Tiếng vĩ cầm ở làng Then

Ông Trần Huy Đưa.
Ông Trần Huy Đưa.

Những nốt nhạc đầu tiên

Giữa những năm 50, trong số thanh niên từ Hà Nội về làng Then học tập và lao động có Đỗ Bài- một chàng trai từng du học ở Pháp. Bài chơi vĩ cầm rất hay và có tâm hồn khá lãng mạn. Mến anh, những thanh niên làng Then thường lân la tìm tới nhà Bài vào những buổi tối để được anh lần lượt truyền thụ cho những "ngón" đàn của mình...

Ham mê tiếng vĩ cầm, trai làng Then cùng góp tiền, lên Hà Nội tìm mua đàn. Cây violon đầu tiên của làng được mua lại của một gia đình tư sản với giá bốn vạn đồng (tương đương năm tạ thóc khi ấy). Thế rồi, cộng thêm vài cây violon, cello, viola... mượn của Tỉnh đoàn, đội vĩ cầm làng Then hình thành. Họ cùng nhau tổ chức chuyến "lưu diễn" trong tỉnh suốt cả tháng trời. Cứ 5km một chặng, đoàn văn công "tự phát" ấy lại dừng biểu diễn. Từ những Diệt phát xít, Làng tôi, Tiến về Hà Nội... ban đầu, họ mày mò học cả những bản nhạc của Schubert, Bach, Vivaldi... Thứ âm nhạc vốn được coi là hàn lâm, bác học, khó tiếp cận, khó nghe ấy dần trở nên gần gũi với những người nông dân ở đây...

Rồi theo thời gian, những học trò của thầy Đỗ Bài lại trở thành thầy giáo, tiếp tục truyền lại niềm say mê chơi vĩ cầm cho lớp trẻ trong làng.

Đến bây giờ, làng Then đã có khoảng trăm người chơi vĩ cầm. Họ liên tục giành giải tại những liên hoan văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh hay cấp toàn quốc. Gần đây nhất, chương trình Guiness Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) đã lặn lội tìm xuống tận nơi, thực hiện một phóng sự về đội vĩ cầm làng Then để phát sóng trên toàn quốc...

Phần thưởng quý giá nhất

 

Ông Trần Huy Đưa.

Đã ở tuổi 70, ông Trần Huy Đưa vẫn bồi hồi khi nhớ lại chuyến dự thi Liên hoan văn hóa quần chúng toàn quốc năm 1965. Khi ấy, đội vĩ cầm làng Then khăn gói về Hà Nội để biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Bảy chiếc huy chương (bốn vàng, ba bạc) được trao cho làng Then.

Nhưng có không ít lời ra tiếng vào từ những đơn vị dự thi. Họ cả quyết: người làng Then mượn sinh viên nhạc viện về đóng giả đội văn nghệ của mình- chứ một làng thuần nông không thể chơi vĩ cầm điêu luyện như vậy. Thế rồi, vài tuần sau cuộc thi, một ban kiểm tra được thành lập. Họ xuất phát từ Phú Thọ, bất ngờ xuất hiện tại làng Then vào nửa đêm. Mặc quần đùi may ô, những thành viên đội vĩ cầm vội vã tập hợp ở bãi trống đầu làng để biểu diễn. Nghe xong những bản hoà tấu của họ, Ban kiểm tra mới thực sự yên lòng...

Những năm chiến tranh, hầu hết các thành viên của đội vĩ cầm làng Then đều nhập ngũ. Họ cùng các anh chị em văn công khác có mặt tại nhiều chiến trường... Lần lượt giải ngũ, họ lại gặp nhau tại làng Then và tái lập lại đội vĩ cầm của làng.

Trong số những thành viên này, ông Đưa có thể coi là người thành đạt nhất. Nhiều năm công tác tại đoàn chèo Sông Thương (Bắc Giang) rồi đoàn nghệ thuật tổng hợp Hà Bắc, ông cũng là " thầy giáo" chính, truyền lại kỹ thuật chơi vĩ cầm cho lớp trẻ trong làng. Với người nông dân, thời gian tập vĩ cầm chỉ chủ yếu diễn ra vào buổi trưa hoặc buổi tối. Những bàn tay thô vụng phải tỉ mẩn nắn nót trên bốn dây đàn. Vậy mà đội vĩ cầm làng Then luôn đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh với ngón đàn vĩ cầm của mình.

Bây giờ, bên cạnh những đội vĩ cầm cũ, một đội vĩ cầm trẻ đang hình thành. Trên dưới độ tuổi 15, họ đều là những học trò của ông Đưa... Ông Đưa bảo: cây vĩ cầm không làm sang cho người dân làng Then. Đơn giản, họ không muốn và không thể- có một cách sống khác chỉ từ việc chơi và nghe những bản nhạc cổ điển. Rời cây đàn, họ lại là những người nông dân đúng nghĩa ngày ngày lăn lộn trên thửa ruộng của mình. Rồi ông kể về lần gặp lại thầy giáo Đỗ Bài trên Hà Nội. Đã ở độ tuổi 80, thầy Đỗ Bài vẫn ứa nước mắt khi nghe ông Đưa chơi đàn. Rồi thầy nói: tiếng vĩ cầm làng Then chính là phản thưởng quý giá nhất trong suốt cả một đời người...