Điểm tựa cho trẻ mồ coi do đại dịch Covid-19 ở Vĩnh Long

NDO -

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 24 trẻ em mồ côi vì Covid-19. Bên cạnh những mất mát về mặt tinh thần, đa số các cháu hiện đang đối mặt với cả khó khăn về vật chất. Có trường hợp các cháu đã mồ côi cha hoặc mẹ, nhiều cháu phải sống nương tựa ông, bà hiện đã lớn tuổi, không còn sức lao động…

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thăm và trao tặng quà cho cháu Cao Thị Kim Ngân.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thăm và trao tặng quà cho cháu Cao Thị Kim Ngân.

Hồi tháng 6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1983, ngụ xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ chẳng may bị nhiễm Covid-19 và đã tử vong. Chị ra đi để lại 2 đứa con thơ, đứa lớn 8 tuổi và đứa nhỏ chỉ mới 4 tuổi. Chồng làm nghề phụ hồ, bữa được bữa không, gia đình đã khó khăn lại càng vất vả hơn. 

Anh Phạm Ngọc Tuyên (chồng chị Giàu) chia sẻ, khi vợ còn sống, 2 vợ chồng đi làm nuôi 2 đứa con ăn học đỡ vất vả hơn. Nào ngờ cơn đại dịch đã cướp đi người vợ yêu quý và người mẹ của 2 đứa con thơ dại. Không có sự mất mát nào lớn hơn khi các con đã sớm rời xa mẹ, người cha phải “gà trống nuôi con”. Nội ngoại hai bên cũng không còn, giờ khi anh Tuyên đi làm thì gửi gắm các cháu cho cô dì trông giữ.

“Tôi rất mang ơn những nhà hảo tâm cũng như mạnh thường quân đã hỗ trợ cho gia đình tôi những ngày qua và tấm lòng bảo trợ cho các con ăn học, gia đình tôi mang ơn suốt đời”, anh Tuyên chia sẻ.  

Điểm tựa cho trẻ mồ coi do đại dịch Covid-19 ở Vĩnh Long -0
 Anh Phạm Ngọc Tuyên (chồng chị Giàu) cùng 2 con.

Thăm gia đình bà Trần Thị Út, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh động viên và chia sẻ những mất mát đau thương do gia đình bà vừa mất đi đứa con trai để lại đứa cháu nội. Mẹ phải đi làm xa quê, bé Cao Thị Kim Ngân, sinh năm 2019 phải sống cùng với ông bà nội đã lớn tuổi trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không ruộng vườn…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư về việc toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19, nhằm lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia trong cộng đồng, chăm lo, đồng hành với người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp các đơn vị thực hiện với nhiều hoạt động: Triệu túi an sinh, Học cùng em trực tuyến, chia sẻ em thơ - nâng bước đến trường… Đặc biệt, chương trình “Nối vòng tay thương” thực hiện nhận đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với tinh thần đó, mới đây, Hội đồng Đội Trung ương và nhãn hàng Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) tổ chức bảo trợ theo mô hình “Kết nối và phát triển” ngoài số tiền được hỗ trợ hằng tháng 3 triệu đồng, các em còn được hỗ trợ để tham gia các khóa học trực tuyến về giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ để phát triển năng lực bản thân; được tham gia các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động thể chất…

Sự bảo trợ quý báu này là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp gia đình vơi bớt khó khăn phía trước trong việc lo cho cuộc sống và việc học của các cháu, bù đắp phần nào những mất mát, giúp các cháu có thêm niềm tin và nghị lực, phấn đấu, nỗ lực trở thành những công dân tốt trong xã hội.

Phó Trưởng Ban công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Anh Quân cho biết: “Chúng tôi mong muốn mang đến cho các em những tình cảm, sự sẻ chia và đồng hành cùng các em trên con đường biến ước mơ thành hiện thực và mục tiêu của chương trình là giúp các em, đặc biệt là các em mồ côi, ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý để tiếp tục học tập và có điều kiện bám trường, bám lớp, ngăn chặn bỏ học, giúp ước mơ của các em không bị gián đoạn”.