Báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam về kết quả đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo, do PGS, TS Bùi Minh Trí thực hiện cho thấy những phát hiện hết sức giá trị và đầy ắp thông tin thú vị.
Di chỉ khảo cổ học quy mô lớn với thời gian khai quật dài hơi
Là nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam.
PGS, TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia:
Đề án đã tập hợp số lượng các nhà nghiên cứu lớn nhất, cập nhật đầy đủ và toàn diện nhất về tư liệu nghiên cứu, khai quật với tổng diện tích lớn nhất, quy mô nhất, từ các phương tiện, phương pháp tiên nhất, phát hiện khối lượng di tích, di vật lớn nhất, đạt được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về địa tầng, vai trò, chức năng, niên đại và tính chất của khu di tích Óc Eo-Ba Thê…
Kết quả nghiên cứu của đề án cung cấp cơ sở khoa học tin cậy cho công tác quy hoạch, bảo tồn và xây dựng Hồ sơ đề cử vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.
Từ cuối thế kỷ 19, các học giả Pháp đã bước đầu phát hiện ra những dấu tích của nền văn hóa này, trong đó quan trọng nhất là cuộc khai quật khảo cổ vào năm 1944 do Louis Malleret thực hiện, tại khu vực cánh đồng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang. Đây cũng là cuộc khai quật định danh tên gọi Văn hóa Óc Eo.
Những kết quả khai quật qua nhiều thập kỷ đã cho thấy sự hình thành, phát triển của nền văn hóa Óc Eo, qua đó cho thấy Óc Eo-Ba Thê là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng nhất của Vương quốc Phù Nam.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án "Nghiên cứ khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)". Mục tiêu của đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và xây dựng Hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Tham gia dự án là ba đơn vị hàng đầu về khảo cổ học gồm Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Từ năm 2017-2020, dự án khai quật trên diện tích 16 nghìn m2 tại 2 khu vực cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê, với 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Lung Lớn (cánh đồng Óc Eo), Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê), do Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện.
Từ năm 2018-2020, Viện Nghiên cứu Kinh thành khai quật khu di tích Nền Chùa với diện tích 8.000m2, cách Óc Eo-Ba Thê khoảng 12 km theo đường chim bay về phía bắc.
Những dấu tích tôn giáo
Những dấu tích của các tôn giáo khác nhau đã được các nhà khoa học phát hiện tại Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa. Tại chân núi Ba Thê, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu tích một quần thể kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn rất kiên cố gồm hệ thống tường bao, đền thờ, cổng, con đường hành lễ, giếng nước thiêng… phục vụ cho các hoạt động nghi lễ tôn giáo. Ước tính quần thể kiến trúc này có niên đại khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 12, với vùng lõi là khu vực Linh Sơn và Gò Sáu Thuận.
PGS, TS Đặng Văn Thắng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
Kết quả khai quật tại Óc EO-Ba Thê và Nền Chùa có nhiều phát hiện mới về di tích di vật. Các nghiên cứu của Louis Malleret và một số học giả sau này đều xem Óc Eo là đô thị hay cảng thị có vai trò trung tâm thương mại sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng lại không đặt đô thị này trong thực thể không gian văn hóa tâm linh hay không gian văn hóa tôn giáo ở Óc Eo hay Ba Thê. Kết quả khai quật của dự án này cho thấy Óc Eo ngoài là trung tâm văn hóa, kinh tế, còn có trung tâm tôn giáo hình thành và hoạt động song hành cùng trung tâm tôn giáo Ba Thê, và Nền Chùa là cửa ngõ biển quan trọng của đô thị cổ Óc Eo...
Cụ thể, dấu tích móng tường bao và hồ nước xây gạch được phát hiện ở phía nam chùa Linh Sơn. Tổ hợp kiến trúc cổng và đường hành lễ được tìm thấy ở di tích Gò Sáu Thuận. Còn tại Gò Út Trạnh, các nhà khảo cổ tìm thấy một tổ hợp gồm 3 kiến trúc đền thờ Hindu giáo. Ngoài ra, tại Linh Sơn Bắc, còn phát hiện được một số hiện vật độc đáo như bia đá khắc chữ Sankrit và chữ Kh’mer cổ, đặc biệt là phiến đá chạm khắc hình tượng Phật đang ngồi thiền, mới đây đã được công nhận là Bảo vật quốc gia hồi tháng 12/2021.
Chùa Linh Sơn trên núi Ba Thê hiện tại cũng lưu giữ nhiều hiện vật giá trị của văn hóa Óc Eo như tượng thần Vishnu, hai bia đá…
Những phát hiện này cho thấy, Ba Thê là một trung tâm tôn giáo lớn, ở vào khoảng thế kỷ 6-7, nhằm phục vụ cho các hoạt động tôn giáo của đô thị Óc Eo, và có sự dung hợp hài hòa giữa Hindu và Phật giáo.
Còn tại Óc Eo, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết của đền thờ bên cạnh dấu tích nhà sàn và kiến trúc gỗ chôn cột.
Tại khu di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, An Giang, cách núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo khoảng 12 km theo đường chim bay về phía nam), những dấu tích đền thờ cũng được tìm thấy, mặc dù bị phá hủy nghiêm trọng. Theo các ghi chép của Louis Marallet năm 1946, cùng với các phát hiện linga bằng đá niên đại từ thế kỷ 5 trên mặt tây nam gò vào năm 1982, phát hiện về thân tượng nữ thần Durga và bàn tay tượng thần Surya, các nhà khoa học cho rằng dấu tích kiến trúc trên Gò Nền Chùa là kiến trúc đền thờ Hindu giáo.
Những phát hiện này cho thấy, cả Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa đều là những trung tâm dân cư và tôn giáo hưng thịnh, ở Ba Thê là vào khoảng thế kỷ 6-7, ở Nền Chùa là thế kỷ 4-6. Nền Chùa khi đó cũng là nơi có mối quan hệ chặt chẽ với đô thị cổ Óc Eo, trung tâm tôn giáo Ba Thê và vùng phụ cận.
Dấu tích đô thị và cảng thị cổ
Nếu như ở Ba Thê là dấu tích của một trung tâm tôn giáo hưng thịnh, ở Nền Chùa là dấu tích của đô thị, nơi cư trú và trung tâm tôn giáo, thì Óc Eo lại xuất lộ những dấu tích của một khu dân cư phồn thịnh, khu vực sản xuất quy mô lớn, khu vực giao thương nhộn nhịp và cả dấu tích của một cảng thị cổ từng giao thương với nhiều khu vực trên thế giới.
Tại Óc Eo, trên diện tích 5.816 m2 tại Gò Óc Eo, Gò Giồng Trôm, Gò Giồng Cát và Lung Lớn, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều dấu tích cư trú của cư dân như dấu tích nhà sàn, kiến trúc gỗ chông cột, những giếng nước xây gạch hình tròn và hình vuông có niên đại khoảng thế kỷ 5-7, mái chèo thuyền có bản rộng hình lá nhọn tương tự của cư dân cổ Ấn Độ hay Đông Nam Á. Đặc biệt là di tích Lung Lớn, một dòng kênh cổ đã bị bồi lấp nhiều đoạn, chạy cắt ngang qua khu vực trung tâm của Óc Eo và đến tận di tích Nền Chùa.
Kết quả khai quật tại Lung Lớn năm 2019 cho thấy tại đây từng tồn tại những xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ quy mô lớn. Các nhà khảo cổ tìm thấy khoảng 218 nghìn hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu, các bộ sưu tập lưỡi câu, kim khâu, búa kim hoàn, khuyên tai, huy hiệu, các loại nhẫn, lục lạc và tiền Ngũ Thù. Đặc biệt, tại di tích Gò Giồng Cát đã tìm thấy chiếc nhẫn Nandin bằng vàng có niên đại ở thế kỷ thứ 5, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021.
Dự án khai quật Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa:
Diện tích khai quật:
- Óc Eo-Ba Thê: 16.000 m2
- Nền Chùa: 8.000 m2
Tổng số di vật:
- 2.790.912 hiện vật.
Hai bảo vật quốc gia được công nhận ngay trong năm 2021:
- Nhẫn có hình bò Nandin bằng vàng có niên đại ở thế kỷ thứ 5.
- Phiến đá chạm khắc hình tượng Phật đang ngồi thiền.
Điểm đặc biệt của nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở đây là có những mẫu mã đã được làm theo kiểu dáng của nước ngoài, thí dụ như đã phát hiện những chiếc đèn dầu theo phong cách của La Mã, Địa Trung Hải (thế kỷ 2-4), những chiếc bình cổ với chất liệu của Óc Eo nhưng mang hình dáng bình Ấn Độ. Tại đây cũng tìm thấy nhiều di vật nước ngoài, như tiền, đồ trang sức và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng thời Hán, gương đồng Tây Á, tiền Ngũ Thu (Trung Quốc)… chứng tỏ đã có sự giao thương với nước ngoài từ rất sớm, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc mà vươn xa sang cả Tây Á, Địa Trung Hải, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Dòng kênh cổ Lung Lớn được các nhà khoa học xác định là một tuyến giao thông thủy rất quan trọng của đô thị cổ Óc Eo. Trên dòng kênh này, chủ yếu là ghe thuyền loại nhỏ để trung chuyển hàng hóa từ đô thị cổ Óc Eo đến thương cảng biển, nơi tàu lớn neo đâu. Các nhà khoa học xác định, hoạt động giao thương ở đây diễn ra mạnh nhất vào khoảng giữa thế kỷ 2 đến cuối thế kỷ 6.
Ngoài ra, những phát hiện khảo cổ học về các chuỗi hạt thủy tinh hay đá quý của Óc Eo đã được tìm thấy tại những nước tiêu thụ như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… cho thấy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo của Óc Eo rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Các phát hiện khảo cổ học cũng cho thấy, Nền Chùa là trung tâm dân cư và tôn giáo lớn rất hưng thịnh từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 6, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tôn giáo của cộng đồng và có thể có sự tham gia của các thương nhân nước ngoài. Đây là cửa ngõ nối giữa đô thị cổ Óc Eo với thế giới bên ngoài thông qua con đường giao thương trên biển.
Những chứng cứ khảo cổ học trong suốt nhiều năm qua đang mở rộng cánh cửa để ngày nay tiếp cận với những tinh hoa rực rỡ của vương quốc Phù Nam khi xưa, trong đó Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa thể hiện rõ là trung tâm đô thị, trung tâm tôn giáo, trung tâm giao thương, cảng thị cổ với trình độ phát triển cao, có tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa trong khu vực. Những kết quả khảo cổ học này cũng cho thấy Khu di tích quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO, đủ để làm hồ sơ đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.
PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam:
Dự án khai quật này đã phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước công nguyên đến thế kỷ 10-11. Đây là một địa tầng trong mơ của Khảo cổ học Việt Nam và nước ngoài đối với văn hóa Óc Eo từ những năm 90 trở về trước.
Đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú trải dài theo các thời kỳ lịch sử văn hóa trên.
Đã phát hiện một hệ thống di vật phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Các nhà nghiên cứu của 3 viện đã tiếp cận các giải pháp công nghệ hiện đại và nghiên cứu so sánh, giúp nhận ra nhiều vấn đề về di tích, di vật.