Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 6 đợt tại 19 địa điểm thi. Theo Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến ngày 8/2/2025 sẽ chính thức mở cổng đăng ký dự thi, ngày 15/3/2025 thí sinh sẽ dự thi đợt thi thứ nhất. Thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm, thời gian đăng ký dự thi giữa 2 ca thi liền kề cách nhau 28 ngày.
Theo Trung tâm Khảo thí, năm 2025, kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ thực hiện mục tiêu đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; Định hướng nghề nghiệp cho người học dựa trên nền tảng năng lực cá nhân; Kiểm tra kiến thức tự nhiên xã hội, tư duy của người học, kỹ năng, thái độ của người học.
Cấu trúc đề thi gồm 2 phần thi bắt buộc với 50 câu hỏi Toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học – Ngôn ngữ. Phần thi thứ ba, thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh, thời gian làm bài 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong số 5 chủ đề: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi Khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi.
Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.
Đặc biệt từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, năm nay cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngoại ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển.
Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.
Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi hoàn thành chương trình THPT.
Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỷ lệ: 20% cấp độ 1, 60% cấp độ 2, 20% cấp độ 3.
“Dạng thức và câu hỏi, đề thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay đổi về chất lượng câu hỏi thi Đánh giá năng lực học sinh” - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Tiến Thảo cho biết.
Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi Đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định.
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm (các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm). Điểm của bài thi là tổng điểm của ba phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm.
Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Toán học và Xử lý số liệu (tư duy định lượng), Văn học-Ngôn ngữ (tư duy định tính), Khoa học hoặc Tiếng Anh.