Ðại ngàn chuyển mình đón nắng

NDO - Dọc tuyến độc đạo nối thành phố Huế với huyện A Lưới dài 78 km đoạn uốn cong mềm mại, đoạn cua gấp khúc, có những lúc tầm nhìn trải dài tít tắp, hai bên đại ngàn xanh mướt, lấp lánh, đẹp như tranh. Bấy giờ Huế đang mùa mưa, nước sông Bồ đầy ăm ắp. Là con đường huyết mạch, Quốc lộ 49 đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất từng nức tiếng với những cái tên gắn liền với nhiều trận đánh oai hùng của quân dân ta trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ: đèo Mẹ ơi, suối Máu, đồi A Bia hay còn gọi “đồi Thịt băm”... Nhờ đường sá được làm mới, giao thông đi lại thuận tiện, A Lưới đã và đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ...
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp hoang sơ của thác A Nôr tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr xã Hồng Kim (huyện A Lưới). Ảnh | CÔNG HẬU
Vẻ đẹp hoang sơ của thác A Nôr tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr xã Hồng Kim (huyện A Lưới). Ảnh | CÔNG HẬU

Hồi sinh vùng đất chết

Từng là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, A Lưới hiện vẫn lưu giữ mật độ di tích lịch sử cách mạng dày đặc, tiêu biểu. Bên cạnh đường Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, hàng chục địa đạo, cụm địa đạo với địa hình đa dạng được quân và dân ta xây dựng bên trong các dãy núi, hang động, bìa sông.

Hệ thống di tích sân bay quân sự và dã chiến được Mỹ xây dựng trong khoảng thời gian 1957-1965 nhằm bằng mọi giá đạt tham vọng bình định các cuộc tiến công, đồng khởi của quân và dân ta trên mảnh đất này. Hệ thống hang động ở A Lưới vốn nhiều, quân và dân biến địa hình đó thành đài quan sát, hoặc là nơi tập kết vũ khí, quân nhu… cho bộ đội ta trong suốt thời kỳ dài chống đế quốc Mỹ. Động So, A Đon, động Tiên Công, các sân bay A So, A Lưới, A Co, đồi A Bia… những địa danh đã đi vào lịch sử.

Các địa chỉ đỏ đang được tu sửa, quy hoạch để trở thành điểm tham quan, du lịch gắn với lịch sử đấu tranh oai hùng của người dân A Lưới nói riêng, Thừa Thiên Huế và cả nước nói chung…

Đồng chí Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, di chứng chất độc da cam/dioxin nửa thế kỷ nay vẫn còn hiện diện và đè nặng trên vai nhiều người, nhiều số phận người dân nơi đây. Xã Đông Sơn, đặc biệt là khu vực sân bay A So, trước đây từng là nơi quân đội Mỹ dùng làm sân bay dã chiến, tàng trữ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải và tẩy rửa máy bay sau khi phun, do đó mức độ nhiễm dioxin rất cao.

Toàn xã hiện có 49 người được hưởng trợ cấp nhiễm chất độc da cam và còn nhiều người bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ. Với kinh phí 70 tỷ đồng, sau 3 năm triển khai rốt ráo, tháng 10 năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi cho rằng, khi Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ, A Lưới được xử lý hết chất độc trao về địa phương quản lý, chính quyền địa phương và người dân đều có nguyện vọng nơi đây sẽ xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu trưng bày, nhà lưu niệm. Ngoài ra, người dân yên tâm chăn nuôi trồng trọt, làm giàu trên mảnh đất tổ tiên sau hơn 50 năm hoang hóa.

Thay đổi tư duy thoát nghèo

Là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, A Lưới đồng thời thuộc diện một trong 22 huyện được ưu tiên đầu tư hỗ trợ thoát nghèo. Và kỳ tích đã đến, ngày 6/9 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: A Lưới thoát nghèo năm 2024.

Ðại ngàn chuyển mình đón nắng ảnh 1
Nghệ nhân dệt dzèng Mai Thị Hợp tích cực quảng bá sản phẩm thủ công của dân tộc Tà Ôi ở A Lưới

Ngoài ba nguồn đầu tư chính từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình giảm nghèo cho khu vực dân tộc thiểu số, các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, chính quyền huyện A Lưới luôn chủ động, tích cực tìm nguồn hỗ trợ đa dạng về cho địa phương mình.

“Với quan điểm thay đổi cách làm ăn và suy nghĩ của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”, đồng chí Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới rốt ráo.

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và phấn đấu giảm còn 14,34% vào cuối năm nay.

A Lưới hôm nay đã có diện mạo mới. Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, đường giao thông liên xã liên thôn được đầu tư, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Thu nhập của người dân bình quân đầu người cuối năm 2021 là 27,5 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 nâng lên 35,22 triệu đồng/người/năm, cuối năm nay dự báo đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm và cuối năm 2025 đạt 45 triệu đồng...

Gia đình bà Kăn Thu (xã Hồng Thái) sở hữu vườn chuối lùn quy mô hàng trăm gốc. Có kỹ thuật chăm bón, vườn chuối cho quả đều, mẫu mã đẹp, chất lượng, thu hoạch được đến đâu, các siêu thị, đầu mối lấy hết đến đó. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, bà Kăn Thu để ra được khoảng 50 triệu đồng. Năm ngoái, cũng nhờ cây chuối, gia đình bà được gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo xã Hồng Thái.

Hộ gia đình anh Hồ Văn Tú (xã Quảng Nhâm) là một trong 12 hộ đầu tiên của địa phương 5 năm trước nhận hỗ trợ từ dự án để triển khai trồng sâm Bố Chính. Vừa làm vừa điều chỉnh, nghe ngóng, mùa đầu chỉ trồng thử nghiệm, hiện nay, diện tích trồng đã mở rộng lên gần 5 ha, kỹ thuật và kinh nghiệm đúc rút theo thời gian, năm sau sản lượng cao hơn năm trước, chất lượng cũng ổn định hơn.

Từ đối tượng hộ nghèo nhiều năm ở địa phương, giờ đây mỗi năm thu nhập từ sâm đã lên đến hàng trăm triệu đồng, gia đình anh Tú đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ gia đình có tích lũy.

Bên cạnh cây sâm Bố Chính, cũng từ nguồn vốn hỗ trợ này, bà con các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm, A Roàng đã xây dựng vùng dược liệu quý với tổng diện tích khoảng 215 ha, trong đó có 210 ha trồng cây dược liệu và 5 ha xây dựng nhà máy, vườn ươm dự kiến đặt ở Quảng Nhâm.

3 HTX được thành lập đi vào hoạt động và 313 người đăng ký tham gia trồng cây dược liệu; nhiều hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư về lĩnh vực dược liệu được tổ chức để thu hút thêm sự quan tâm của nhiều người.

Ông Hoàng Công Thành, Trưởng phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện là người quê gốc Quảng Điền lên A Lưới lập nghiệp đến nay đã hơn 40 năm. Ông gắn bó với nơi đây như quê hương thứ hai của mình, đi đến đâu có kinh nghiệm hay cũng mang về áp dụng liền, phổ biến, cùng dân thử nghiệm trồng và nuôi những con giống mới trên đất A Lưới. Huyện có nhiều sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu sở hữu như giống chuối lùn A Lưới, nhãn hiệu tập thể Thịt bò vàng A Lưới do Hội Nông dân A Lưới quản lý...

An cư lạc nghiệp

Trong các cuộc họp bàn công tác chỉ đạo, đồng chí Huỳnh Công Quảng luôn nhấn mạnh: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, quá trình thực hiện gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo cáo thực hiện chương trình nhà ở trên địa bàn huyện A Lưới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025 kết hợp với các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, hiện có 3.786 hộ gia đình với tổng kinh phí hơn 231 tỷ đồng được nhận hỗ trợ theo chương trình nhà ở. Trong đó, nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 200 tỷ đồng.

Chị Hồ Thị Chiếu, người dân tộc Pa Cô ở thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc nuôi đàn lợn 5 con, trước Tết xuất chuồng đã có một khoản trả dần nợ làm nhà. Gia đình chị trong diện được nhận hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia để làm nhà ở.

Ngôi nhà khang trang rộng rãi, chi phí bỏ ra hơn 100 triệu đồng (60 triệu đồng Nhà nước cho, 30 triệu đồng từ bán lợn và vay mượn thêm bà con). Toàn bộ công xây vợ chồng chị tự làm và đổi công cho một số anh em trong thôn. Tuy chưa trả hết nợ, nhưng gia đình chị Chiếu phấn khởi, yên tâm vì có nhà kiên cố, giờ chỉ lo làm để trả nợ thôi...

Ðại ngàn chuyển mình đón nắng ảnh 2

Phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa là thế mạnh của A Lưới

Hào phóng nắng gió, thoáng đãng, quán cà-phê nhà vườn ở A Lưới nhiều và đẹp. Một thời gian cây cà-phê được trồng phổ biến trên đất A Lưới nhưng rơi vào bế tắc bởi nhiều rào cản.

Những năm gần đây, một số người trẻ tiếp tục trồng và chế biến cà-phê và đã cho ra thành phẩm sạch ra thị trường. Thương hiệu Cà-phê A Lưới với chuỗi quá trình trồng, thu hái, rang xay riêng biệt đã cho sản phẩm được đánh giá có mùi thơm độc đáo, thú vị.

Dọc đường về các đường thôn bản, bức tranh xanh, sạch, sáng hiện diện khắp nơi. Người dân A Lưới luôn có thói quen sống sạch sẽ, gọn gàng. Phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, công trình sinh hoạt, đường làng sạch, ngày chủ nhật xanh vẫn duy trì nhiều năm nay. Một A Lưới khỏe khoắn đầy nội lực đang trên đà sinh trưởng, bắt nhịp cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thừa Thiên Huế thời gian qua...