Đàm luận

Ðúng vai, thuộc bài

Khi nói về bổn phận, công việc của mỗi người, các cụ thời trước dặn con cháu thật đơn giản: “Con phượng thì múa, con nghê thì chầu”. Người nào việc nấy, chân nào tay ấy, hãy lo làm tốt việc của mình, ai hỏi gì, nhờ gì thì mình hãy góp ý, cho lời. Như thế là “đúng vai”.
0:00 / 0:00
0:00
Quyết định di tản của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ (thứ 2 từ trái qua) đã bảo vệ an toàn tính mạng cho 115 người dân thôn Kho Vàng.
Quyết định di tản của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ (thứ 2 từ trái qua) đã bảo vệ an toàn tính mạng cho 115 người dân thôn Kho Vàng.

Nói về những anh chuyên lăng xăng, thích phán xét, có câu thành ngữ: “Gái góa lo việc triều đình”, “Ốc chẳng mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”. Có nhiều kiểu “thuộc bài”. Thuộc là thạo việc, hiểu sâu, hiểu kỹ việc mình làm, như nhà nông nhìn lên vòm trời thấy trời trong, lại có vảy tê tê biết trời nắng to, thấy “ráng mỡ gà” thì sắp bão. Thuộc là do kinh nghiệm tích lũy cả đời và nghe người khác truyền lại, nó khác với thuộc vẹt, khác với thuộc đoạn đầu quên đoạn cuối, đến lúc bắt tay vào việc thì sai bét. Nay ta gọi là giáo điều, máy móc, chỉ nghe, nói đế, phụ họa, mà ít chịu ngẫm nghĩ, không dám phản biện.

Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Bác cũng nhắc mọi cán bộ dù to hay nhỏ đều phải làm tốt công việc được giao phó, “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Còn trước đó, đầu năm 1945 khi ở Tân Trào, Bác đã viết một bài thơ bằng chữ Hán “Cách mạng tiên cách tâm”, nghĩa là, làm cách mạng trước hết phải cách mạng tấm lòng. Bài thơ còn có những câu, dịch nghĩa là: Trước hết sửa mình tu dưỡng bản thân, sau mới có thể khuyên bảo cấp dưới, có thể làm cho quần chúng noi theo.

“Tiên cách tâm” là như thế, là tấm lòng mình phải trong sáng trước tiên, mình phải đúng vai trước, thuộc bài trước thì mới hướng dẫn mọi người được. Mới đây đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”. Đồng chí nhấn mạnh: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.

“Đúng vai”, hiểu một cách đơn giản nhất là thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, không lạm quyền, không “đá bóng” sang chân người khác, thành tích thì vơ vào, khuyết điểm thì quy vào trách nhiệm chung, hoặc đổ riệt cho người khác. “Thuộc bài” là hiểu biết kỹ chuyên môn, công việc được giao, tác phong chuyên nghiệp, không làm sai, làm trái pháp luật. Và có một điều đương nhiên, phải “thuộc” đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Không phải là thuộc đến từng chữ, nhưng nói đúng, làm đúng nghị quyết. Nói bài bản là có khả năng truyền đạt, phổ biến nghị quyết và cùng tập thể xây dựng được chương trình hành động phù hợp, cụ thể, khả thi.

Đúng vai và thuộc bài như hai mặt của một tờ giấy. Thường thì người có năng lực, chuyên môn giỏi cũng là người làm đúng, làm tốt việc được phân công. Chúng ta thường nói rằng anh ấy/chị ấy đức tài trọn vẹn, y phục xứng kỳ đức. Chúng tôi có dịp trò chuyện với một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, rằng điểm nổi bật trong công tác lãnh đạo quản lý ở tỉnh này là phân cấp, phân quyền rất rõ. Từ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cho đến các lãnh đạo ban đảng, các sở, ngành đều rõ việc, chủ động công việc, không phải chỉ đạo, phân công những việc đương nhiên cấp dưới phải làm. Vì thế mà tình trạng họp hành giảm hẳn, các cơ quan bớt phải thông báo, hướng dẫn. Vì thế mà công việc “chạy”, cấp trên không phải ôm đồm, bao biện. Ở các hội nghị tổng kết chủ yếu nêu kinh nghiệm, thành tích, khuyết điểm thuộc về ai, sắp tới phải làm việc gì. Tuyệt nhiên không có những ý kiến nêu nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm một cách chung chung, những nguyên nhân đã xuất hiện trong các loại báo cáo từ mấy chục năm nay và đưa vào địa phương nào, ngành nào cũng trúng. Chẳng hạn: “Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND”; “Đảng ủy đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo”; “tập thể đơn vị đoàn kết, thống nhất”; “tập trung khắc phục dứt điểm khuyết điểm, tồn tại, chọn đúng khâu đột phá”,v.v.. Nghe lời bàn của khách, đồng chí Bí thư nói rằng, cũng chưa hoàn toàn yên tâm. Còn phải tiếp tục rút kinh nghiệm, nhất là sắp tới chuẩn bị đại hội từ cơ sở, phải đổi mới thật mạnh mẽ cả nội dung và hình thức. Nói phân cấp, phân quyền tưởng đâu là hình thức nhưng chính xác đó là nội dung. “Đúng vai” vừa là hình thức, vừa là nội dung và nội dung quyết định. Không có “vai” nào dành cho người cán bộ xa rời thực tiễn, suốt ngày ngồi bàn giấy, sa vào kinh viện, nói dựa, nói theo, biến mình thành ông đồ Mác-xít.

Đấy là nói tới những câu chuyện ở tầm cao. Chuyện ở cơ sở mới thật là phong phú. Đúng vai, thuộc bài có nghĩa là làm cho đến nơi đến chốn, miệng nói tay làm bằng cái đầu của mình, chứ không phải cái gì cũng đi hỏi cấp trên. Khi nước sôi lửa bỏng, người đứng đầu phải dám quyết. Câu chuyện về anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cố Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai mới đây là một minh chứng sống động. Anh Chứ đã quyết định dời cả thôn đi 15 km, tránh thảm họa sạt lở đất, cứu nguy cho 115 người. Trước đó, vào ngày 9/9, anh cùng mấy người trong thôn đi kiểm tra quanh quả đồi chung quanh làng và phát hiện một vết nứt rộng 20 cm dài 30 cm. Vì “thuộc bài” nên anh biết là có thể xảy ra sạt lở đất, rất nguy hiểm. Thế là lập tức kêu gọi và giục mọi người nhanh chóng rời nhà đến nơi an toàn.

Cùng với những cán bộ tài năng, đức độ, chung quanh chúng ta vẫn còn những lời chê trách về những người chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường. Vẫn còn đó những tranh luận chưa có hồi kết về chuyên nghiệp và nghiệp dư, sở trường và sở đoản, năng lực và năng khiếu, lý thuyết và thực hành, kiến thức chung và bí quyết, v.v.. Vẫn còn đó khoảng cách giữa nói và làm: nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói trong hội nghị khác với nói ngoài hội nghị, nói hay làm dở, “miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm”, không từ chuyện tiểu nhân “bỏ sỏi vào giày nhau”... Vẫn còn đó chuyện “lấn sân” và “cầm tay chỉ việc”. Thấy cấp dưới không nhúc nhích thì sốt ruột, hò hét, đôn đốc, bị phê là lấn sân. Cán bộ chính quyền triển khai công việc lúng túng, thậm chí làm sai chủ trương, đại diện cấp ủy nhắc nhở, yêu cầu thực hiện cho đúng, bị phê là gia trưởng, độc đoán. Riêng chuyện “lấn sân” cũng có nhiều trường hợp khác nhau. Cấp ủy lấn sân chính quyền, có vị bí thư can thiệp sâu vào từng dự án, lấn sân đồng cấp, lấn sân cấp dưới. Lấn sân thường là do không tin ai cả. Khi Cái Tôi càng lớn thì tấm lòng càng nhỏ.

Phải giải quyết sao với những “ca” này?

Xin thưa, nhận thức là một quá trình. Lại phải bắt đầu từ nhận thức và từ ý thức tự giác, tự trọng của mỗi cán bộ, trước hết là người đứng đầu - linh hồn của đơn vị. Người đứng đầu “đúng vai, tròn vai” thì sẽ kéo theo đội ngũ cán bộ cấp dưới noi theo. Đúng vai không có nghĩa là chỉ lo làm hết việc. Thực tế luôn nảy sinh mâu thuẫn, luôn có tình huống phát sinh. Khi ấy người lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không an phận thủ thường, không “mũ ni che tai”, cho rằng đó không phải việc của tôi (!).

Để làm “đúng vai” lại cần “thuộc bài”. Nghĩa là phải biết việc, có kiến thức toàn diện, nắm chắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngược lại thuộc bài là để làm hết phận sự, không né tránh, dễ làm khó... đẩy. Thuộc bài không chỉ là thuộc kinh điển, thuộc nghị quyết. Điều cần nhất là: thuộc tình hình, cách làm, thuộc cán bộ để giao việc đúng người. Thuộc bài nhưng ranh giới với bảo thủ lại khá mong manh. Đừng nhìn mãi vào quá khứ, kiên định và lặng lẽ làm việc, không sa vào những tranh luận ồn ào. Gợi mở tốt hơn là áp đặt, tranh cãi. Hãy bắt đầu ở đây, ngay bây giờ, nhất là biết tạo thời cơ, chớp thời cơ để hành động đúng.

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện về Singapore. Lãnh đạo “Đảo quốc sư tử” này coi thời cơ là một loại tài nguyên quý hiếm. Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, có một câu nói rất hay, đại ý: bên cạnh những phẩm chất thông thường thì phải chọn ra những người có phẩm chất lãnh đạo, trong đó có “helicopter vision” (tầm nhìn từ trên trực thăng). Ở trên cao dễ nhìn toàn cục, không chỉ tập trung vào một việc cụ thể.

Cũng có thể nói người lãnh đạo làm đúng vai và thuộc bài luôn ý thức được vị trí nhìn toàn cục.