ĐBSCL: Xăng dầu tăng giá, người dân kêu trời

Tính từ cuối năm 2007 đến thời điểm này có hai đợt tăng giá xăng dầu và đây là đợt tăng giá cao nhất từ trước tới nay với mức 4.500 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu diezel. Anh Phạm Minh Thu, chủ thầu xây dựng nhận định với giá dầu mới trước sau gì cũng sẽ làm tăng giá thành vật tư lên 5%.

Ông Trương Văn Dửng, đội điều hành Bến xe Sóc Trăng cho biết :  Trong ngày đầu tiên giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển từ Sóc Trăng đi các nơi vẫn chưa tăng. Đây được xem là thời điểm khá gay go, quyết liệt trong cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Mặc dù hiện nay chưa có doanh nghiệp nào tăng giá trước, nhưng chắc chắn một vài ngày tới cước vận chuyển sẽ tăng cao, bởi chi phí tăng thêm cho mỗi đầu xe là rất lớn. Qua khảo sát của phóng viên báo Nhân Dân, lợi dụng tình hình giá xăng dầu tăng cao, xe đò rước khách dọc đường từ Sóc Trăng đi Châu Đốc, Rạch Gía, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… đã bắt chẹt hành khách phải trả thêm tiền khoảng 20 % giá cước trước đây.

Với ngư dân nghèo ở làng cá Trần Đề, Kinh Ba, Bãi Giá và Vĩnh Châu, đợt tăng giá xăng dầu lần này thật sự là một cú sốc. Vừa được Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí đánh bắt thủy sản, giá xăng dầu lại tiếp tục tăng cao. Anh Nguyễn Văn Dũng ở ấp Cảng, xã Trung Bình ( huyện Long Phú ) than thở: "Gia đình hiện có 6 chiếc cào đôi, chủ yếu là khai thác xa bờ từ 20 đến 30 ngày/chuyến. Với mức tăng 2.000 đồng/lít dầu hiện nay thì chi phí tăng thêm cho tiền dầu mỗi chiếc từ 20-24 triệu đồng. Đó là chưa kể các loại dịch vụ hậu cần nghề cá khác cũng tăng theo, trong đó quan trọng nhất là nước đá dùng trong bảo quản cá. Với giá dầu tăng cao hiện nay, không còn cách nào khác phải cho tàu nằm bờ, bởi càng đi biển càng lỗ nặng". Còn ngư dân Trần Đình Thêm ở Khu 6, thị trấn Vĩnh Châu thở dài: "Nhà nước hỗ trợ thêm tiền dầu, tưởng sẽ gượng dậy được, nào ngờ niềm vui chưa trọn thì giá dầu lại tiếp tục tăng cao. Chỉ tính chiếc tàu lưới rê khai thác gần bờ với công suất hơn 40CV cũng tốn thêm ít nhất 4 triệu đồng mỗi chuyến biển. Trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng, sản lượng khai thác sụt giảm có tính khéo cỡ nào cũng lỗ."

Vào thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.182 phương tiện khai thác với tổng công suất 83.467 CV. Số ghe cào được thống kê là 288 chiếc, trong đó có 214 chiếc khai thác xa bờ công suất từ 90 CV trở lên. Sau đợt dầu tăng giá  vừa qua, toàn tỉnh có khoảng 40% số tàu nằm bờ, nhiều ngư dân đã bỏ biển tìm nghề khác sinh sống. Nhiều ngư dân có ghe cào ở Vĩnh Châu cho biết họ sẽ cải hoán sang nghề lưới để giảm áp lực về giá dầu. Song với đợt tăng giá lần này, số ghe cào của ngư dân loại khai thác xa bờ sẽ không còn lại bao nhiêu, vì giá dầu tăng cao ngư dân không có lời.

Anh Huỳnh Văn Trường, ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết, với giá dầu trước đây, đi làm biển đã khó ăn rồi, nhiều ngư dân đã phải cho tàu nằm bờ. Nhưng định mức hỗ trợ như vừa rồi chỉ giúp ngư dân đỡ khổ phần nào, còn thực chất mỗi chuyến biển phải mua nhiều thứ. Trong khi tiền hỗ trợ còn chưa lấy được, giờ giá dầu tăng thêm 2.000 đồng/lít, không biết Chính phủ có cho tăng tiền hỗ trợ tương ứng giá dầu tăng đợt này không?". Nếu chỉ tăng tiền hỗ trợ để bù chênh lệch giá dầu thì chưa đủ, ngư dân sẽ thêm một lần bị thiệt nữa do tăng giá dầu. Giá dầu tăng, nước đá cũng tăng, công cho thuyền viên cũng tăng, mọi chi phí cho chuyến đi biển đều tăng, nếu Nhà nước không tăng thêm tiền hỗ trợ, chưa đưa tàu ra khơi đã thấy lỗ lên 8 đến 9 phần rồi.

Đợt tăng giá xăng, dầu lần này sẽ làm cho hàng trăm hộ đánh bắt thủy sản ở Bạc Liêu càng lâm vào cảnh khó khăn, khốn khó hơn.  Toàn tỉnh hiện có gần 900 phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển , trong đó gần 50% số phương tiện khai thác thủy sản biển phải tạm ngừng hoạt động. Ngoại trừ số ít chủ phương tiện khai thác biển làm ăn có hiệu quả, phần lớn chủ phương tiện làm ăn thua lỗ, mắc nợ nần, không còn khả năng ra khơi, đành phải ngừng hoạt động.  Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do chi phí đầu tư cho đánh bắt quá cao, nhất là chi phí về xăng dầu.

Vụ chăm sóc, thu hoạch lúa hè thu năm nay rơi ngay vào thời điểm giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất này sẽ tăng thêm. Trong khi đó giá lúa vụ hè thu thường không cao so với các vụ lúa khác trong năm, nên lợi nhuận của bà con nông dân sẽ giảm đáng kể. Đó là chưa kể đến một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, giá cắt lúa, vận chuyển… tăng theo giá xăng dầu cũng là những tác động không nhỏ.

Cũng chịu tác động trong đợt tăng giá xăng dầu lần này là nghề nuôi tôm sú. Hiện nay giá con giống, thức ăn, vi sinh…tăng khoảng 10% so với vụ tôm trước. Không ai dám chắc giá các loại dịch vụ này còn đứng yên khi chi phí đầu vào của nó cũng đang tăng theo giá xăng dầu. Hiện nay tuy hệ thống điện 3 pha đã phủ nhiều vùng nuôi tôm, nhưng tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra, hơn nữa số diện tích nuôi bán thâm canh vẫn còn khá nhiều sử dụng máy nổ chạy bằng dầu tạo ôxy cho vuông tôm, vì vậy sẽ có thêm một phần chi phí tăng thêm được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Nỗi khổ của người nuôi tôm hiện nay là mọi chi phí đầu vào đều tăng rất cao, trong khi giá tôm nguyên liệu đang sụt giảm mạnh. Loại tôm 30 con/kg giá 80-90 nghìn đồng. loại 50 con/kg chỉ còn 60 nghìn đồng. Theo dự báo, vụ tôm năm nay nhiều bà con không có lời, nếu trúng sản lượng thì may ra hòa vốn hoặc có lời chút ít.

Anh Nguyễn Văn Công, công nhân Công ty Chế biến thủy sản Thái Tân, lương tháng được gần 3 triệu đồng thì đã tốn gần 600 ngàn đồng tiền xăng đi làm và đưa con đi học. Nếu giá xăng tăng 4.500 đồng/ lít như hiện nay, mỗi tháng anh phải chi thêm gần 200 nghìn đồng nữa. Khổ vậy, nhưng không còn cách nào khác, anh Công than thở: "Đâu chỉ có tiền xăng, sắp tới chi phí sinh hoạt gia đình chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa. Lúc ấy không biết phải xoay xở thế nào."

Đại diện công ty dầu khí Mekong(Tập đoàn dầu khí Việt Nam) cho biết sau khi nhận được lệnh tăng giá xăng dầu của Trung ương, Ban giám đốc công ty đã đồng loạt thông báo giá xăng dầu mới cho các chi nhánh và đại lý trực thuộc, đồng thời cử cán bộ 7 chi nhánh tại đồng bằng sông Cửu Long tiến hành kiểm kê hóa đơn nhập, xuất, lượng xăng dầu tồn kho, nhằm ngăn ngừa lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để trục lợi.