Chúng ta cảm động trước những tấm gương “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, năng động, dũng cảm, xông pha dưới bão gầm, mưa quất trong đêm để đưa dân đến nơi tạm trú bình yên, dùng mọi biện pháp có thể để gia cố nhà cửa, giữ vững đê điều, bảo vệ tàu thuyền an toàn, tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm để cứu trợ các vùng bị mưa lũ kéo dài. Với hoàn lưu của bão, hàng chục tỉnh, thành phố ở miền bắc lại đương đầu với cảnh mưa lũ, sạt đất triền miên trong nhiều ngày. Khó khăn chồng chất khó khăn!
Thực hiện chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương đã huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện để đương đầu có hiệu quả trước sự thét gầm của mưa bão. Các quân khu, quân chủng, bộ tư lệnh, binh đoàn đã huy động gần 500 nghìn người, hơn 10 nghìn phương tiện, từ máy bay, tàu xuồng, xe đặc chủng vào cuộc chống bão. Bộ Công an huy động hơn 150 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân. Và cũng chính đội quân xung kích này đã chủ động, phối hợp chặt chẽ các tổ chức đoàn thể xã hội khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, lũ.
Cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh, từng giờ, từng phút hướng về đồng bào các nơi có bão đi qua để sẻ chia, động viên và sẵn sàng chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết. Truyền thống đoàn kết, thương yêu trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, chống đại dịch Covid-19, nay được tiếp tục phát huy lên tầm cao mới trong chống thiên tai nghiệt ngã. Tính đến ngày 15/9/2024, Ban cứu trợ đồng bào vùng bị bão, lụt của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được hơn 1.000 tỷ đồng từ sự ủng hộ của cán bộ, nhân dân cả nước. Chính phủ đã quyết định trích nguồn lương thực dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương đang gồng mình đối phó mưa lũ. Nhiều bà con ở nơi đối đầu với hiểm nguy trực tiếp của bão, lũ, xúc động thốt lên tự đáy lòng: “Nếu không có sự quan tâm cụ thể, chi tiết của Đảng, Nhà nước, thì không hiểu số phận gia đình và cộng đồng làng xóm chúng tôi có được bảo toàn trọn vẹn sau khi bão, lũ hoành hành?”.
Những tấm gương, việc làm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên càng làm ngời sáng phẩm chất: “gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Ở tầm vĩ mô, chúng ta vui mừng và tự hào rằng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang thật sự phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ: Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Theo mục tiêu cao đẹp đó, đội ngũ cán bộ, tổ chức thực hiện cần thấm sâu hơn nữa lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Thành tựu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua là to lớn. Trước thời cơ, vận hội, là sự đan xen không ít nguy cơ, thách thức khó lường. Sự biến đổi dữ dằn của khí hậu cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực cơ hội, thù địch, phản động, đã và đang là sự thách đố nhãn tiền. Chúng ta tin tưởng rằng, với một Đảng đã từng trải, dạn dày kinh nghiệm, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đảng ta đã khẩn trương kiện toàn một bước quan trọng các cơ quan Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng vào năm 2026.
Với vị thế của dân tộc ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế cùng sự đồng thuận rộng lớn của tầng lớp nhân dân, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta sẽ có bước phát triển tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.