Ðề án 06 mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

Năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, khai thác và sử dụng dữ liệu nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Sáu tháng đầu năm, Ðề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Ðề án 06) đã có nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt hệ thống camera quét mã QR tại các bến xe lớn ở Thủ đô Hà Nội.
Lắp đặt hệ thống camera quét mã QR tại các bến xe lớn ở Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ ngày 8/4/2023 chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi bộ, ngành quản lý.

Ðến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%. Có sáu bộ, ngành, 11 địa phương có tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt hơn 90%; 15 bộ, cơ quan, 62/63 địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, đạt gần 93%.

Theo báo cáo kết quả triển khai Ðề án 06 của Tổ công tác triển khai đề án, sáu tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản, hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, gần 11 triệu lượt giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (tăng từ 3 đến 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Ðối với 53 dịch vụ công thiết yếu đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 2.500 tỷ đồng.

Ðể góp phần đẩy mạnh xây dựng nền hành chính văn minh, Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của các ngành tư pháp, lao động-thương binh và xã hội, cắt giảm các thủ tục hành chính, người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ. Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai, được người dân đồng tình, hưởng ứng, thực hiện đạt tỷ lệ cao.

Một số thủ tục hành chính tiết kiệm được như: Tiền thu nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) tiết kiệm gần 480 tỷ đồng; thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia tiết kiệm gần 281 tỷ đồng... Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt mức 4. Tính đến tháng 6/2023, đã có hơn 94% số khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến, tương ứng hơn 98% số thu tiền điện; giảm chi phí cho khách hàng, tiết kiệm in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu với gần 20 triệu trang hồ sơ/năm.

Trong lĩnh vực giao thông, vận tải, việc triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại các cảng hàng không đã giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm soát an ninh, khu vực làm thủ tục. Việc đẩy mạnh cấp căn cước công dân cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thi vào lớp 10 đã tiết kiệm thời gian, công sức, xác định chính xác thí sinh được cộng điểm ưu tiên vùng; đồng thời, ngăn ngừa các hành vi gian lận, lợi dụng lịch sử cư trú để xác nhận điểm ưu tiên vùng khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.

Ðại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Triển khai Ðề án 06 của Chính phủ, đến nay đã có năm tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam ký kế hoạch phối hợp Tổ công tác triển khai 43 mô hình điểm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài khoản định danh điện tử, bước đầu đem lại hiệu quả lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, người dân được hưởng lợi rõ rệt từ những tiện ích.

Triển khai Ðề án 06 của Chính phủ, đến nay đã có năm tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nam ký kế hoạch phối hợp Tổ công tác triển khai 43 mô hình điểm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài khoản định danh điện tử, bước đầu đem lại hiệu quả lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, người dân được hưởng lợi rõ rệt từ những tiện ích.

Ðại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an

Tháng 11/2022, tỉnh Hà Nam là một trong hai địa phương được Tổ công tác Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm hai nhóm dịch vụ công liên thông "Ðăng ký khai sinh-Ðăng ký thường trú-Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Ðăng ký khai tử-Xóa đăng ký thường trú-Trợ cấp mai táng phí". Tháng 4/2023, Hà Nam tiếp tục là một trong hai địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính.

Ðại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam đã kích hoạt gần 563 nghìn tài khoản định danh điện tử (đạt 91,52%), xếp nhóm đầu toàn quốc; đã cấp gần 17.200 tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. 118/118 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân, ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, với 181 nghìn lượt người khám bệnh. Nhiều địa điểm, khu du lịch lắp đặt máy quét QR kiểm soát ra, vào với gần 40 nghìn du khách check-in qua thiết bị này...

Ðể tạo đột phá và đưa các tiện ích của Ðề án 06 đi vào thực tiễn cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ký Kế hoạch phối hợp số 171 với Bộ Công an.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh từng bước nhân rộng 21/26 mô hình Ðề án 06. Qua hơn hai tháng triển khai, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại các giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Ðặc biệt, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S là kết quả nổi bật của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Một số tiện ích từ ứng dụng Hue-S như dịch vụ phản ánh hiện trường kết nối giữa người dân với chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong việc tiếp nhận xử lý kiến nghị, đề xuất; dịch vụ công; công tác bảo vệ môi trường...

Ngoài những chức năng nêu trên, Hue-S còn tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế triển khai; xây dựng mô hình học bạ điện tử; triển khai mô hình khám phá Huế 3D và bước đầu hình thành mô hình du lịch thực tế ảo tại một số điểm di tích. Có thể nói, Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Qua đó, đưa Hue-S dần trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh ■