Cần khẳng định rằng, di sản kiến trúc là loại tài sản văn hóa vô giá của mỗi địa phương và mỗi quốc gia. Theo một bài viết trên website cefurds.com của Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển: "Các di sản kiến trúc không chỉ là những sáng tạo của nghệ thuật và khoa học, mà còn mang trong nó dấu ấn lịch sử, dấu ấn thời đại, dấu ấn xã hội mà từ đó nó được hình thành. Từ hướng tiếp cận lịch sử, di sản kiến trúc là những pho sách mà qua đó chúng ta có thể "đọc" được nhiều thông tin của xã hội mà nó sinh ra. Hay cũng có thể cho rằng, di sản kiến trúc là một dạng hiện vật khảo cổ nổi trên mặt đất, mà những thông tin của nó cũng dồi dào hoặc không nói là hơn các hiện vật khảo cổ học. Đó là những thông tin cho biết công trình kiến trúc ấy thuộc thời đại nào, về quan điểm, về giá trị của cuộc sống". Như vậy, di sản kiến trúc ở đô thị tồn tại cùng với lịch sử phát triển của một đô thị, đó không đơn giản chỉ là những khối kiến trúc có tính vật chất, mà còn chứa đựng các giá trị tinh thần gắn liền với đặc trưng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của đô thị. Vì thế, khi đã khẳng định một công trình kiến trúc tồn tại với tư cách di sản, cũng tức là đồng thời khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của nó.
Ra đời hàng trăm năm nay và tồn tại qua các biến thiên lịch sử phức tạp với chiến tranh, giặc dã, thiên tai, khí hậu khắc nghiệt,... nhiều di sản kiến trúc ở các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế,... đã và đang bị biến dạng hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi đền, miếu, đình, chùa có nhiều năm tuổi không chỉ bị mai một dáng vẻ cổ kính, mà còn bị thu hẹp diện tích vì bị lấn chiếm. Đây không phải vấn đề mới mà đã được ngành văn hóa đặt ra xem xét và tiến hành các biện pháp khắc phục, và báo chí cũng lên tiếng rất nhiều lần, nhưng dường như vấn đề lại ngày càng trở nên cấp bách hơn. Bởi trên thực tế, số lượng di sản kiến trúc có xu hướng hao hụt, bị ảnh hưởng từ môi trường, từ ngoại cảnh đã nghiêm trọng đến mức có thể liên tưởng tới giới hạn về thời gian tồn tại. TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn có bề dày lịch sử với nhiều di sản kiến trúc cổ độc đáo. Tuy nhiên, những di sản này cũng đang ở trong tình trạng SOS, khi mà nhiều biệt thự cổ đã bị biến đổi công năng, trở thành nhà hàng, khách sạn, văn phòng, thậm chí bị phá bỏ để xây mới... Còn các công trình kiến trúc công cộng tiêu biểu, như là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây và nét trang trí châu Á của tòa nhà Bưu điện thành phố, phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn với nét phong cách kiến trúc Gotich của Nhà thờ Đức Bà, cùng các công trình kiến trúc đặc sắc khác như Trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, Khách sạn Continental,... đã và đang bị "đè bẹp" bởi vô số cao ốc như khối nhà Diamond Plaza, ba tòa tháp Kumho... Chưa kể nhiều con đường vốn có không gian thoáng đẹp trước đây như đường Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ hay Pasteur,... nay như trở nên ngột ngạt vì sự chen chúc của rất nhiều chung cư hay khối nhà cao tầng đồ sộ.
Dù tốc độ đô thị hóa diễn ra không mạnh mẽ như TP Hồ Chí Minh, song việc bảo tồn các di sản kiến trúc ở đô thị của Hà Nội cũng vấp phải những vấn đề tương tự. Chuyện bảo tồn khu phố cổ Hà Nội đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn chưa có sự biến đổi đáng kể. Dự án bảo tồn thí điểm các nhà cổ trên phố Tạ Hiện được tiến hành cách đây vài năm nay, tạm hoàn thiện nhưng rõ ràng chưa đủ. Vì còn nhiều nhà cổ khác đã và đang xuống cấp nghiêm trọng; nhiều di sản kiến trúc bị xâm hại, bị thay đổi mục đích sử dụng biến thành nơi buôn bán, họp chợ... Bên cạnh đó, quá nhiều khu nhà cao tầng đã mọc lên tại các vị trí không hợp lý khiến các di sản kiến trúc cổ có phần bị "lép vế", cảnh quan đô thị bị phá vỡ, trở nên méo mó. Có người nhận xét, Hà Nội đang chẳng những phát triển theo bề rộng, mà còn phát triển theo cả chiều cao với tỷ lệ chiều cao tăng dần của các khu chung cư, các văn phòng, khách sạn... Tiêu biểu nhất là ý kiến thảo luận sôi nổi mỗi khi xuất hiện một dự án kiến trúc quanh Hồ Gươm, từ ngôi nhà "hàm cá mập" đến khách sạn "Hà Nội vàng". Quy định nghiêm ngặt, quản lý chặt chẽ về quy mô, chiều cao của các công trình kiến trúc quanh Hồ Gươm và khu vực phố cổ đang trở nên hết sức cấp bách. Chỉ cần một quyết định thiếu cẩn trọng là có thể làm mất đi dáng vẻ vốn có của một Hà Nội cổ kính, biến Hồ Gươm thành cái "ao làng", làm mất đi sự hài hòa của cảnh quan khu vực "Hà Nội 36 phố phường" với nhiều di sản kiến trúc như: chùa Một Cột, Nhà hát Lớn, phố cổ, Bảo tàng Lịch sử...
Nguyên nhân của thực trạng trên đã được đề cập đến nhiều. Còn việc khắc phục đến đâu và hiệu quả ra sao lại luôn là câu chuyện mới. Một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá vỡ một số kiến trúc cổ để xây các tòa nhà cao tầng là do sự cấp bách nhu cầu về diện tích ở trong bối cảnh dân số ngày càng tăng. Theo chiến lược phát triển đô thị dự kiến, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam là 45%; tuy nhiên, theo thông tin số liệu tại Hội thảo Phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới các đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm 2013 thì Việt Nam lại là quốc gia trải qua quá trình đô thị hóa nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay đã phát triển với gần 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%. Cùng với đô thị hóa là số dân cư ở đô thị tăng lên, được biết mỗi năm khoảng hơn một triệu người nhập cư vào các thành phố lớn, đó là chưa kể số người nhập cư không chính thức. Một lượng lớn người như vậy sẽ được phân bố như thế nào tại các đô thị? Liệu có vì thế mà không gian sống tại các đô thị sẽ bị thu hẹp và sự mọc lên của các khu nhà cao tầng là tất yếu không tránh khỏi? Nếu đúng vậy, liệu một ngày nào đó ở các đô thị, những khu nhà cao tầng to lớn ngày càng mọc lên nhiều hơn, dân cư tăng lên nhiều hơn, và các di sản kiến trúc cũng theo đó mà rơi rụng dần rồi biến mất?
Ngày nay, nhu cầu phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa là vấn đề mọi quốc gia đều cần phải thực hiện trên con đường tiến tới một xã hội hiện đại, mọi người dân được đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu vật chất và tinh thần chính đáng, lành mạnh. Quá trình đô thị hóa đã và đang đưa tới lợi ích không nhỏ về mọi mặt. Nhưng đến hiện tại, hình như chúng ta vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để giải quyết hợp lý mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị với bảo tồn di sản kiến trúc. Tình trạng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều áp lực, khiến các đô thị phải gồng mình, làm cho một số di sản kiến trúc phải chịu nhiều "thương tích" là có thật, cần thừa nhận để khắc phục. Việc phá bỏ các công trình kiến trúc cổ có tính cách là di sản, thay vào đó là các cao ốc, chung cư cao tầng, tổ hợp thương mại đồ sộ,... chỉ để đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không nghĩ tới việc trao lại niềm tự hào, đáp ứng nhu cầu hiểu biết quá khứ của thế hệ tương lai. Xét trên phương diện nhất định, đó là hành vi xâm hại văn hóa, cần phê phán. Đây là một nguyên nhân cơ bản đưa tới tình trạng chúng ta thường được chứng kiến: Vì chưa có định hướng quy hoạch cụ thể, hợp lý với các không gian cao tầng trong tổng thể phát triển hài hòa, bền vững của mỗi đô thị, việc quản lý còn nhiều chồng chéo giữa các cấp, ngành kết hợp với tình trạng bị động trong công tác bảo tồn,... nên mỗi khi di sản nào đó bị xâm hại thì câu chuyện bảo tồn mới trở nên "nóng" và riết róng hơn, nhất là trên báo chí. Nhưng khi sự ồn ào qua đi, vấn đề "nóng" lại tiếp tục bị lãng quên. Phải chăng, một số cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa nhận ra hiện tượng lặp lại đã quá nhiều này để rút ra kinh nghiệm và chấn chỉnh?
Dù thế nào, đối với việc bảo tồn di sản kiến trúc ở đô thị, ngoài lợi ích về văn hóa tinh thần, còn góp phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ... Vì thế, một chiến lược bảo tồn di sản kiến trúc ở đô thị một cách hiệu quả, lâu dài, chọn ra hướng đi cụ thể trong công tác trùng tu, sửa chữa, quản lý các công trình và cụm công trình kiến trúc đang trở thành đòi hỏi cấp bách. Đó không phải là công việc riêng của ngành văn hóa hay các chuyên gia, mà là công việc của nhiều cấp, ngành, của mỗi cộng đồng dân cư và rộng hơn là cả xã hội, để việc bảo tồn di sản kiến trúc giữ được quan hệ hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa giữ được bản sắc riêng của mỗi đô thị. Di sản kiến trúc ở đô thị là do con người làm ra, vì vậy công tác bảo tồn như thế nào cũng phụ thuộc vào vai trò của con người. Theo kiến trúc sư Trần Văn Khải, nhiều người thường lầm tưởng việc bảo tồn các di sản kiến trúc là một công việc có nội dung kiến trúc. Song theo ông, đó là một dự án về con người, vì giữ hay phá di sản là ở quyền lợi của con người. Do vậy, việc bảo tồn di sản kiến trúc ở đô thị đồng nghĩa với việc phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người dân sống trong (tại) các di sản đó. Ở các ngôi nhà cổ, chính người dân mới là chủ thể hiểu biết rõ nhất về những gì họ cần làm và khả năng của họ trong việc bảo tồn, giữ gìn "tài sản của mình" một cách tốt nhất. Nếu coi người dân là chủ thể tích cực của việc giữ gìn di sản kiến trúc ở đô thị thì cần quan tâm tới quyền lợi của họ. Và sự chung tay của cộng đồng là lời cam kết có sức mạnh nhất để bảo tồn phát triển di sản văn hóa nói chung, di sản kiến trúc - đô thị nói riêng.