Các chỉ số về lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng đều tăng so với quý trước và so cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tuy vẫn cao so cùng kỳ nhưng đã giảm. Ðáng lưu ý, lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể nhờ sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch, lưu trú, ăn uống, hàng không nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát.
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm tính đến thời điểm hiện tại, có 19,4 triệu người lao động trong khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn nhất (38,7%) và tăng mạnh so quý trước. Dữ liệu này được quan tâm bởi khu vực dịch vụ gồm những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp của đại dịch Covid-19 nhưng lại phục hồi sau cùng, khiến những người làm công ăn lương bị tác động nặng nề cả về việc làm và thu nhập, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Hơn nữa, đây cũng là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội nên khi tình hình lao động việc làm của khu vực dịch vụ phục hồi sẽ là mảnh ghép cuối cùng phản ánh sự hồi sinh trở lại của toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội.
Cũng phải nhắc đến tín hiệu tích cực khác là sự cải thiện mạnh mẽ về thu nhập của người lao động. Quý III/2021, thị trường lao động chạm đáy với những khó khăn chưa từng có, khiến thu nhập bình quân của người lao động giảm sâu chỉ còn 5,2 triệu đồng/tháng thì hiện nay đã tăng lên 6,4 triệu đồng/tháng, là mức tăng cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Xu hướng tăng thu nhập diễn ra ở cả ba khu vực kinh tế, gồm lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ và đặc biệt tăng cao tại các đô thị. Với những biến chuyển tích cực đang diễn ra, tổn thương của thị trường lao động việc làm đã phần nào lắng dịu. Mặc dù chưa thể trở về trạng thái như trước đại dịch nhưng ít nhất, tình hình thiếu việc làm đã không còn là mối lo lắng như hệ quả của những làn sóng di cư ngược diễn ra liên tục trong nửa cuối năm 2021 với tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Thay vào đó, tình hình đã quay trở lại thực trạng thường được quan sát ở nước ta với xu hướng tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị.
Dự báo trong năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn năm triệu lao động. Sự phục hồi của thị trường lao động việc làm chưa thật sự bền vững, tổn thất về việc làm và thu nhập của người lao động sẽ khiến chi tiêu thắt chặt lại, dẫn đến sự sụt giảm doanh số hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng đến khả năng duy trì kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế...
Do đó, để thị trường lao động phục hồi bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động việc làm, coi đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế. Cụ thể là thực hiện các giải pháp duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng; tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động được vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm…