Đề cao sự an toàn và tính tôn nghiêm nơi pháp đình

Tại phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết quy định chặt chẽ hơn về các hoạt động tại phiên tòa nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa.
0:00 / 0:00
0:00
Đề cao sự an toàn và tính tôn nghiêm nơi pháp đình

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với nội dung thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo đó, căn cứ vào vị trí, vai trò của Tòa án Nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp cao, việc đề xuất bảo vệ trụ sở các tòa án này hết sức cần thiết. Trên cơ sở quy định này và yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung Danh mục các mục tiêu bảo vệ tại Nghị định số 39/2021/NĐ-CP phù hợp thẩm quyền đã được quy định.

Cần thiết tăng phương án bảo vệ trụ sở

Theo báo cáo, hiện nay, toàn quốc có 3 trụ sở Tòa án Nhân dân cấp cao. Đây là nơi xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp và cũng là nơi lưu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu mật, nhất là các tài liệu của các vụ án liên quan an ninh quốc gia, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng với mức án cao nhất là tử hình.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định bảo vệ tòa án trong dự thảo Luật, trong đó, trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân cấp cao là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng Cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trụ sở các tòa án khác được tòa án bố trí lực lượng bảo vệ; và cần quy định kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Thời gian qua, vấn đề được nhiều cán bộ ngành tư pháp và người dân hết sức quan tâm, bày tỏ lo ngại trước những sự việc chống đối lực lượng thực thi công vụ, trong đó có cán bộ viện kiểm sát, tòa án có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc với tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.

Mới đây nhất, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) bị đối tượng bất chấp sự thượng tôn pháp luật, ngang nhiên tấn công tại phòng làm việc. Điều rất đáng lo ngại là, pháp đình vốn là chốn tôn nghiêm, cẩn mật, nơi tòa án thực hiện quyền tư pháp, ấy vậy mà lại trở thành nơi không an toàn cho chính những người phán xử, thậm chí nếu không được ngăn chặn kịp thời của các đồng nghiệp thì có thể vị thẩm phán ở Cam Lộ đã bị tước đoạt tính mạng.

Vụ việc nêu trên gióng lên hồi chuông báo động về việc cần có cơ chế và khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và uy tín của thẩm phán, hoàn thiện các quy định về cơ chế bảo vệ thẩm phán, bảo vệ trụ sở các tòa án. Dư luận cho rằng, vụ việc không đơn thuần là đối tượng có hiềm khích cá nhân chống lại thẩm phán, mà cho thấy sự nguy hiểm, cố tình bất chấp pháp luật, coi thường Nhà nước, chống người thi hành công vụ, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Vấn đề đặt ra cần có các cơ chế, biện pháp hữu hiệu bảo vệ thẩm phán là người phán định và bảo vệ được công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội tại phiên tòa cũng như thời gian sau phiên tòa.

Qua ý kiến phản ánh của lãnh đạo, cán bộ, ngành, tòa án ở cơ sở, các địa phương, thực trạng hiện nay cho thấy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho thẩm phán, cán bộ tòa án, viện kiểm sát chưa được chú trọng kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế chính sách pháp luật bảo vệ thẩm phán chưa đầy đủ, Bộ luật Hình sự và các luật về hoạt động tư pháp không có các điều luật chuyên biệt để xử lý các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của thẩm phán, cán bộ tư pháp...

Bảo đảm an toàn cho thẩm phán

Vấn đề làm gì để xây dựng cơ chế bảo vệ bên ngoài và bên trong trụ sở tòa án sắp tới như thế nào để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tương tự được nhiều người quan tâm. Theo Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trước tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, ngày càng gia tăng về số lượng vụ án và tính chất nguy hiểm, các thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử phải thường xuyên đối mặt không chỉ áp lực bảo đảm việc xét xử được đúng người, đúng tội, mà còn phải đối diện với các hành vi manh động, coi thường pháp luật của một số đương sự, bị cáo.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cần quan tâm xây dựng và vận hành quy định bảo vệ thẩm phán như bảo đảm việc tuân thủ nghiêm túc nội quy phòng xử án, cơ chế bảo vệ bên ngoài và bên trong trụ sở tòa án, phòng xử án.

Vụ việc xảy ra với Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ là vụ điển hình, bài học kinh nghiệm cho các cấp, các ngành, cơ quan bảo vệ pháp luật, tòa án trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Từ thực tiễn và vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Cam Lộ, Thẩm phán cấp cao Lê Hồng Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: cần có cơ chế bảo vệ tòa án, bảo vệ thẩm phán cả về tính mạng, sức khỏe, danh dự cũng như sự độc lập của thẩm phán trong xét xử.

Hiện nay, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cử tri và nhân dân, đại biểu Quốc hội mong muốn đội ngũ ngành tư pháp nói chung, mỗi thẩm phán nói riêng phải làm thật tốt, xác định trách nhiệm cao nhất nhiệm vụ giải thích pháp luật cặn kẽ, rõ ràng với nhân dân, các đương sự liên quan. Cán bộ tư pháp, tòa án là những cá nhân mẫu mực, tận tâm, tận tụy, thật sự liêm chính tư pháp, giữ gìn phẩm chất phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống, trong giải quyết các vụ việc, xử lý công việc thấu tình, đạt lý trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.