Rất nhiều cuộc “giải cứu” sự cố trên tuyến chỉ tính bằng phút đã đem lại an toàn cho người tham gia giao thông.
Đường cao tốc là một công trình giao thông cấp đặc biệt. Một dự án đường cao tốc không chỉ có phần đường mà còn bao gồm: trạm thu phí, trung tâm quản lý điều hành giao thông khu vực, trạm dừng nghỉ, hệ thống báo hiệu, hệ thống an toàn, PCCC, quản lý giám sát giao thông, nhất là đối với các dự án lớn có các hạng mục đặc biệt như hầm xuyên núi, bến phà,… có quy trình vận hành đòi hỏi đơn vị quản lý vận hành phải đáp ứng cả về năng lực, con người người và thiết bị.
Ngành giao thông đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc. Cùng việc hoàn thành xây dựng, đưa các công trình vào phục vụ xã hội thì công tác quản lý, vận hành là khâu cực kỳ quan trọng. Đơn vị vận hành phải chứng minh được năng lực trong công tác này.
Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, nơi có hầm Mũi Trâu dài 1,3 km đã cơ bản hoàn thành xây dựng, chuẩn bị đi vào khai thác, nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi công tác quản lý vận hành sẽ được triển khai như thế nào?
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, không thể xem nhẹ khâu quản lý vận hành đường bộ cao tốc. Một công trình có đầy đủ hệ thống báo hiệu, hệ thống an toàn, phòng cháy chữa cháy (PCCC), quản lý giám sát giao thông,… vì thế không thể giao cho đơn vị không đủ năng lực, như vậy sẽ lãng phí tài sản nhà nước, đẩy rủi ro về phía người dân.
Đặc biệt, những dự án có cả hầm đường bộ như tuyến La Sơn - Túy Loan, có hầm xuyên núi Mũi Trâu dài đến 1,3km, sẽ đấu thầu quản lý vận hành ra sao?
Giữa năm 2020, khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư của năm dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP, trong hồ sơ chỉ nêu năng lực đầu tư, thi công nhưng không đề cập tiêu chí năng lực, kinh nghiệm về quản lý vận hành, bảo trì,…
Nhận thấy những bất cập này sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả dự án khi công trình hoàn thành nhưng không bảo đảm điều kiện để vận hành, không đủ cơ sở để nghiệm thu đưa vào sử dụng, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Theo VARSI, Bộ GTVT phải xem xét đến các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm về quản lý vận hành, bảo trì đặc biệt là các công trình có tính chất đặc thù như hầm đường bộ, cầu lớn,… Nếu không, việc này sẽ gây ra nhiều rủi ro khi các công trình hoàn thành nhưng không bảo đảm các điều kiện vận hành, khai thác, không đủ cơ sở nghiệm thu, hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng, dẫn đến lãng phí như các dự án tương tự đã xảy ra trong thời gian qua.
Bộ GTVT đã tiếp thu, nhưng nội dung năng lực quản lý vận hành các dự án chỉ để ở phần phụ lục hợp đồng mà không phải là điều kiện tiên quyết. Điều này cho thấy, tiêu chí này vẫn đang bị xem nhẹ. Một loạt câu hỏi đặt ra, hiện nay quy trình đấu thầu quản lý vận hành các đường cao tốc diễn ra như thế nào?
Bên cạnh việc bảo đảm duy trì tuổi thọ công trình, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, quản lý vận hành tại các dự án đường cao tốc là hết sức quan trọng nhằm tối ưu hóa công năng và hiệu quả khai thác dự án.
Việc chọn ai, chọn như thế nào để cao tốc vẫn “được” là cao tốc, ngoài giải pháp căn cơ là bổ sung tiêu chí năng lực quản lý vận hành ngay từ giai đoạn chọn nhà đầu tư, và việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành cho các dự án đã xây dựng xong cũng cần siết chặt và nâng cao tiêu chí đấu thầu.
Bài học lãng phí tại tuyến Hồ Chí Minh - Trung Lương
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có tổng mức đầu tư 9.884 tỷ đồng, được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, là đoạn cao tốc đầu tiên ở khu vực phía nam nhưng lại có số phận khá “lận đận”.
Năm 2018, chỉ sau hơn 5 năm vận hành, hệ thống giao thông thông minh (ITS) do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt của tuyến cao tốc này gần như tê liệt hoàn toàn. Hàng loạt hư hỏng như đứt cáp, nguồn điện không ổn định, lỗi camera,… khiến cho hệ thống điều khiển giao thông có giá trị hơn 800 tỷ đồng không thể sử dụng.
Đến năm 2020, hệ thống này mới bắt đầu được sửa chữa, tuy nhiên việc thuê chuyên gia từ nước ngoài đến khắc phục, sửa chữa phần mềm trong hệ thống ITS sẽ tiêu tốn một nguồn kinh phí rất lớn, và đang gặp nhiều khó khăn do thế giới hiện vẫn phải cách ly vì dịch Covid-19.
Một loạt các vấn đề liên tiếp xuất hiện tại tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là hậu quả tất yếu của sự yếu kém và những thiếu sót từ phía cơ quan chức năng khi xem nhẹ yếu tố quản lý vận hành, khai thác hết sức quan trọng này.