Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng tây bắc, Địa đạo Củ Chi là một "kỳ quan" đánh giặc độc đáo có một không hai trong lòng đất. Các công trình bên trong địa đạo như: chiến hào, kho cất giấu lương thực, hầm ăn, giếng nước, phòng ở, nhà bếp, phòng làm việc bệnh xá… liên hoàn như mạng nhện đã biến Củ Chi thành vùng đất thép trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với tầm vóc và chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh Anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Đến với Củ Chi hôm nay, ngoài tham quan hệ thống địa đạo, du khách sẽ đến viếng hương hồn các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Hiện nay, trong đền ghi danh hơn 44.700 Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Theo Ban quản lý Khu di tích địa đạo Củ Chi, trong những ngày tháng tư lịch sử này, mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.500 du khách đến đây tham quan, thắp hương tưởng nhớ linh hồn các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Đoàn khách quốc tế khám phá cuộc sống dưới lòng đất.
Địa đạo Củ Chi - nơi có hệ thống đường ngầm dài hơn 200 km, đường hầm dưới địa đạo vừa đủ cho một người đi lom khom.
Một du khách trải nghiệm cảm giác mạnh khi xuống hầm địa đạo.
Những cửa hầm trú ẩn được ngụy trang bằng lá cây khô gây ngạc nhiên với du khách nước ngoài.
Khách chăm chú theo dõi hướng dẫn viên giới thiệu khu địa đạo Bến Đình.
Hầm chông được bố trí trong thế trận chiến tranh du kích.
Ngôi nhà tranh bình dị vùng thôn quê.
Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi với cảnh vật làng quê yên bình.
Căn hầm giải phẫu thương binh nặng tại khu di tích.
Mô hình lớp học văn hóa nơi vùng giải phóng.
Đền Bến Dược - nơi ghi danh hơn 44.700 Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Khách tham quan mô hình nhà ở của người dân và cũng là nơi các cán bộ nắm bắt tình hình thực tế trong khu địa đạo.
Tìm hiểu lịch sử cách mạng tại Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.