Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu cụ thể phát triển chính quyền số đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị được trao đổi, liên thông trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc của các cơ quan cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc của các cơ quan cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cơ quan cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Theo đó, tỉnh chú trọng tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết chuyển đổi số; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, thu hút nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Giao người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, Tỉnh ủy Điện Biên cũng yêu cầu, lấy kết quả triển khai thực hiện nghị quyết chuyển đổi số là một trong những căn cứ đánh giá, xếp loại và thực hiện công tác cán bộ đối với cán bộ, người đứng đầu.
Nguồn lực cần thiết phục vụ chuyển đổi số tại Điện Biên được thực hiện dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Quá trình thực hiện có thể lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số.
Ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên, cho biết: Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Viettel Điện Biên tổ chức giới thiệu mô hình thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Điện Biên.
Mô hình bao gồm các trung tâm chức năng như: Giám sát, điều hành giao thông; giám sát điều hành an ninh công cộng; trung tâm ứng cứu khẩn cấp; bảo mật, an toàn thông tin; phản ánh hiện trường; trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; giám sát thông tin báo chí và thông tin truyền thông; trung tâm quản lý dịch vụ công ích; trên nền tảng công nghệ trên hệ thống: Quản lý điều hành tập trung, phân tích video, phân tích hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, nền tảng IoT.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Điện Biên đã tích hợp các thông tin có sẵn của địa phương như: Hệ thống văn bản, hệ thống dịch vụ công, dữ liệu ngành Y tế và Giáo dục, từ đó tổng hợp dữ liệu, thông tin và đưa ra những cảnh báo kịp thời để ngành chức năng có định hướng cụ thể, chỉ đạo xử lý, khắc phục.