Để học sinh Yên Bái tự tin trong năm học mới

NDO -

Là địa phương “vùng xanh” không có Covid-19 lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, bước vào năm học mới 2021-2022, Yên Bái tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bước đầu xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc”, tập trung vào việc bảo đảm an toàn trong nhà trường, không để học sinh yếu thế bỏ học do nguyên nhân khách quan gây ra.

Một lớp dạy chữ Thái cho học sinh thị xã Nghĩa Lộ trong giờ ngoại khóa.
Một lớp dạy chữ Thái cho học sinh thị xã Nghĩa Lộ trong giờ ngoại khóa.

An toàn thực phẩm trong trường học

Một khâu quan trọng của các lớp bán trú là bữa ăn trưa, làm sao vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đủ chất dinh dưỡng, học sinh ăn ngon, ăn hết suất ăn, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh không để xâm nhập vào lớp học. 

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái có gần 1.400 học sinh, bếp ăn mỗi ngày cung cấp hơn 1.340 suất ăn cho học sinh bán trú và 60 suất ăn cho cán bộ giáo viên, thực đơn thay đổi theo ngày, tuần. Trong khu vực bếp ăn, được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, bố trí thoáng mát, sạch sẽ, chia thành các khu riêng biệt từ khu đựng nguyên liệu, chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn, chia thức ăn đã nấu chín, các thức ăn trong ngày được lưu mẫu nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm…

Học sinh Yên Bái tự tin trong năm học mới -0
Giờ học của cô và trò huyện Lục Yên (Yên Bái).

Hiệu trưởng nhà trường Vũ Hoàng Anh cho biết, qua thành lập tổ hợp tác nhân viên dinh dưỡng gồm 15 người, được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn thường xuyên kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn hoạt động theo quy định. 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn thực phẩm. Ban đại diện phụ huynh tham gia giám sát việc tổ chức bữa ăn, khâu nhập thực phẩm, công khai tài chính. Việc lưu mẫu thức ăn được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định, theo dõi hàng ngày. Do đó, các học sinh trường tiểu học Nguyễn Thái Học đều được ăn nóng, ăn đủ chất dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe để học tập. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Yên Bái Nguyễn Trường Giang cho hay, nhờ làm tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, sau hơn 1 tháng tựu trường, tại 45 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô 678 nhóm, lớp, 23.011 cháu mầm non, học sinh phổ thông đều an toàn, không có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn của các trường học.

Vượt khó đưa trẻ đến lớp

Năm học 2021-2022, huyện Văn Yên có hơn 1.900 học sinh là con em hộ nghèo và cận nghèo cần được hỗ trợ để đến lớp do chính sách thay đổi. 

Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 433 của Uỷ ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Văn Yên có 451 học sinh tại 3 xã Lâm Giang, Xuân Tầm, Tân Hợp không còn được hưởng chế độ bán trú (được hỗ trợ tiền ăn 596.000 đồng/học sinh/tháng và 15 kg gạo/học sinh/tháng). Có 913 trẻ mầm non không hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 (160.000 đồng/học sinh/tháng).

Học sinh Yên Bái tự tin trong năm học mới -0
Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp tại Trường tiểu học thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. 

Trước khai giảng, thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệp, Trường tiểu học Lâm Giang, không quản dốc cao, đường núi trơn trượt, cùng cán bộ xã đến từng nhà vận động trẻ ra lớp.

Thầy Hiệp tâm sự, do học sinh là dân tộc Dao, nhà ở xa lớp hơn 5 km, nhiều gia đình vừa thoát nghèo, nay học sinh không còn được hỗ trợ tiền ăn, khiến các em dễ bỏ học. Thầy phải dùng lời hay, lẽ phải của việc học cái chữ, phải tuyên truyền chính sách của Đảng cho dân hiểu, dân tin, tìm hiểu khó khăn của họ để đề xuất với xã tìm hướng giải quyết, từ đó họ mới tiếp tục cho con em đến lớp.

Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang Vũ Văn Hải đánh giá, khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cả xã có 234 em không còn được hưởng chế độ bán trú, việc bỏ học sẽ xảy ra là có thật. Vậy nên, Đảng ủy xã sớm ra Nghị quyết chuyên đề, tập trung vào việc đưa trẻ ra lớp, phân công các cán bộ cùng giáo viên xuống từng hộ dân tuyên truyền vận động, xóa bỏ tính trông chờ ỷ lại vào chế độ bao cấp, chủ động khắc phục khó khăn, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Học sinh Yên Bái tự tin trong năm học mới -0
 Học sinh trường dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải được kiểm tra y tế trước khi nhập học.

Đối với học sinh Tiểu học có khoảng cách từ nhà đến trường dưới 5 km, vận động cha mẹ học sinh đưa đón hằng ngày; đối với các lớp học 2 buổi/ngày, nếu học sinh có nhu cầu ăn trưa tại trường thì gia đình đóng góp kinh phí ăn trưa cho con em mình. Với phương châm “trường hỗ trợ trường; lớp hỗ trợ lớp; học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số”, xã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để học sinh nào bỏ học.  
    
Bằng những biện pháp quyết liệt, đến nay 100% học sinh bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861 và 433 tại huyện Văn Yên đã ra lớp đầy đủ. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần này, huyện Văn Yên cùng ngành địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động sự chung tay ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ các em học sinh vơi bớt khó khăn để tới trường.

Gặp cô giáo Lê Thị Ngân, chủ nhiệm lớp 12B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Bình cho hay, nhà trường có 10 lớp với 380 học sinh, dạy tại 3 khu phân tán. Do đặc thù của nhà trường có một số em học sinh xác định vừa học văn hóa vừa học nghề, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở xa, khi đến học phải ở trọ xung quanh trường. 

Để các em yên tâm học tập, ngay từ khâu tuyển sinh, giáo viên đã tìm phòng trọ, hỗ trợ một số đồ dùng sinh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Đối với nhóm học sinh khuyết tật, ngoài việc miễn giảm học phí, chủ nhiệm lớp đến từng nhà phụ huynh để nắm bắt tình hình gia cảnh nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, nên các em: Hà Quang Văn, Lương Ngọc Ánh, Đinh Ngọc Huyền… là học sinh khuyết tật của lớp luôn bảo đảm sĩ số, nắm được kiến thức trên lớp, gia đình an tâm khi các em tới lớp.  

Học sinh Yên Bái tự tin trong năm học mới -0
Trẻ mẫu giáo dân tộc H’Mông trong giờ chơi tại bản Khuôn Bổ, xã vùng cao Hồng Ca, huyện Trấn Yên. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Đào Anh Tuấn cho biết, đến nay, Yên Bái có 22 trường phổ thông không còn học sinh bán trú hưởng chính sách, 19 trường giảm học sinh hưởng chính sách; có hơn 2.200 học sinh không còn được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ; giảm 11.314 học sinh hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; giảm 3.684 trẻ mẫu giáo hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định số 105 của Chính phủ. 

Do vậy, Ngành đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát các trường không còn học sinh bán trú, xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Rà soát các đối tượng không được hưởng chính sách theo Quyết định 861, để tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện chi trả kịp thời chế độ trợ cấp 1 lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  theo Điều 8, Nghị định 76 ngày 08/10/2019 của Chính phủ...

Với những giải pháp trên, đã tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách đối với nhà giáo và học sinh miền núi, thực hiện thành công việc “Dạy tốt, học tốt” ở tỉnh miền núi Yên Bái.

Đến trường an toàn trong đại dịch