Loạt bài: NHẬN DIỆN NGUY CƠ SUY THOÁI VÀ CHUẨN MỰC ÐẠO ÐỨC CỦA CÁN BỘ, ÐẢNG VIÊN TRONG GIAI ÐOẠN MỚI

Bài 2: GS,TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực để chống suy thoái, tham nhũng

GS,TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) trao đổi với phóng viên Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực nhìn từ góc độ kiểm soát quyền lực và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
GS,TS Lê Hồng Hạnh
GS,TS Lê Hồng Hạnh

Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng lạm quyền, lộng quyền trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua?

Tình trạng lộng quyền, lạm quyền, đặc biệt là lạm dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tham nhũng trở nên nghiêm trọng, thể hiện trong rất nhiều vụ đại án về tham nhũng, hối lộ được phanh phui trong thời gian qua.

Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn đương nhiệm đã nhấn mạnh cần “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế, nghĩa là phải kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực là một trong số các thành tố quan trọng nhất của phương thức tổ chức và thi hành quyền lực được định danh là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đảng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong Nhà nước pháp quyền thì vấn đề phân chia, kiểm soát, phân công quyền lực được đặt ra như một nguyên tắc. Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện rất rõ nguyên tắc này. Quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công giữa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và được kiểm soát. Đặc biệt, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Đây là đòi hỏi cấp bách đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh hiện tại.

Nếu không kiểm soát tốt quyền lực sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Đảng ta đã đề ra. Không thể có Nhà nước pháp quyền nếu không có sự thượng tôn pháp luật, nhất là sự thượng tôn pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân. Pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân, là tạo cho họ những quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc như chủ trương của Đảng.

Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền thời gian qua thế nào? Nghị quyết 27-NQ/TW từng đánh giá: “Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện”.

Với tư cách một nhà luật học nghiên cứu chuyên sâu về quyền lực chính trị và nhà nước pháp quyền, tham gia Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” mà kết quả là Nghị quyết 27-NQ/TW, ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả?

Theo tôi, trước hết, xây dựng Nhà nước pháp quyền là công việc phức tạp và lâu dài, sự tồn tại những bất cập trong thể chế về kiểm soát quyền lực là điều dễ hiểu. Pháp luật hiện hành của chúng ta chưa thực sự hoàn thiện, chưa bảo đảm được tính giải trình và trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ trong hoạt động công vụ. Chúng ta chưa dùng đến hiệu quả hoặc sự đóng góp cụ thể của một cá nhân để đánh giá cán bộ dựa trên các tiêu chuẩn được luật hóa. Còn có những tiêu chí đánh giá cán bộ rất định tính, chung chung.

Tại sao kết quả định lượng về phát triển của một địa phương trong nhiệm kỳ trước không được xây dựng thành tiêu chuẩn cụ thể cho việc lựa chọn, bổ nhiệm bí thư, chủ tịch cho nhiệm kỳ tới?

Chúng ta không định lượng được các tiêu chuẩn, vẫn quen với khuôn mẫu kiểu “nhìn chung là tốt, tuy nhiên vẫn có một số mặt còn hạn chế”. Nhưng hạn chế đó là gì, vì sao hạn chế? Có thể thấy trách nhiệm giải trình trong hệ thống chưa tốt. Với sự chung chung như thế, không có sự khác biệt lớn giữa cán bộ làm tốt và cán bộ yếu kém. Và điều đó dẫn tới một nguyên nhân quan trọng khác là công tác cán bộ của chúng ta còn tồn tại một số vấn đề.

Chúng ta đang thiếu một cơ chế thực sự hiệu quả để ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với công việc mà cán bộ đang thực hiện. Do đó, còn có tư tưởng muốn vào bộ máy nhà nước, muốn lên chức để có thể có lợi lộc nhưng lại ít phải chịu trách nhiệm.

Để khắc phục vấn đề này, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đã nêu rõ quan điểm, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.

Chính sách, pháp luật hoàn thiện mới chỉ là điều kiện “cần”, công tác cán bộ mới chính là điều kiện “đủ” để kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Ngoài ra, muốn làm tốt công tác cán bộ, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, cần để người dân tham gia vào một cách thực chất. Cán bộ tốt xấu thế nào đều không thể qua được tai mắt, sự giám sát của dân, bởi thế cần thực sự tôn trọng lắng nghe tiếng nói người dân.

Xin ông nói rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong các văn kiện của Đảng?

Sự phân công quyền lực trong bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay cần rành mạch, rõ ràng hơn. Không ít người đứng đầu các cơ quan chức năng, các tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, chưa hoàn toàn đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng nên đã đẩy yêu cầu kiểm soát sang một bên khi thực thi quyền lực nhà nước. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến thời gian qua, một số bí thư tỉnh ủy “dính” vào các vụ đại án, nhất là đại án trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài sản công. Thực tế có hiện tượng Đảng, lãnh đạo cấp ủy làm thay Nhà nước, lấn sân chính quyền, do đó triệt tiêu tiếng nói phản biện, gây chồng lấn chức năng nhiệm vụ, vô hiệu hóa bộ máy chính quyền và khi sai phạm thì làm tê liệt cả ban thường vụ, thường trực cấp ủy, bí thư...

Chúng ta có nhiều dẫn chứng cho hiện tượng này khi thời gian gần đây, hàng loạt lãnh đạo như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thúy Lan, Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái… bị bắt giam vì vi phạm pháp luật, trong đó có nguyên nhân “lấn sân” sang chính quyền.

Sự đùn đẩy trách nhiệm lên trên như hiện nay là hệ quả của bất cập trong phân công quyền lực và trách nhiệm giải trình. Một vụ bạo hành trẻ em, bạo hành phụ nữ… ở địa phương gây bức xức xã hội lẽ ra phải được xử lý bởi các cơ quan chức năng ở đó nhưng lại đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ỉ lại, sợ trách nhiệm, sợ sai nên ngồi im của không ít cán bộ quản lý.

Chính vì thế, thể chế, đặc biệt là chính sách, pháp luật phải định hình được các nguyên tắc, giải pháp cho việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong toàn bộ hệ thống chính trị, dựa trên những nguyên tắc, mục tiêu, định hướng trong Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nhận định của ông về ý nghĩa của công cuộc phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo đối với công tác phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cùng sự tiếp nối tinh thần đó trong giai đoạn mới?

Hơn hai nhiệm kỳ vừa rồi, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta làm được rất nhiều trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, thắp lại được niềm tin. Điều quan trọng ở chỗ, hoạt động chống tham nhũng như tiếng chuông cảnh tỉnh cho cán bộ, đảng viên, rằng hãy rèn luyện, tu dưỡng cống hiến và không sa vào suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.

Mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tới thắng lợi hoàn toàn; xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Tôi đánh giá đây là thông điệp vô cùng có ý nghĩa, vì mục tiêu hướng tới nền chính trị trong sáng, ổn định với quyết tâm rõ ràng, quyết liệt. Sự tiếp nối công cuộc chống tham nhũng trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết. Tôi rất hy vọng rằng, bên cạnh những thành quả trong thanh lọc, làm trong sạch bộ máy, sẽ xuất hiện các cơ hội cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tôi rất mừng khi trong phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Thiếu sự phát triển bền vững kinh tế thì không có sự phát triển bền vững của đất nước chúng ta.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt; khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!