Thiếu nữa là mảng đề tài tôn vinh những tấm gương, những người đã và đang làm việc và cống hiến quên mình vì đất nước, vì nhân dân. Mảng này thời gian trước, truyền hình đã làm được một số phim nhiều tập có tiếng vang như Bí thư Tỉnh ủy, Ma làng, Chuyện làng Nhô..., nhưng gần đây đã ít hẳn và các đơn vị đã chuyển sang làm phim truyền hình nhiều tập về người Việt ở nước ngoài.
Trong khi đó, các hãng phim tư nhân vì muốn tiết kiệm kinh phí và đáp ứng tính thời vụ, nhất là mùa phim Tết, cho nên chủ yếu làm phim thị trường đậm tính giải trí thuộc thể loại tâm lý xã hội hoặc phim võ thuật, hay gần đây nở rộ phim ma. Đương nhiên họ cũng đã làm phim nghệ thuật như các bộ phim: Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Lấy chồng người ta,... nhưng chưa nhiều. Điểm cần lưu ý có những phim sai lạc về nội dung tư tưởng, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống, bị cấm phát hành như Bụi đời Chợ Lớn, Bẫy cấp 3...
Điện ảnh hiện có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ tham gia đạo diễn, dựng phim và đóng phim với các dòng phim khác nhau. Có người theo dòng chính thống, người theo dòng thị trường, nhưng cũng không ít người theo dòng phim độc lập để được tự do hơn trong cách viết kịch bản và dàn dựng vì họ không phụ thuộc vào sự đầu tư của Nhà nước hay tư nhân. Chủ yếu họ trình dự án xin tài trợ của các quỹ văn hóa thuộc tổ chức nước ngoài. Thời gian làm phim lâu hơn, song cốt để khẳng định mình, khẳng định phong cách cũng như cách nhìn nhận riêng và có xu hướng gần hơn với dòng phim nước ngoài, cho nên những phim này nhiều khi xa rời với phong tục tập quán trong nước. Xem phim của họ không biết là của nước nào khi không có một chút dấu ấn văn hóa dân tộc mà chỉ cảm nhận ở đó lối sống lai căng, pha tạp.
Nhiều nghệ sĩ có thâm niên đã không khỏi kinh hãi trước sự trơ lỳ về cảm xúc và sự lạnh lùng khi làm điều xấu của không ít người trong giới trẻ hôm nay, điển hình là nhân vật trong phim Khi tôi 20 (đã bị cấm chiếu). Đó là chưa nói đến cái ác, bạo lực đang tràn lan ngoài xã hội do ảnh hưởng từ những bộ phim ngoại nhập hoặc được trình chiếu hằng ngày trên các kênh truyền hình nước ngoài, hoặc đĩa DVD phim lậu. Mỗi ngày một ít, như mưa dầm thấm lâu, đã góp phần làm băng hoại đạo đức, tha hóa lối sống, làm phai nhạt lý tưởng, những người trẻ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ cơ hội.
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật đầu tư tốn kém, nhưng lại có sức lan tỏa rộng lớn. Đây là phương tiện tuyên truyền đầy hiệu quả về đất nước, thiên nhiên, con người Việt Nam, đồng thời là công cụ để truyền tải cảm xúc tốt đẹp, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời góp phần chống lại những tệ nạn xã hội... Cũng vì vậy, cần có cách nhìn nhận cởi mở, thông thoáng và một chính sách đầy đủ hơn để hỗ trợ, khuyến khích, động viên các văn nghệ sĩ sáng tác kịch bản và thực hiện những tác phẩm nghệ thuật về đề tài đương đại, qua đó có nhiều tác phẩm kịp thời và hấp dẫn, thu hút người xem. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho những phim về đề tài đương đại, chống tiêu cực, tham nhũng; số lượng tác phẩm đưa vào dàn dựng, sản xuất cũng như ngân sách phải tương đương phim mang đề tài lịch sử - chiến tranh cách mạng. Về công tác quản lý, cần khuyến khích thể nghiệm tìm tòi những cái mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng điện ảnh trẻ có đất dụng võ, chấp nhận những cái nhìn lạ, khác biệt trong các tác phẩm điện ảnh, miễn sao phim toát lên được tính nhân văn và khơi dậy cảm xúc thẩm mỹ.
Điều cuối cùng, mọi tác phẩm điện ảnh muốn có được chỗ đứng trong công chúng, thì các tác phẩm đó phải hướng tới mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng đạo đức xã hội, con người Việt Nam hôm nay và mai sau.