Thạt Luổng, tiếng Lào là tháp lớn. Ngôi chùa Tháp nổi tiếng và lớn nhất nước Lào được Vua Xệt-thả-thi-lạt (1550-1574) xây dựng năm 1566 khi Vương quốc Lạn Xạng (Triệu Voi) dời đô từ Luông Pha-bang về Viêng Chăn. Bị chiến tranh tàn phá năm 1828, đến năm 1936 chùa được phục dựng như vóc dáng hiện nay.
Nằm trên một khu đất cao rộng và bằng phẳng phía đông Viêng Chăn, kiến trúc của tháp mô phỏng hình đài sen vàng. Thạt Luổng là một trong số ít chùa đạo Phật trên thế giới lưu giữ được một phần di cốt Ðức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập Niết Bàn. Các thư tịch cổ của ngôi chùa ghi lại rằng, tại khu vực này năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên, người ta đã dựng một ngôi chùa. Khi Phật giáo trở thành quốc đạo và Viêng Chăn thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, Nhà Vua còn cho tu bổ Thạt Luổng, đắp thêm một ngôi tháp mới to, đẹp hơn. Ðáy tháp hình chữ nhật nằm theo hướng bắc-nam, dài 91 m, rộng 75 m, ngọn tháp chính cao 45 m, chung quanh tháp chính có 30 tháp nhỏ ghi mười lời răn của đức Phật từ bi.
Lễ hội Thạt Luổng theo Phật lịch, diễn ra khoảng rằm tháng 10 âm lịch, tức là những ngày trăng tròn của tháng 11 hằng năm, và kéo dài một tuần. Vào những đêm hội này, quảng trường Thạt Luổng trải rộng trong ánh điện lung linh huyền ảo, chăng đèn kết hoa trên đài tháp và cả nhiều đường phố Viêng Chăn. Trăng tròn treo cao giữa trời xanh đổ ánh sáng vàng se lạnh trong tiết trời đầu đông. Hàng nghìn người từ khắp vùng miền của đất nước Lào, vùng đông - bắc Thái-lan và khách du lịch hối hả hành hương về Viêng Chăn bằng xe đò, xe riêng, bằng thuyền xuôi ngược dòng Mê Công và cả đi bộ để kịp ngày lễ hội, xem rước, xem múa hát và tham gia lễ tắm Phật để cầu mong ánh sáng từ bi của đức Phật chiếu rọi đến mọi người dân Lào, lễ cài hoa chăm-pa lên mái tóc phụ nữ, là mong được hưởng hạnh phúc, thái bình, cho đến lễ dâng cơm, cầu phúc, giảng giải kinh Phật.
Nằm trong khuôn khổ lễ hội, suốt tháng 10 liên tục diễn ra lễ hội "Bun xuồng hưa" (Hội đua thuyền) ở khắp các địa phương dọc các sông lớn. Riêng ngày chung kết, diễn ra ở Viêng Chăn giữa 30 thuyền được chọn từ cơ sở đã đem lại nguồn vui, sự hấp dẫn cho hàng vạn người đứng ngồi chật ních để reo hò cổ vũ dọc bờ Mê Công. Một số khách nước ngoài có mặt tại Viêng Chăn trong những ngày này nhận xét: "Người dân Lào đến hội đua thuyền bình tĩnh, tự tin và vui hết mình, như đặc tính vốn có của họ".
Khác với hội đua thuyền, hội chợ hàng hóa bắt đầu từ ngày chính thức khai mạc Hội Thạt Luổng và kéo dài suốt thời gian lễ hội. Hội chợ năm nay có hơn 200 đơn vị kinh tế trong nước và các nước láng giềng Việt Nam, Thái-lan, Trung Quốc... tham gia, với gần 400 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm là thế mạnh của từng vùng, từng nước. Các gian hàng của Lào tại hội chợ giới thiệu đầy đủ các sản phẩm tiêu biểu của các ngành sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ..., là những minh chứng cụ thể cho bước phát triển mới của kinh tế Lào trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế hàng hóa.
Hội chợ Thạt Luổng còn nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí khá hấp dẫn, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc hơn cả vẫn là đêm kết thúc lễ hội. Người đông như nêm, trong những bộ quần áo dân tộc đẹp nhất, đốt nến, thắp hương tạo nên những sắc màu ánh sáng huyền ảo, nối tiếp nhau đi dưới ánh trăng mênh mang vòng quanh ngọn tháp. Tiếng kinh niệm Phật, tiếng cầu khẩn, tiếng cười nói vui vẻ của đám thanh niên trai gái, tiếng cồng ngân vang trầm trầm và tiếng hò reo khi những chiếc pháo bông tung mầu sặc sỡ chia tay mùa lễ hội Thạt Luổng. Ði trong dòng người trẩy hội, nghĩ về quá khứ, nhìn về tương lai, càng quý trọng bội phần những con người góp phần gìn giữ và làm tăng thêm chiều sâu văn hóa của lễ hội.