Từ tầm nhìn xa, chủ trương sáng suốt
Sau Chiến cuộc Đông-Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trước sự thỏa thuận của các nước lớn, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền nam-bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến tạm thời. Hiệp định cũng nêu thời gian chuyển vùng, chuyển quân hai bên thực hiện trong vòng 300 ngày, hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào tháng 7/1956. Thế là, vừa ra khỏi chiến tranh, mình còn đầy thương tích, cả dân tộc khẩn trương thi hành Hiệp định, bố trí lại lực lượng cách mạng. Không ít gia đình, cộng đồng phân ly, cách trở. Số cán bộ, bộ đội, đồng bào và học sinh miền nam tập kết ra bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 bằng đường biển, đường bộ lên đến 200 nghìn người. Đồng bào miền bắc di cư vào nam khoảng một triệu người.
Trong muôn vàn khó khăn chồng chất, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã rất sáng suốt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cả nước vừa khẩn trương tiếp quản các địa phương, các cơ sở vật chất-kỹ thuật do thực dân Pháp bàn giao, xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị vững mạnh, đấu tranh chống cưỡng ép di cư, vừa tổ chức chu đáo việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, HSMN. Với tầm nhìn xa trông rộng, dự đoán trước tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt việc “trồng người”, chăm lo đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Đến ngày 16/5/1955, toàn bộ lực lượng trong diện tập kết đã ra miền bắc an toàn. Công tác đón tiếp hết sức chu đáo, tràn đầy tình ruột thịt bắc-nam.
Thật ra, con em cán bộ, chiến sĩ miền nam ra học tập ở miền bắc tập trung vào 3 giai đoạn: cuối năm 1954 đầu năm 1955, từ năm 1960 đến 1964 và thời kỳ 1968-1972. Được sự quan tâm chăm lo của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo và nhân dân các địa phương miền bắc, sự nuôi dạy tận tình của các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên các trường, sự nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đội ngũ HSMN đã trưởng thành vượt bậc. Nhiều đồng chí giữ cương vị cao ở các ban, ngành đoàn thể các địa phương, hàng chục đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một số đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, có đồng chí là lãnh đạo chủ chốt. Tôi cho rằng, sự trưởng thành của các thế hệ HSMN là một trong những mốc son, thành tựu lớn của cách mạng nước ta, xứng đáng là những trang vàng trong lịch sử Đảng ta.
70 năm qua, HSMN vẫn giữ trọn lời thề với Bác Hồ, với Đảng và nhân dân: tuyệt đối trung thành, xả thân vì sự nghiệp cách mạng.Cũng có thể, nơi này nơi khác, có lúc có khi vấp phải sai lầm, khuyết điểm trong công tác, nhưng toàn đội ngũ là một tập thể cán bộ quý, trung kiên của Đảng, Nhà nước, không suy thoái biến chất, không cục bộ, địa phương, cá nhân chủ nghĩa; không xa rời lý tưởng cách mạng, xa rời nhân dân.
Thanh Hóa với miền nam, nhân dân cả nước
Ấn tượng sâu nặng trong cuộc đời tôi đối với miền bắc là khi đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên tàu Liên Xô, được ăn cơm no, bánh mì Nga, lên boong tàu nhìn sóng biển, đã là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ. Khi những con thuyền bé nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón chào, rất nhiều anh chị, cô bác đầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế, đỡ đần người già yếu, chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn hai hàng các bạn thiếu nhi vẫy cờ hoa chào đón, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Giờ đã tuổi ông bà, những ấn tượng, cử chỉ ấy cứ đeo đẳng mãi không nguôi. Mỗi khi nhớ lại, nước mắt lại trào ra.
Bác Hồ thăm thiếu nhi miền nam tập kết ra bắc ở tỉnh Thanh Hóa (năm 1957). Ảnh | TL |
Những ngày ở Sầm Sơn như một cuộc đổi đời, cứ ngỡ trong mơ. Chúng tôi được sinh hoạt tập thể, quen thân bè bạn các miền, nhiều lần được khám bệnh, chữa bệnh, có thuốc, sữa lúc ốm đau, ăn no, ngày ba bữa, được cấp phát quần áo, giày dép, chăn màn mới. Các bạn gái khéo tay, nhanh trí, nhận những chiếc áo len rộng thùng thình về tháo ra đan lại dày dặn, đẹp hơn. Bọn con trai đổi đi, thử lại tìm áo len vừa vặn cho mình. Có bạn thích ăn ngọt, liên tục cáo ốm, báo ăn cháo vì có đường cát trắng để dành. Tối nào cũng được xem phim, xem các đoàn văn công biểu diễn... Chúng tôi hiểu chế độ tốt đẹp, miền bắc xã hội chủ nghĩa giống “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa” từ ngày ấy, từ tấm lòng người dân, từ bạn bè cùng trang lứa Thanh Hóa.
Lớp tôi, gần 40 người, về Trường 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương. Từ cảm nhận ban đầu ở Sầm Sơn, về đây được sống với dân, và đã đi gần trọn cuộc đời, tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của người dân Thanh Hóa với đất nước để có ngày hôm nay. Bà con nhường cơm sẻ áo, đùm bọc thân thương. Nhà nào chúng tôi đến ở cũng được dành cho những vị trí đẹp, mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông. Trường học chưa kịp xây, thì đình chùa thành lớp học...
Từ ơn nợ nghĩa tình với Thanh Hóa tuổi học trò, sau này được học hành, nghiên cứu, tôi càng hiểu sâu sắc hơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đối với cả nước và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta. Năm 1953-1954, nhân dân Thanh Hóa đã dồn toàn bộ sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho các mặt trận khác ở Khu III, Khu IV. Riêng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ giữa tháng 12 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954, Thanh Hóa đã huy động được gần 100 nghìn dân công và 5.000 xe đạp thồ.
Sự đùm bọc, cưu mang cán bộ, thương bệnh binh, đồng bào và HSMN tập kết năm 1953-1954 là tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân nơi đây. Ngày ấy, không chỉ chăm lo nơi ăn, chốn ở, đời sống hằng ngày, Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục Thanh Hóa còn ưu tiên dành đội ngũ cán bộ, thầy, cô giáo ưu tú cho HSMN. Cái khó nhất là kiểm tra, tổ chức, sắp xếp học sinh vào các lớp học. HSMN không đồng trang lứa, có những em tuổi khá cao, thậm chí là chiến sĩ hoạt động nội thành, sống ở vùng tự do, vùng địch, ít thầy giáo, ít lớp lang bài bản. Trường bổ túc công-nông, trường dân tộc nội trú, hệ thống trường nội trú HSMN, vận hành được mô hình giáo dục, đào tạo đặc biệt này, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, là tấm gương về trình độ, nhân cách và tình mẫu tử. Suốt cuộc đời học sinh, trong tôi, vẫn in đậm hình bóng các thầy Lê Vạn Phiên, Đàm Lê Cẩn, Lê Ngọc Lập, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Khắc Ân... Và không thể thiếu những cán bộ hành chính quản trị, y tế, tiếp liệu, anh chị nuôi, đặc biệt là các cô bảo mẫu. Ngày mới ra bắc, chúng tôi gầy nhom, ốm yếu, ghẻ lở đầy người, phải có người chăm sóc từ tắm rửa, giặt giũ đến dỗ dành từng bữa ăn, giấc ngủ. Các cô bảo mẫu khi đó còn rất trẻ, phần lớn chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ, người chị. Không ít người đã gửi trọn tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình cho sự nghiệp trưởng thành của HSMN.
Chung niềm tự hào, xả thân nơi tình nghĩa
Thanh Hóa anh hùng, nghĩa tình, điều đó ai cũng biết. Không nhắc lại những trang sử vàng son, anh hùng hào kiệt, tôi muốn tô đậm hơn những dấu ấn mở đầu ở thời khắc cam go, đầy thử thách mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phải gánh vác, đương đầu, xả thân vì đất nước.
Không chỉ có lịch sử hào hùng trong dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa còn là một căn cứ địa, hậu phương vững chắc của các cuộc kháng chiến giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thanh Hóa sự quan tâm, tin tưởng đặc biệt và đã bốn lần về thăm. Đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn kề vai sát cánh, sẻ chia khó khăn với tỉnh.
Ngày chuyển quân ra bắc, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan còn là một chàng trai quá trẻ. Vậy mà mười năm sau, trong một trận không chiến, người con đất Quảng Nam đã hạ chiếc F-8E, trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ máy bay phản lực của Không lực Hoa Kỳ. Chưa đầy một tháng sau khi trừng trị Hạm đội VII Hoa Kỳ, ngày 6/5/1972, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) cùng phi đội MiG-17 dũng mãnh không chiến với 24 máy bay cường kích Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa và người HSMN quê ở Cái Nước (Cà Mau) đã hy sinh, về với mảnh đất ân tình Bá Thước, khi tuổi đời còn rất trẻ. Và trong số 54 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trên vùng biển Lạch Trường có cả HSMN ngày nào đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn.
Thanh Hóa anh hùng không chỉ là quê hương của người xứ Thanh, mà còn của lớp người tập kết 1954-1955, mang nặng công ơn cưu mang, đùm bọc. Sâu lắng và trăn trở trong tôi là tình sâu, nghĩa nặng, vẫn mong có gì để đền đáp.