Trở về sau đợt giám sát chuyên đề việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại 8 huyện (Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và một số sở, ngành, bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng kết quả thực hiện các chương trình.
Lấy dẫn chứng nội dung hỗ trợ “cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập” thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà các huyện đều không thể thực hiện giải ngân được, bà Giàng Thị Hoa chỉ rõ nguyên nhân hoàn toàn do yếu tố khách quan. Bà Giàng Thị Hoa, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 12 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên vậy nhưng chiểu theo quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều 44 Luật Giáo dục thì mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên lại không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, các đơn vị này không thuộc đối tượng được đầu tư hỗ trợ sửa chữa, mua sắm máy móc, trang thiết bị từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bà Giàng Thị Hoa (thứ 5 từ phải sang), Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên cùng thành viên đoàn giám sát kiểm tra thực địa các mô hình hỗ trợ sản xuất trồng cây cà phê tại xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. |
Tại huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2022-2024 được phân bổ 7,954 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn nhưng Nậm Pồ mới chỉ giải ngân được 31,14% kế hoạch vốn giao để đào tạo nghề cho 1.098 lao động. Vốn còn lại không thể sử dụng mua sắm trang thiết bị… vì như thế là sai đối tượng. Cũng tương tự với huyện Tủa Chùa, trong ba năm (2022, 2023 và 2024), Ủy ban nhân dân huyện đã bố trí 7,073 tỷ đồng cho hai đơn vị: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn song đến cuối tháng 8/2024 hai đơn vị này mới giải ngân được 593 triệu đồng. Nguyên nhân là do nội dung hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Thực tế là Trung tâm rất có nhu cầu đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy nhưng không thể thực hiện vì nếu thực hiện lại thành sai đối tượng.
Cũng do nguyên nhân khách quan mà việc thực hiện tiểu dự án 2 của Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện trong tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo quy định việc cung ứng, sử dụng nguồn giống tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi. Thế nhưng cả tỉnh Điện Biên hiện không có cơ sở, đơn vị cung ứng giống gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) đủ tiêu chuẩn theo quy định vì thế mà việc thực hiện rất vướng mắc.
Chính vì các khó khăn, vướng mắc như đề cập trên và một số nguyên nhân khác khiến việc thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Điện Biên thời gian chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2022 Điện Biên được giao tổng vốn là 1.598,7 tỷ đồng, giải ngân đạt 59,19%; năm 2023 được giao 2.287,8 tỷ đồng, giải ngân đạt 82,03%; năm 2024 được giao 2.223,9 tỷ đồng, đến 30/6 giải ngân đạt 26,64%; vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 (đã bao gồm phần vốn được phép kéo dài từ năm 2021, 2022 sang năm 2024) là 1.289,8 tỷ đồng đến 30/6 giải ngân đạt 55,7%.
Ông Mùa Thanh Sơn (đầu tiên bên phải ảnh), Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên nắm bắt tâm tư người dân huyện Mường Nhé trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. |
Chủ động khắc phục vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng tiến độ thực hiện các chương trình, dự án và tiến độ giải ngân nguồn vốn từ các chương trình dự án, căn cứ đề xuất từ các huyện, các ngành, vừa qua, Sở Kế hoạch Đầu tư Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại các chương trình.
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Điện Biên, cho biết: Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn là 94,970 tỷ đồng của tổng số 95 dự án và điều chỉnh tăng tương ứng cho 26 dự án; đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn là 26,23 tỷ đồng của tổng số 88 dự án; điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2024 nguồn vốn ngân sách Trung ương với tổng số 89,119 tỷ đồng của tổng số 27 dự án và điều chỉnh tăng tương ứng cho 24 dự án.
Mới đây, ngày 14/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 1830/QĐ-UBND về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương năm 2024 và vốn kéo dài năm trước chuyển sang cho các đơn vị thực hiện một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi điều chỉnh dự toán năm 2024 số tiền 9,861 tỷ đồng; điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp còn dư năm trước chuyển sang số tiền 207,603 tỷ đồng.