Thờ cúng tổ tiên có phải là tôn giáo?

Phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt có từ rất lâu đời. Khó có thể xác định việc thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta có từ bao giờ. Trên thế giới cũng rất ít dân tộc có phong tục này. Đó là một phong tục đẹp giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Tự bản thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hóa nhân bản, chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam có thể chấp nhận nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau.

Tuy nhiên, phong tục thờ cúng tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo dựa vào bảy căn cứ dưới đây.

Thứ nhất: Một tôn giáo nói chung phải có tính nhân loại, không có tính Tổ quốc. Tức là không có biên giới cho sự tồn tại. Quyền uy của Giáo hoàng vì thế rất lớn, nhiều khi át cả chính quyền nhà nước.

Ở Việt Nam thì khác: Tôn giáo nào vào Việt Nam cũng phải đứng hàng thứ hai sau việc yêu nước. Thế nên bây giờ chúng ta vẫn có khẩu hiệu: Kính chúa yêu nước ở các nơi trong nhà thờ hay lời căn dặn của các giám mục.

Thứ hai: Tôn giáo lấy kiếp sống sau khi chết là chính. Thế nên mới có người mong được tử vì đạo. Ở Việt Nam: Kiếp sống hiện tại chính là thiên đường nên việc thờ cúng tổ tiên cũng chính là việc cầu xin ông bà phù hộ cho mình, cho cộng đồng, Tổ quốc mình.

Thứ ba: Tôn giáo vào nước nào cũng thành một hệ thống chặt chẽ. Mỗi tôn giáo có nơi sinh hoạt tín ngưỡng riêng. Với đạo Thiên chúa là nhà thờ và có giám mục, với đạo Phật là chùa và các nhà sư...

Còn ở Việt Nam: Việc thờ cúng tổ tiên không hề có sự áp đặt. Bản thân ai muốn thờ cúng tổ tiên cũng được, chuyện này hoàn toàn do tự nguyện.

Thứ tư: Tôn giáo nào đã được thờ thì không có chỗ cho tôn giáo khác. Nhưng tại Việt Nam: Các tôn giáo đều được bình đẳng tồn tại. Người dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào. Vì quyền tự do tín ngưỡng nên mới có hiện trạng một số đạo phát sinh tại Việt Nam như: Đạo Cao Đài, Hòa Hảo mới xuất hiện chưa lâu nhưng dung hòa được nhiều đạo khác trong nó.

Thứ năm: Tôn giáo có những cái không thể giải thích mà chỉ có đức tin thuần túy. Những kinh sách giáo huấn nói rằng đức chúa trời có ba ngôi... Còn ở Việt Nam: Việc thờ cúng tổ tiên thì không có tín điều nào. Chỉ có một điều rất đơn giản là: Cha mẹ sinh ra mình thì mình thờ. Không ai trách ai theo tôn giáo này mà không theo tôn giáo kia. Kể cả người theo Đảng mà tôn giáo tín ngưỡng là Phật cũng được.

Thứ sáu: Tôn giáo có trường lớp đào tạo bài bản. Với đạo Thiên chúa có trường dòng, đạo Phật có nhà chùa dạy kinh kệ, sau lập Đại học phật giáo...

Phong tục thờ cúng tổ tiên lại không hề có một trường lớp nào. Việc cúng khấn cũng không có một chuẩn mực nào nhất định. Việc thờ cúng làm con người đoàn kết cộng đồng. Ngay bản thân việc thờ thành hoàng cũng thế. Không có gì là huyền bí cả. Chỉ đơn giản là người dân thờ một người nào đó có công với làng.

Thứ bảy: Tôn giáo tôn thờ một thế giới riêng. Thế giới đó quyết định thế giới ngày hôm nay. Vì thế có những người nắm được thế giới đó và có người biết được con đường đó. Lẽ tự nhiên con người muốn tồn tại phải sản xuất. Đã sản xuất thì thay đổi thế giới. Vì vậy, con người có tham vọng thay đổi thế giới. Từ đó nảy sinh những cuồng vọng. Tôn giáo vì thế nhiều khi có tham vọng chính trị. Còn phong tục thờ cúng tổ tiên của Việt Nam không tham gia chuyện đó.

Với những nét tính chất nhân văn trên, có thể nói rằng: Phong tục thờ cúng tổ tiên là một phong tục đẹp, ưu việt.

Tự bản thân phong tục này đã khẳng định từ xưa cha ông ta đã có một cuộc sống tự do và rất dân chủ. Vì lẽ đó, văn hóa làng xã của Việt Nam là hết sức phong phú. Có được những nét văn hóa dân tộc giàu bản sắc là do dân tộc Việt sống trong một môi trường hoàn cảnh địa lý đặc biệt. Chính hoàn cảnh quyết định cách sinh tồn của con người.