Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự họp mặt. Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, các Mẹ VNAH, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Khu ủy các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng...
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thời kỳ đổi mới. Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phấn đấu “đi trước về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh vẻ vang của cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Cuối năm 1965, quân viễn chinh Mỹ đã có hơn 184 nghìn lính và gần 30 nghìn quân các nước đồng minh có mặt tại miền Nam Việt Nam. Đến năm 1967, Mỹ đã đưa vào cuộc chiến tranh này quân số thiện chiến với 70% lục quân, 60% không quân, 46% hải quân.
Để bảo vệ thủ đô Sài Gòn, Mỹ, ngụy đã sử dụng, bố trí nhiều sắc lính, xây dựng nhiều đồn bót, thiết lập xây dựng căn cứ Đồng Dù để bảo vệ Sài Gòn từ cửa ngõ Tây Bắc. Chúng tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại để đánh phá Củ Chi, gom dân vào ấp chiến lược, cách ly nhân dân với cách mạng.
Trên chiến trường Củ Chi vô cùng ác liệt, không có ngày nào không có mất mát hy sinh, các cơ quan đơn vị bộ đội cấp trên và địa phương gặp rất nhiều khó khăn, căn cứ kháng chiến bị thu hẹp. Tình hình trên buộc Ban Thường vụ Huyện ủy và Huyện đội Củ Chi quyết định thành lập Du kích Củ Chi với nhiệm vụ hợp pháp hoá để bám dân, làm công tác xây dựng cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh với địch, vận động, hướng dẫn nhân dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế ủng hộ cách mạng, tổ chức diệt ác, phá kềm, bám trụ địa đạo chiến đấu, phối hợp với các đơn vị đánh địch chống càn, tiêu diệt sinh lực địch.
Từ khi được thành lập lúc đầu chỉ mới 21 đồng chí, sau đó phát triển lực lượng với quân số hàng trăm đồng chí, được trang bị súng ngắn, AK, cối 60 ly, lựu đạn, bọc phá để đánh địch. Qua 20 năm vừa chiến đấu vừa đào địa đạo (1948-1968), quân và dân Củ Chi đã đào trên 250 km đường hầm.
Tại buổi lễ, Khu di tích Địa đạo Củ Chi đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu di tích đón tiếp hơn một triệu lượt khách mỗi năm.
Đông đảo cán bộ, nhân dân vào thăm di tích Địa đạo Củ chi.