Tất nhiên, uy tín hình thành qua thời gian. Người xưa nói “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết lòng người có nhân”. Thế nhưng người tài, đức, thường sớm bộc lộ tư tưởng, nhân cách qua những công việc cụ thể, qua thái độ, ứng xử và qua lời nói. Hơn hai chục năm trước, một đồng chí từ Trung ương về một tỉnh miền trung làm Bí thư Tỉnh ủy. Ông ở nhà khách, hằng ngày tự đi chợ nấu ăn, buổi tối có việc riêng, tự đi bằng xe đạp. Có người thấy vậy thì đặt ra nhiều câu hỏi. Cùng với những lời khen về đức tính giản dị, mộc mạc, lại có tiếng xầm xì, hãy chờ một thời gian nữa, xem ông ấy có “tự đánh bóng” không (!). Một nhiệm kỳ thấm thoát trôi đi. Đồng chí Bí thư đã làm được nhiều việc. Kinh tế-xã hội phát triển. Nội bộ đoàn kết thống nhất. Bệnh hình thức giảm hẳn. Và nếp sống tác phong của ông thì vẫn trước sau như một, rất mực... bình dân. Bà con lối xóm thấy bác trên tivi, bảo nhau rằng, “bác Bí thư uy tín lắm!”.
Đây chỉ là một trường hợp. Còn nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành Trung ương từng nhận được lời khen dân dã như thế. Bác ấy tốt lắm, gương mẫu, trong sạch. Bác ấy làm được rất nhiều việc cho tỉnh, cho huyện, chẳng như ai đó nói như sông như biển mà làm thì vẫn nếp ao làng. Người ta bảo ông nọ bà kia có “uy” mà không có “tín”. Những người ấy có thể được cấp dưới “kính” nhưng không “trọng”, không “phục”. Mỗi lần nhận “lệnh”, họ vâng dạ nhưng không làm, đùn đẩy với đủ lý do. Có người lại bảo, giá ông thủ trưởng của mình thật sự là thủ lĩnh, là đầu tàu thì anh em đỡ khổ biết bao nhiêu, công việc sẽ chạy, nội bộ sẽ êm. Ở đây mọi người đang nói đến một ông sếp kém uy tín, bởi thế họ nhận việc một cách miễn cưỡng và chỉ làm cho... xong chuyện. Thế là, “mọi thứ đủ cả chỉ thiếu gió đông”, công việc cứ ì ạch, bầu không khí trong đơn vị âm âm u u, chỉ vì, đang cần một thủ lĩnh thật sự. Người có uy tín nói một câu còn hơn người khác “ra lệnh”, đốc thúc ngày này sang ngày khác.
Chức vụ không đẻ ra uy tín. Những già làng ở Tây Nguyên, và những người có uy tín không hề có chức vụ gì. Họ nói và bà con dân làng đều nghe vì tin, rất tin. Niềm tin chỉ dành cho những người đáng tin. Thời gian qua, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần thép, những người mắc khuyết điểm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị xử lý nghiêm minh, bất kể họ giữ chức vụ gì. Có những người “ngã ngựa” từng một thời “hét ra lửa”, từng có uy tín, số phiếu tín nhiệm cao gần như tuyệt đối, nhưng té ra là “uy tín giả”. Có một thứ uy tín giả đang len lỏi trong tổ chức, trong xã hội. Nó giống như khúc củi mục được gọt đẽo và sơn phết hào nhoáng. Có người tự sơn phết cho mình. Có người được các đệ tử, những người cánh hẩu tô vẽ cho bằng đủ cách, đủ kiểu.
Uy tín giả thể hiện ở chỗ, khai thác triệt để chủ nghĩa dân túy. Có vị lãnh đạo kém về chuyên môn nhưng lại giỏi khoản vuốt ve, hứa hẹn, thương lượng phần anh phần tôi. Có vị biết rõ những nhân vật “ngang ngược”, là đầu mối của các vụ kiện cáo, thế là tìm cách “gia ân” bằng cách cho lên lương sớm, cho đi nước ngoài, thậm chí nhờ doanh nghiệp tạo điều kiện ủng hộ bằng cách bán cho căn hộ chung cư giá rẻ. Thế là mấy anh vốn gai ngạnh từ đó im phắc, từ chê bôi sang hết lời khen sếp.
Uy tín giả còn thể hiện ở chỗ, không ít người dán lên mình đủ thứ học hàm, học vị, danh hiệu, quen biết khắp thiên hạ, khiến ai cũng ngại. Người ấy đi đâu, làm gì, viết gì, đều tính toán từng li từng tí. Đi dự hội nghị, ban tổ chức giới thiệu sót một chức vụ (trong vô số chức vụ), anh ta sa sầm nét mặt và bỏ về. Đúng là anh có danh nhưng mọi người biết không phải thực danh. Sao cứ khoe mãi cái hư danh như thế?
Lại có người tìm cách giữ uy tín bằng cách dĩ hòa vi quý. Họ né tránh việc bộc lộ chính kiến, phê bình người khác. Họ luôn ngả theo số đông và tìm cách gặp riêng, nói riêng sau cánh gà. Họ phê bình cấp trên mà thực chất là những lời siểm nịnh. Họ lan truyền thị phi gây bất lợi cho những ai có nguy cơ cản đường tiến của mình. Thật sự thì họ không bao giờ có uy tín cả. Ta nói “bằng mặt không bằng lòng” chính là ở chỗ này. Vì nó thiếu bằng chứng, vì khó nói, và vì cả những tính toán cá nhân cứ cộm lên trong túi áo.
Dịp này các tổ chức Đảng trong cả nước đang kiện toàn tổ chức, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, công tác nhân sự được hết sức coi trọng, vì ta thường nói, “cái gốc của cái gốc” là việc dùng người sao cho đúng. Có nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, nhưng nói gọn lại là phải chọn được người có đức, có tài, có uy tín. Mới đây, chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự và Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói: Cán bộ được quy hoạch phải có tính chiến đấu, tính kỷ luật cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Đủ uy tín và năng lực lãnh đạo đất nước ở thời kỳ kinh tế số, xã hội số, là vấn đề không hề dễ dàng. Song có một điều, những vấn đề làm nên uy tín một người lãnh đạo về cơ bản vẫn là, có tầm hiểu biết rộng, vừa “uyên” vừa “bác”, nhạy bén với cái mới, am hiểu thực tiễn, giàu vốn sống. Không chỉ thuộc bài mà còn phải làm bài giỏi. Đó là trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức, làm tốt mọi nhiệm vụ được giao, đứng lên sau thất bại, không ngã lòng, nản chí. Đó là sự gương mẫu về mọi mặt, gắn bó với quần chúng, nhất là với những người chung quanh, có quan hệ trực tiếp với mình. Quần chúng cần nhìn thấy cán bộ thực hành đạo đức, hơn là nghe lý thuyết về đạo đức.
Chuyện thực hành đạo đức, trong mấy chuyến đi thực tế gần đây, tôi thấy thật mộc mạc, ấn tượng. Khi thi công đường dây 500 kV, mạch III, có chiều dài 519 km, từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), trong thời gian thần tốc - sáu tháng, có biết bao dẫn chứng sinh động về sự xả thân của cán bộ, công nhân, của những người dân sẵn sàng hiến đất, rời nhà, vì nguồn sáng cho đất nước. Hình ảnh những người thợ điện ngâm mình trong nước lạnh ngày mưa rét, ăn vội suất cơm hộp trên đỉnh cột điện khi dựng cột, kéo dây, đã nói lên tất cả. Một nữ bí thư chi bộ ở Quảng Trạch nói về sự cố gắng “vượt nắng thắng mưa”: “Đảng viên hơn người chưa phải là đảng viên chỉ một nuộc lạt”. (Ca dao: Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu!). Một chút, một chút thôi, nhưng nhiều người cố gắng thì sẽ cộng vào, nhân lên thành nguồn lực lớn. Uy tín của Đảng dày hơn, niềm tin của Dân với Đảng lớn hơn.
Người lao động chân tay gương mẫu theo kiểu của họ. Nhà khoa học gương mẫu theo cách của mình, để bước chân ra thế giới. Người có uy tín thời nay chính là người “có sức ảnh hưởng” (KOL). Không phải bây giờ, cách đây hơn bốn thập niên, Giáo sư Hoàng Tụy (1927-2019) - nhà toán học kiệt xuất của Việt Nam, đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu, đưa Toán học Việt Nam vươn tầm quốc tế. Phương pháp Lát cắt Tụy là một đóng góp quan trọng mở ra Lý thuyết tối ưu toàn cục. Với hơn 100 bài viết trên các tạp chí uy tín thế giới, đưa ông đến với nhiều giải thưởng quốc tế và danh hiệu cao quý. Ông là Tiến sĩ danh dự của Đại học Linkoping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011), mang tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp Carathéodory. Thật xứng danh nhà bác học, nhưng ông rất mực khiêm cung. Đầu những năm 2000 khi viết bài cho báo Nhân Dân, ông luôn dặn chúng tôi: “Nhớ đừng ghi học hàm Giáo sư nhé, nếu cần thiết thì chỉ ghi “Nhà toán học” là đủ”.
V.I.Lênin từng nói, đại ý: Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: Cán bộ có uy tín thì được dân yêu. “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 52).
Trong lúc này, ở thời điểm chuẩn bị cán bộ và bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, chúng ta càng thấy sáng rõ hơn tư tưởng của các nhà lãnh đạo tiền bối. Chọn đúng cán bộ là chọn người thực đức, thực tài, có uy tín.