NHẬN DIỆN NGUY CƠ SUY THOÁI VÀ CHUẨN MỰC ÐẠO ÐỨC CỦA CÁN BỘ, ÐẢNG VIÊN TRONG GIAI ÐOẠN MỚI

BÀI 3: PGS, TS VŨ VĂN PHÚC, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CÁC CƠ QUAN ÐẢNG TRUNG ƯƠNG, NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN: "Cần áp dụng ngay những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới vào quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”

NDO - PGS,TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh nội dung, ý nghĩa của Quy định số 144-QÐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Vũ Văn Phúc
PGS, TS Vũ Văn Phúc

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Quy định số 144-QĐ/TW trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng Đảng ta đã có Điều lệ Đảng, có Quy định 37-QĐ/TW về 19 điều Đảng viên không được làm, Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thì việc thêm Quy định 144-QĐ/TW có thực sự cần thiết?

Nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII Đảng ta có nhiều nghị quyết, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn đảng, như Quy định 08-QĐ/TW, Quy định 37-QĐ/TW... Tuy nhiên, Đại hội XIII vẫn đề ra một nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Chính vì thế, Quy định 144-QĐ/TW chính là triển khai thực hiện nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đặt trong bối cảnh mới hiện nay, Quy định 144-QĐ/TW có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết phải làm rõ những điểm nổi bật trong bối cảnh mới.

Mặc dù Đảng có nhiều nghị quyết, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”… nhưng trong thực tiễn với nhiều vụ đại án gần đây, chúng ta thấy vấn đề tham nhũng, tiêu cực… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có những mức độ cao hơn. Minh chứng là ngay cả cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng vi phạm những quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước dẫn đến niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân bị giảm sút. Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất phù hợp, đặc biệt cần thiết khi chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Quy định 144-QĐ/TW có tính hệ thống, khái quát, cập nhật, đồng bộ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên và có tính liên thông với những Quy định 37-QĐ/TW, Quy định 08-QĐ/TW... Quy định 144-QĐ/TW với những tiêu chí cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Trong Quy định 37-QĐ/TW quy định 19 điều đảng viên không được làm thì Quy định 144-QĐ/TW có 5 Điều với 19 tiêu chí về đạo đức cách mạng, đó là sự tương ứng, không phải là một sự ngẫu nhiên.

Xin ông nói rõ hơn ý nghĩa của Quy định 144-QĐ/TW đối với công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đặc biệt trong công tác chuẩn bị nhân sự?

Một trong những việc hệ trọng của công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng là chuẩn bị nhân sự để bầu vào cấp ủy khóa mới. Vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm là làm thế nào để cấp ủy khóa mới, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV không tái diễn, lặp lại những thực trạng buồn là chưa hết nhiệm kỳ mà có tới 7 đồng chí ủy viên Bộ chính trị phải thôi chức, 23 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, thôi chức. Đây là điều rất đáng lo ngại, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng. Tâm trạng chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân là rất mong muốn Đảng làm thế nào chuẩn bị được đội ngũ cán bộ để bầu vào cấp ủy khóa mới, nhất là bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là những đồng chí thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu cho toàn Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín chèo lái sự nghiệp đổi mới đi đến bến bờ thắng lợi, trong bối cảnh trong nước và thế giới rất phức tạp, đầy biến động, khó lường.

Trong công tác chuẩn bị cấp ủy khóa mới, nhất là nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần áp dụng ngay Quy định 144-QĐ/TW với những tiêu chuẩn, tiêu chí đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ để Đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới. Cụ thể là phải căn cứ vào 5 chuẩn mực với 19 tiêu chí về đạo đức cách mạng để nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên một cách chính xác nhất, khách quan, công tâm nhất nhằm lựa chọn, sàng lọc rất kỹ từng người, từng cán bộ khi đưa vào quy hoạch, đưa vào danh sách giới thiệu cho Đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới, dứt khoát không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện cơ hội chính trị, cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực...

Với công tác sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở “dụng nhân như dụng mộc”. Trong công tác cán bộ phải “khéo dùng”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, không bỏ sót nhân tài…

Đảng có chủ trương thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, cần phải mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những người thực sự tài năng, đủ phẩm chất. Trong một số trường hợp người có tài, nhưng lại có tật, cần phải biết sử dụng tài của họ. Trong quá trình sử dụng uốn nắn, giúp họ sửa tật của mình. Còn hơn sử dụng những người vo tròn như viên bi, được phiếu tín nhiệm rất cao, nhưng không đóng góp cho công việc chung, không dám làm, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đột phá, không dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Những người như vậy chỉ chiếm chỗ, mất cơ hội của những người thực sự có năng lực, có nguyện vọng được cống hiến. Vì thế phải có tư duy đổi mới trong công tác nhân sự. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng quy trình, đủ các tiêu chuẩn hình thức, nhưng lại chọn sai người. Phải chống triệt để “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ”, nạn chạy chức, chạy quyền, cục bộ… trong công tác cán bộ.

Theo ông, làm thế nào có thể định lượng, cụ thể hóa được những tiêu chuẩn đạo đức trong Quy định 144-QĐ/TW để dễ thực hiện, khi mà nhiều tiêu chuẩn còn mang tính định tính?

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW thì Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn để thực hiện và trong Hướng dẫn đã có cụ thể hóa từng chuẩn mực đạo đức cách mạng bằng những tiêu chí đánh giá cụ thể.

Nhưng dù sao Hướng dẫn đó vẫn mang tính định tính chung, nên Ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu rất rõ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng các cấp… cần phải cụ thể hóa những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng mang tính định tính thành những nội dung cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để cán bộ, đảng viên thực hiện. Thí dụ, phải xây dựng tiêu chí đạo đức cách mạng cụ thể trong từng tổ chức đảng như thế nào, trong từng ngành, từng cấp thế nào để dễ nhớ, dễ thực hiện. Bởi vì Quy định 144-QĐ/TW quy định cho toàn Đảng và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho toàn Đảng, không thể đi vào những chi tiết cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương được. Trên cơ sở quy định, hướng dẫn chung, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương cần cụ thể hóa mới thực hiện tốt, hiệu quả quy định này trong thực tiễn.

Điều quan trọng là phải làm sao để Quy định thấm nhuần, thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải xem đó là lẽ sống tự nhiên, là việc phải làm hằng ngày… thì việc thực hiện Quy định mới thành công. Muốn vậy cần đổi mới cả nội dung và hình thức tuyên truyền, cần theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Đặc biệt, hiệu quả nhất là cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương, cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải nêu gương. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói một câu rất đúng: Mọi việc Nhân dân đều biết hết. Nếu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực sự nêu gương, thực hiện những chuẩn mực, tiêu chí đạo đức cách mạng như Quy định 144-QĐ/TW thì sẽ có sức lan tỏa, sức lay động cả trong Đảng cả trong xã hội. Một minh chứng đó là sự nêu gương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự liêm khiết, trong sáng cả trong cuộc sống cũng như trong công tác của đồng chí cố Tổng Bí thư đã đi vào lòng Nhân dân, được Nhân dân kính trọng, tin yêu.

Trong tổ chức và hoạt động của Đảng có nhiều nguyên tắc, trong đó có hai nguyên tắc mang tính rường cột là tập trung dân chủ và tự phê bình và phê bình, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; tuy nhiên gần đây có một số ý kiến cho rằng cần đổi mới hai nguyên tắc này để thực hiện hiệu quả hơn... Quan điểm của ông về vấn đề này?

Chúng ta đang kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng, trong từng tổ chức Đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ. Trong Di chúc, Bác căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bìnhphê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Bác khuyên “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Nhắc lại một số điều trên, để khẳng định rằng: bây giờ không cần phải đổi mới nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà phải thực hiện thật tốt lời dạy của Bác về hai nguyên tắc này. Thời gian qua, một số tổ chức đảng, cấp ủy đảng chưa thực hiện thật tốt, vì thế dẫn đến tình trạng một số tổ chức đảng, cấp ủy đảng, một số cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật… Trong các thông báo của Ủy ban Kiểm tra các cấp, thường có câu: “…không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình”...

Chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh hơn, đúng đắn hơn, minh bạch hơn nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình như lời dạy của Bác Hồ thì Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, phòng, chống được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều quan trọng nhất là phải làm thật, thực chất, tránh hình thức, nửa vời…

Xin trân trọng cảm ơn ông!