Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Xòe Thái

Từ bao đời nay, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cũng như những sinh hoạt văn nghệ của người Thái vùng Tây Bắc. Xòe trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc tộc người và là cơ sở để sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới. Mới đây nhất, ngày 15/12, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa Việt Nam.

Xòe Thái tại lễ hội Văn hóa-Du lịch Mường Lò, tỉnh Yên Bái (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19). Ảnh: DUY LINH
Xòe Thái tại lễ hội Văn hóa-Du lịch Mường Lò, tỉnh Yên Bái (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19). Ảnh: DUY LINH

Xòe Thái" với ý nghĩa là "múa Thái" được các cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau: Xe, Xé, Xék, Xòe, Múa Xòe, Múa Then, Mố... Chủ thể thực hành Xòe Thái gồm cả người Thái Đen và Thái Trắng, tập trung đông nhất ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Một số địa danh được coi là trung tâm của Xòe Thái là Mường Lò (Yên Bái), Mường So, Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay, Mường Thanh (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La). Xòe Thái cũng có rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tuy nhiên không phải là hiện tượng phổ biến.

Khi truy tìm về nguồn gốc của Xòe Thái, nhiều người Thái hiện nay cũng không biết các điệu Xòe cổ có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng từ đời ông bà, tổ tiên đã có Xòe và Xòe cứ thế trao truyền một cách tự nhiên qua các thế hệ. Xòe được thực hành trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, trong các lễ hội của cộng đồng như: Xên mường, Xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), Xên Lẩu Nó (lễ cúng rượu măng), Hết Chá (lễ tạ ơn), Kin Pang Then (lễ cúng của các thầy Then), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, nghi thức cúng vía "tám khuôn", lễ cúng ruộng "tám tế na", cúng vía trâu "tám khuôn quai" hay trong những tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng sinh nhật... Hiện nay, Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới như lễ hội Hoa ban, các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Nổi tiếng nhất phải nhắc đến là Hội Xòe Phong Thổ (Lai Châu), Hội Xòe Mường Lò (Yên Bái). Xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Nhiều người dân cho rằng có tới 36 điệu Xòe, trong đó có sáu điệu Xòe cổ là: Nâng khăn mời rượu, Bổ bốn, Bước tiến lùi, Tung khăn, Vòng tròn vỗ tay, Nắm tay vòng tròn. Các nhà nghiên cứu thì quy về ba hình thức chính: Xòe tín ngưỡng, Xòe biểu diễn, Xòe giải trí (hay Xòe vòng, Xòe tập thể). Xòe nghi lễ thường diễn ra trong các lễ hội bản, mường, gắn với những nghi thức cúng lễ do các thầy cúng (thầy Tào, Mo, Phựt, Then) thực hiện và những phụ lễ tham gia là những người "có căn số" do thầy cúng lựa chọn "xòe" theo những bài bản nghi thức đã định như: múa dâng lễ, múa cầu vong, múa tạ ơn, múa chào mời hồn vía, múa cảm ơn thiên binh cứu mệnh... Các động tác Xòe là sự mô phỏng các hành động mang tính cách điệu, hỗ trợ cho sự giao tiếp của thầy cúng với thần linh. Xòe biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, thường do một nhóm nhỏ biểu diễn, còn số đông là khán giả đứng xem, mang tính chất "chuyên môn hóa", tính trình diễn sân khấu cao. Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai... Xòe giải trí (Xòe vòng) là loại Xòe tập thể không có người biểu diễn và người xem, mà tất cả đều tham gia không phân biệt nam nữ, trẻ già, trên dưới. Các vòng tròn có thể mở rộng, nối dài, liêt kết nhiều vòng Xòe một cách linh hoạt. Những cuộc Xòe như vậy thường được tổ chức trong phần kết thúc các cuộc vui, sự kiện, lễ hội hay các hình thức sinh hoạt thường nhật như ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin...

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Xòe Thái -0
Xòe Thái trong ngày hội ở Sơn La. Ảnh: baodantoc.vn

Xòe Thái có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tâm linh đặc sắc. Trước hết, Xòe Thái thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của tộc người Thái, từ những điệu múa, âm nhạc, lời hát đến trang phục, nhạc cụ và các biểu đạt văn hóa đi kèm. Các điệu Xòe tôn lên chiếc áo cóm lấp lánh hàng khuy bạc, bộ váy nhung thướt tha bó sát đường cong mềm mại của các cô gái Thái. Nhạc cụ đệm cho Xòe khá phong phú bao gồm: Trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, đàn tính, quả nhạc, kèn loa, khèn bè, chũm chọe, thanh la, mõ (tằng bẳng),... Đặc biệt, người Thái có các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo là khèn bè và 7 loại pí (sáo) như "pí tót" là sáo chỉ có một lỗ, "pí pặp" là sáo của tình yêu dùng để gọi nhau tâm tình, "pí rạ" dùng ống rạ để thổi... Một số nhạc cụ như trống, cồng chiêng, tính tẩu, quả nhạc tuy cũng có ở các dân tộc khác, nhưng khi kết hợp với các nhạc cụ Thái và lời ca Thái chúng toát lên một âm điệu đặc trưng riêng của âm nhạc Xòe. Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển cộng hưởng với âm nhạc rộn ràng, trang phục nhiều mầu sắc, không gian mang đậm bản sắc của các bản người Thái khiến sinh hoạt Xòe trở thành một hiện tượng chỉnh thể nguyên hợp rất sinh động, hấp dẫn. Trong sinh hoạt Xòe cũng thể hiện rõ những ứng xử văn hóa, lòng hiếu khách, cởi mở của người dân Thái.

Xòe Thái còn góp phần đáp ứng các nhu cầu tâm linh của người dân trong việc chữa bệnh, cầu an, thể hiện lòng tri ân đối với các đấng thần linh ban cho cuộc sống no đủ, bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh bệnh tật, tai ách, cân bằng tâm lý trong cuộc sống.

Trong đời sống đương đại, Xòe Thái có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả, giúp nâng cao đời sống tinh thần của họ.

Hiện nay, sinh hoạt Xòe Thái trở thành nhịp cầu gắn kết, củng cố tình đoàn kết cộng đồng. Mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay niềm tin tôn giáo đều có thể tham gia Xòe. Quần chúng nhân dân Xòe với cán bộ lãnh đạo, người miền xuôi Xòe với người miền ngược, người dân tộc Thái Xòe cùng các dân tộc khác. Tất cả hòa chung niềm vui trong những vòng Xòe "nối vòng tay lớn". Trong bầu không khí vui vẻ, cộng cảm, mọi người trở nên gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa. Nhiều đôi trai gái có cơ hội làm quen, giao lưu, kết bạn và tiến tới hôn nhân sau các cuộc Xòe. Có thể thấy, Xòe Thái đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, như nội dung câu hát: "Không Xòe không tốt lúa/ Không Xòe thóc cạn bồ/ Không Xòe hoa sẽ tàn héo/ Không Xòe trai gái không thành đôi".

Di sản Xòe còn góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân địa phương trong khai thác du lịch (du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội).

Xòe Thái một mặt làm đa dạng hóa các điệu múa Thái, làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian Thái, mặt khác làm cho múa Thái khác với các tộc người khác. Xòe Thái cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào trong các chủ thể di sản, khuyến khích các cộng đồng người Thái tiếp tục có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản cũng như duy trì những biểu đạt về bản sắc tộc người. Xòe Thái chính là nguồn tư liệu sinh động giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc. Đến nay, Xòe Thái đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Thái, đi vào văn chương, thi ca, nhạc họa, phim ảnh..., trở thành niềm tự hào về truyền thống văn hóa của người dân địa phương.

Tuy nhiên, dù đã có những kết quả khả quan trong hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xòe Thái, di sản này vẫn đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là phần lớn địa phương còn hạn chế trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, văn bản, các khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng liên quan, trong khi các nhà nghiên cứu, thầy cúng biết chữ Thái, nhất là chữ Thái cổ đang ngày càng hiếm dần. Môi trường diễn xướng của Xòe Thái cũng đang có sự thay đổi lớn về không gian diễn xướng, thời gian sinh hoạt cũng như trong đạo cụ, trang phục, nhạc cụ, các động tác múa... Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người nhiều khi biến thành sự "tạo dựng bản sắc", "sáng tạo truyền thống". Bên cạnh đó, vùng núi Tây Bắc còn nhiều khó khăn về kinh tế, giao thông, hạ tầng cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản chưa được quan tâm đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc chuyển giao, trao truyền di sản, nhất là Xòe nghi lễ, Xòe cổ vì thế mà bị ảnh hưởng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về di sản còn nhiều hạn chế. Sinh hoạt Xòe Thái chủ yếu phát triển tập trung ở các khu đô thị, thị tứ gắn với khai thác du lịch, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chưa tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng, chưa được chú ý giáo dục trong các nhà trường.

Nghệ thuật Xòe Thái cũng đang đối diện với nguy cơ lai tạp, biến dạng, bóp méo bản chất. Xu hướng "hoành tráng hóa", "sân khấu hóa", lai tạp hóa di sản ngày càng thấy rõ. Nếu theo dõi Xòe Thái qua các năm gần đây, có thể thấy, ở một số địa phương, càng về sau số người tham gia các "vòng đại Xòe" càng "ấn tượng", từ 1.500 người lên đến 3.000-5.000 người với mục đích xác lập các kỷ lục Guiness. Đây là những xu hướng mà UNESCO không hề khuyến khích bởi nó không hề đúng với chức năng, ý nghĩa ban đầu của di sản.

Do vậy, để bảo tồn và phát huy đúng cách giá trị của di sản, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện những cam kết với UNESCO khi đệ trình hồ sơ ghi danh và cần xây dựng Chương trình hành động phù hợp, kịp thời nhằm bảo vệ di sản hậu vinh danh.