Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người thầy thuốc biên phòng tận tụy

Với những người dân xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, trạm khám chữa bệnh quân dân y trở thành điểm tựa mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Người thầy thuốc mang quân hàm xanh Phạm Ðức Trường luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe cho bà con, tô thắm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân thắm thiết.
Thiếu tá Phạm Đức Trường thăm khám cho khách du lịch tại xã đảo Việt Hải.
Thiếu tá Phạm Đức Trường thăm khám cho khách du lịch tại xã đảo Việt Hải.

Điểm tựa của bà con

Là con nhà lính, sau khi tốt nghiệp trung cấp quân y, năm 1998 chàng trai Phạm Đức Trường quê ở Nguyệt Đức, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về biên phòng đất Cảng công tác. Hai năm sau, anh xung phong ra huyện Cát Hải, gắn bó với xã đảo Xuân Đán suốt 10 năm. Hồi đó đời sống bà con còn khó khăn, thu nhập trông chờ cây lúa, đất nhiễm mặn, độ phèn cao, sâu bệnh nhiều, năng suất kém. Xã địa bàn rộng chưa có điện lưới, chủ yếu đi bộ bằng đường đất, ra thị trấn Cát Bà phải đi đò. Cán bộ quân y được đào tạo cơ bản, tận tình khám chữa bệnh nên bà con tin tưởng, trông cậy mỗi khi đau ốm, sinh nở, bệnh tật, đỡ phải đi xa. Trạm tuy nhỏ, nhưng tình người mênh mông.

Công việc bận rộn hơn khi anh Trường chuyển về xã Việt Hải, đảm nhiệm tổ trưởng tổ công tác, Phó trạm khám chữa bệnh quân dân y. Trạm trở thành điểm tựa tin cậy, hình ảnh người thầy thuốc biên phòng tận tụy trở nên quen thuộc với người dân nơi đây cả chục năm nay. Thiếu tá Phạm Đức Trường luôn coi trạm là ngôi nhà thứ hai, bà con như người nhà, bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ có ca bệnh nặng hoặc người già đau yếu cần giúp đỡ là lập tức có mặt. Mỗi lần ốm mệt, bà Bùi Thị Cảnh đều tới trạm. “Chú Trường khám, phát thuốc và dặn dò ân cần, kỹ lưỡng liều lượng, cách sử dụng. Sự tận tình, chu đáo giúp tôi vơi bớt phần nào mệt nhọc, thêm vững tâm”, bà bộc bạch. Chị Phạm Thị Ngọc hồ hởi, hôm bị lên cơn đau dạ dày, anh Trường thăm khám, cho thuốc đúng bệnh nên mau khỏi.

Với những ca bệnh nặng chuyển tuyến trên gian nan bội phần vì đường sá xa xôi, cách trở, nhất là hôm mưa lụt, lúc ban đêm. Không ít lần nhờ nhanh trí sơ cấp cứu, tiên lượng chuẩn, xử lý ban đầu kịp thời mà bệnh nhân cầm cự được, thoát khỏi cơn nguy kịch. Mỗi khi nhắc lại lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông Nguyễn Văn Nghiệp lại rưng rưng xúc động, chân thành cảm ơn thầy thuốc quân y. Hôm đó, ông Nghiệp thấy đầu óc chếnh choáng, đi không vững, sau khi đo huyết áp và thăm khám, y sĩ Trường chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến, khẩn trương sơ cứu và yêu cầu đưa đi cấp cứu gấp. Bão đang vào, người nhà có vẻ chần chừ, anh Trường tỏ thái độ cương quyết và khẩn trương liên hệ xuồng, cùng lặn lội đưa bệnh nhân ngay trong đêm ra thị trấn, rồi thuê phà chở tới bệnh viện Việt-Tiệp trong nội thành. Nhiều ca bệnh khác cũng chớp được thời gian vàng, cứu chữa kịp thời, gia tăng cơ hội bình phục và giảm bớt di chứng. Có người dân không may bị ngã, được khâu rửa vết thương, băng bó cẩn thận, tiêm thuốc giảm đau, nhanh chóng bình phục.

Những năm tháng dịch Covid-19 hoành hành, anh Trường không quản ngại khó khăn, hy sinh, xông pha tuyến đầu chống dịch, giúp dân. Công việc vất vả, hiểm nguy nhưng anh chẳng nề hà: tuyên truyền bà con chủ động phòng ngừa, tham gia chốt kiểm soát, phòng dịch, lấy mẫu test nhanh, tiêm vắc-xin, chăm sóc, điều trị, động viên tinh thần người bệnh. Trường hợp đầu tiên trong xã bị Covid-19 là một cháu nhỏ ở thôn 2, nếu đưa lên trạm cách ly thì mẹ phải đi theo, chăm sóc bất tiện. Thời điểm đó chưa có vắc-xin tiêm phòng nên một số người còn lo lắng, hoang mang. Anh Trường tham mưu cho chính quyền xã sắp xếp cách ly tại nhà, hằng ngày trực tiếp theo dõi, chữa trị. Ca bệnh được chữa khỏi trong niềm vui khôn xiết của gia đình và người dân toàn xã.

Khách du lịch đến Việt Hải ngày càng đông, ai không may bị đau đầu, cảm sốt, đau bụng, xây xát, tai nạn đều được sơ cứu kịp thời. Cuối giờ chiều nghe tin một du khách người Australia bơi ngoài biển bị sái khớp, anh Trường vội vã ra bến nắn khớp vai giúp chóng bình phục. Nhiều du khách nước ngoài được chữa khỏi bắt tay, ôm hôn thật chặt thay lời cảm ơn. Đó là niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.

Hết lòng vì dân

Do thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, đúc rút kinh nghiệm cùng nỗ lực học hỏi, trau dồi chuyên môn, tay nghề y sĩ Trường ngày càng nâng cao. Nghe lời tuyên truyền, nhắc nhở, bà con chủ động giữ gìn nếp sống vệ sinh, khoa học, ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh. Dịp dịch sốt xuất huyết, anh đến từng nhà nhắc nhở các hộ dân giữ gìn vệ sinh môi trường, úp chum vại tránh đọng nước, phun thuốc muỗi, tẩm màn thuốc chống muỗi… để phòng bệnh.

Người thầy thuốc biên phòng tận tụy ảnh 1

Trạm khám chữa bệnh quân dân y Việt Hải là điểm tựa của bà con xã đảo.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Khải đánh giá cao người thầy thuốc biên phòng tận tụy có chuyên môn vững, chẩn đoán ban đầu chính xác, điều trị kịp thời, đúng hướng các ca bệnh nhẹ, không cần chuyển tuyến giúp bà con đỡ vất vả. Đồng thời anh tích cực tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân hiến đất mở đường, thu gom, phân loại rác, giữ đường sá phong quang, để xã đảo luôn xanh, sạch, đẹp, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện du khách. Năm 2023, đã có hơn 60 nghìn khách đến Việt Hải. Từ khi phát triển du lịch, xã không còn hộ nghèo, diện mạo thay đổi, hiện đang nỗ lực về đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chị Nguyễn Thị Hằng bộc bạch, có chiến sĩ biên phòng phối hợp công an xã bảo đảm an ninh trật tự, xã đảo bình yên, ngay cả những ngày hè cao điểm khách đông vẫn an toàn, trật tự, người dân nhặt được đồ khách đánh rơi, để quên đều tìm cách báo tin trả lại.

Anh Trường giờ là thầy thuốc gia đình, người con của xã đảo. Của ít lòng nhiều, bà con trồng được rau, hoa trái, thấy anh bận trực không về quê ăn Tết được, đem tặng anh cặp bánh chưng cho vơi bớt nỗi nhớ nhà khi năm mới, xuân sang… Bí quyết mà anh Trường vẫn chia sẻ với anh em rằng, coi việc của dân dù nhỏ hay lớn là việc của mình, giúp đỡ bằng tất cả tấm lòng, nhiệt huyết, chân thành, bà con sẽ thấu hiểu và hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều anh mong muốn là trạm được đầu tư nâng cấp hơn nữa để phát huy hiệu quả việc khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Khắc Số, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cát Bà luôn tin tưởng người cán bộ gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình, dân vận tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực góp sức được cấp ủy chính quyền địa phương và bà con tin yêu quý mến, tác phong chuẩn mực, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, liên tiếp nhiều năm được khen thưởng. Kể từ khi bão Yagi kinh hoàng càn quét, cả tuần sau đó người dân xã Việt Hải vẫn phải sống trong cảnh “4 không” - không cả điện, nước, giao thông, liên lạc. Nước ngập tứ bề, muốn ra thị trấn Cát Bà chỉ có cách lội bộ hoặc chèo thuyền, có đoạn ngập ngang ngực. Cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề, các lều quán kinh doanh, nhà cấp bốn bị tốc mái, đồ đạc hư hỏng nặng, cây xanh gãy đổ ngổn ngang, hoa màu, vật nuôi bị ngập úng. Chứng kiến khung cảnh xơ xác, tan hoang, đổ nát tàn dư bão, nhiều người chua xót than thở, cả đời chưa thấy cơn bão nào đổ bộ tàn phá khủng khiếp đến vậy, gió giật mạnh ngoài sức tưởng tượng. May mắn là không có thiệt hại về người. Trước cơn bão lớn, Thiếu tá Trường cùng đồng đội tích cực kiểm tra thực địa, hỗ trợ nhân dân chống bão, nhắc nhở, vận động những người nuôi trồng thủy sản, đi tàu ngoài vịnh vào trú bão, với tinh thần bảo toàn tính mạng là trên hết. Mưa như trút, nước ngày càng dâng cao, các anh vừa kiên cường trực bão, hỗ trợ dân sơ tán, vận chuyển đồ lên chỗ cao tạm lánh. Khi nước rút, mọi người cùng chung sức tập trung thu dọn đống đổ nát sau bão, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, để nhịp sống bình thường mau trở lại.

Lấy lời Bác dạy “lương y như từ mẫu” là kim chỉ nam, nơi xã đảo xa xôi, người lính quân y Phạm Đức Trường hằng ngày vẫn lặng thầm cống hiến, cùng bà con bám biển, bám đảo, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.