái) đi kiểm tra các công trình, dự án ven biển tại Thừa Thiên Huế.

Phấn đấu để được công nhận là thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn phát huy di sản Cố đô, Huế càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản để tương xứng với vị thế mới, vai trò mới. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp. Huế sẽ không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, một thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn được những giá trị truyền thống và phát triển bền vững…

Huế sẽ làm cách nào để hoàn thành các mục tiêu này, thưa đồng chí?

Chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị di sản; tăng cường truyền thông, giáo dục về lịch sử, văn hóa, di sản Huế trong cộng đồng; giữ gìn và lan tỏa sâu rộng giá trị văn hóa Huế, con người Huế; xây dựng cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch liên quan.

Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tăng thu ngân sách, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế; huy động, phát huy hơn nữa hiệu quả Quỹ Bảo tồn di sản Huế; Thực hiện khoa học, bài bản công tác trùng tu, bảo tồn di sản.

Đồng thời, khai thác có hiệu quả, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, di sản để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch bền vững, phát triển mạnh công nghiệp văn hóa. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, văn hóa gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp gắn liền với văn hóa, di sản Huế để thu hút du khách.

Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên môn, quản lý văn hóa, di sản; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, du lịch trong bối cảnh mới. Xây dựng thương hiệu Huế, tăng cường hợp tác quốc tế để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Huế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Xây dựng, phát triển thành phố Huế đến năm 2030 là đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa.

Đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước

Theo đánh giá tác động, "thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO ghi nhận". Các nguồn vốn lớn cũng sẽ được huy động, nhiều hạng mục sẽ được tập trung đầu tư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh... Huế liệu có những thách thức, khó khăn nào để quá trình đẩy mạnh tốc độ phát triển không mâu thuẫn, không ảnh hưởng tiêu cực tới các di tích, di sản quý báu sẵn có?

Việc giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, gìn giữ và khai thác, phát huy các giá trị di sản và phát triển kinh tế từ lâu đã luôn là vấn đề, thách thức đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có gần 1.000 di tích, địa điểm được kiểm kê, lập hồ sơ.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 4

Quảng trường Ngọ môn - Huế trong buổi sáng diễn ra trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 mà thí sinh trường Quốc học Võ Quang Phú Đức đã giành ngôi vô địch...

Có 8 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế; 2 di sản chung với các địa phương khác thuộc khu vực Trung Bộ. Tỉnh cũng có 190 di tích được xếp hạng (bao gồm 3 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế, 4 di tích thuộc cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế, 89 di tích cấp quốc gia và 101 di tích cấp tỉnh), trong đó có 47 di tích, cụm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế và 143 di tích nằm ngoài Quần thể di tích cố đô Huế.

Các không gian di sản xen lẫn trong đô thị là một lợi thế, tuy nhiên cũng sẽ hạn chế không gian phát triển cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng có thể gây áp lực lên các di tích, di sản văn hóa. Đây là khó khăn, thách thức cần được giải quyết hài hòa để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và không mâu thuẫn, không ảnh hưởng tiêu cực tới các di tích, di sản quý báu của Huế.

Điều này đòi hỏi phải có tầm nhìn quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích bài bản, khoa học, đồng bộ; có quy hoạch chi tiết, chặt chẽ, bảo đảm các công trình xây dựng mới hài hòa với cảnh quan đô thị và không gây ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa.

Bảo tồn di sản phải được ưu tiên trong quá trình phát triển, có những chính sách cụ thể để bảo vệ các di tích, di sản khỏi những tác động tiêu cực. Giá trị văn hóa, di sản được phát huy sẽ thúc đẩy phát triển du lịch. Nhưng du lịch phát triển quá nhanh có thể gây ra các vấn đề về môi trường và xã hội, có thể đe dọa đến sự bền vững của di sản văn hóa.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 5

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ở giữa) kiểm tra các mô hình đầu tư giảm nghèo tại huyện miền núi A Lưới...

Bởi vậy, nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện phát triển kinh tế gắn với di sản cần có nguồn lực lớn và công nghệ hiện đại; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn tốt, nhất là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đô thị di sản... là đòi hỏi lớn. Ngoài ra, cũng cần có một hệ thống quản lý đô thị hiện đại, hiệu quả để đảm bảo trật tự, an toàn và mỹ quan đô thị…

Theo đồng chí, một thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có tác động thế nào tới việc phát triển của các địa phương khác trong khu vực cũng như thúc đẩy liên kết vùng?

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những tác động tích cực không chỉ với bản thân địa phương mà còn các tỉnh, thành phố trong khu vực miền trung. Thành phố Huế cùng với thành phố Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm kết nối giữa các tỉnh lân cận và các tỉnh trong khu vực duyên hải miền trung; vừa tạo ra động lực và sức bật mới cho sự phát triển mới của các tỉnh, của vùng, cho đất nước; vừa góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển vùng và Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Thành phố Huế sẽ có nhiều điều kiện, cơ chế thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm và đóng góp vào ngân sách. Một khi Huế phát triển, các địa phương lân cận cũng như các địa phương trong vùng cũng sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng lưu lượng thương mại và đầu tư.

Huế sẽ có thêm nhiều nguồn lực khi hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị được nâng cấp. Những cải thiện này tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông liên tỉnh, như đường cao tốc, cảng biển và sân bay quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh lân cận.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng có thể phát huy vai trò đầu tàu trong việc liên kết và phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh như Huế-Đà Nẵng-Hội An hoặc Huế-Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng), thu hút nhiều khách du lịch hơn đến với toàn khu vực; giúp các địa phương cùng tận dụng lợi thế từ sự gia tăng của du khách quốc tế; thúc đẩy du lịch và văn hóa liên vùng.

“Huế sẽ là thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn giá trị di sản” ảnh 6

Xây dựng đô thị di sản Huế gắn liền với các phức hệ kiến trúc được bảo tồn và trở thành những bộ phận cấu thành nên Quần thể di tích cố đô Huế.

Sự phát triển của Huế sẽ kéo theo sự cải thiện về hạ tầng xã hội, bao gồm giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng khác. Người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ chất lượng cao hơn. Chất lượng sống của người dân thành phố được nâng cao, sẽ tác động tích cực đến các tỉnh lân cận, khi người dân cùng được tiếp cận các dịch vụ, tiện nghi đó. Sự kết nối và hợp tác giữa các tỉnh được tăng cường, từ đó tạo ra một mô hình phát triển bền vững, đồng bộ…

Tôi tin rằng, với quyết tâm và nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, Huế sẽ trở thành một thành phố phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Trân trọng cảm ơn đồng chí.