Thơ và lời bình

"Đây thôn Vĩ Giạ" - Hàn Mặc Tử


Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

* Lời bình

Tôi trộm nghĩ, xưa nay mọi chất liệu thơ rút cuộc cũng chỉ xây dựng trên hai yếu tố: thực và hư. Sự phân hóa của các hình thức thơ cũng phụ thuộc vào liều lượng và sự phối hợp của hai yếu tố này. Thái quá về một phía, bất kể thực hay hư, cũng đồng nghĩa với bất cập, thơ sẽ mất nhiều hơn là được. Bởi vậy, một hình tượng thơ tối ưu phụ thuộc nhiều vào tính mức độ, một thuộc tính hàng đầu của mọi sáng tạo nghệ thuật, không riêng gì của thơ. Một số bài thơ hay của Hàn Mặc Tử là một thí dụ.

Có thể nhận thấy đại bộ phận thơ Hàn Mặc Tử, nhất là giai đoạn sau, là thứ thơ đào sâu một cách cực đoan vào thế giới tâm hồn riêng tư, một tâm thế tuy vẫn có những điểm chung với mọi người, nhưng lại mang quá nhiều những nét khu biệt đến mức khác lạ, xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt của tác giả như chúng ta đã biết.

Hàn Mặc Tử đã cố gắng đến cùng để diễn tả chân thực những biểu hiện tinh vi trong thế giới tâm linh của mình nhưng càng đào sâu vào cái vực thẳm không cùng đó, ông càng đi xa mọi người, xa đến độ lạc sang một kênh tín hiệu khác, bỏ tất cả công chúng lại đàng sau, không phải chỉ công chúng thời ông sống mà có thể là cả thế hệ chúng ta và mãi mãi sau này.

Hiện tượng này xuất hiện từ giữa tập Thơ điên cho đến những sáng tác cuối đời của ông.

May thay, trước khi bước vào một trường thơ quá hư ảo và phi thực, trong phần Hương thơ, mở đầu của Thơ điên, nghĩa là lúc còn nhỏ ở bên bờ tỉnh táo. Hàn Mặc Tử đã kịp để lại ít ra hai kiệt tác: Đây thôn Vĩ GiạMùa xuân chín (đương nhiên, đây là những kiệt tác theo nhận thức của những con người bình thường là chúng ta, còn với Hàn Mặc Tử, thì chưa hẳn). Chỉ biết rằng, trên con đường đi đến cái hư cực đoan, Hàn Mặc Tử còn nán níu lại một chút ở xứ sở của cái thực, và chính ở ranh giới của hai cực đoan này, thơ ông đạt đến độ tối ưu.

Ta hãy thử xem xét tính mức độ trong sự kết hợp của hai yếu tố hư và thực trong Đây thôn Vĩ Giạ, một trong hai kiệt tác nói trên.

Bài thơ viết về một địa danh cụ thể. Những chất liệu trong bài thơ đều có gốc thực, vẽ lên cảnh trí cái làng vườn rất thơ mộng của xứ Huế - những hàng cau, những khu vườn mướt và xanh, có lá trúc, có hoa bắp lay bên bờ sông, có con thuyền đậu bến, có nắng, có trăng, có sương khói và có cả một cô áo trắng... nghĩa là những chất liệu vẫn thường có trong thơ Nguyễn Bính.

Sẽ không có gì là sai nếu ta coi Đây thôn Vĩ GiạMùa xuân chín là những bài thơ viết về nông thôn, nghĩa là cùng một đối tượng miêu tả như Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... Nhưng rõ ràng giữa Hàn Mặc Tử và các vị ấy hầu như không có họ hàng gì. Tâm thế khác, cách cảm, cách nghĩ khác, nên cách nhìn, cách tả cũng khác.

Những chất liệu của cảnh quan muôn thuở chỉ được mượn để diễn đạt tâm thế của con người hiện đại, phức tạp, tinh vi và do đó, buộc phải cô đúc hơn nhiều. Cô đúc trong từng hình ảnh - nắng hàng cau, nắng mới lên; trong từng từ - mướt quá, xanh như ngọc; đến sự dồn nén của một chi tiết - lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Câu thơ đạt đến độ tối giản. Nói thực thì cũng thực đến tận cùng, mà nói thì cũng đến hết mức. Hai chi tiết lá trúcmặt chữ điền đã đành là cũng tiêu biểu cho cảnh và người, nhất là hình ảnh mặt chữ điền, nhưng nếu xuất hiện độc lập, rời rạc, không chắc đã tạo nên ấn tượng, nhưng chỉ cần được liên kết lại bằng một gạch nối - tức hai từ che ngang, thì bỗng bật lên một vẻ đẹp chói lọi có sức gợi mở vượt xa khỏi cái khung chật hẹp của một cấu trúc ngôn từ riết róng, giống như sức bật của một chiếc lò-xo khi bị nén chặt. Chọn lọc chi tiết tiêu biểu và độc đáo, siết chặt câu thơ đến tối giản - đó là cách hữu hiệu để tạo ấn tượng cho thơ (chợt nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ: Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm... cũng là một ví von tươi tắn, đẹp nhưng không chặt được bằng câu thơ của Hàn Mặc Tử).

Trong một bài thơ, trừ những loại thơ quá khiêm lời như tứ tuyệt (thơ Đường) hay haiku của Nhật Bản, thì bên cạnh những câu trọng tâm - những cái đinh - thường vẫn có những câu đưa đẩy, giao đãi chẳng mấy hàm súc, nhưng vẫn cần thiết. Sao anh không về chơi thôn Vĩ hay: Ai biết tình ai có đậm đà trong bài này là như thế. Đó là những thủ pháp mở và kết cho có duyên, thế thôi, không nên quá bận tâm vì chúng. Gió theo lối gió mây đường mây cũng là một câu đưa đẩy.

Nhưng đến dòng nước buồn thiu thì hai tiếng buồn thiu đã đóng đinh được một ấn tượng, bởi nó mạnh mẽ, nó in đậm dấu ấn riêng của hồn người vào cảnh. Và đặc biệt hình ảnh hoa bắp lay thì là một sáng tạo bất ngờ, chói sáng của một sức nhạy cảm tâm hồn, nhạy cảm ngôn từ.

Trong các cây cỏ ở thôn quê, dễ thường cây ngô, tức cây bắp là gây nhiều cảm xúc hơn cả. Cắt nghĩa thì dài dòng, nhưng đó là một sự thật. Trong văn học nghệ thuật, hình ảnh cây ngô được dùng đến khá nhiều, có lẽ vì thế chăng?

Riêng từ lay ở đây thì xứng đáng là một từ làm kinh nhân (làm cho người ta khiếp sợ) như cách nói của Đỗ Phủ. Có lẽ không cần giảng giải tỷ mỉ thì người đọc cũng dễ dàng cảm thấy ấn tượng mà từ lay, mà ở đây là hoa bắp lay, vừa chính xác về ngữ nghĩa, vừa có sức gợi cảm biết bao nhiêu: Một cái gì đó mơ hồ, tẻ nhạt, đơn điệu đến hắt hiu, gây cảm giác quạnh quẽ và buồn buồn...

Không hiểu tôi có quá khiên cưỡng hay không, nhưng ấn tượng thực của tôi về câu thơ mang vẻ đẹp tinh khiết của sự buồn bã này là thế. Sau này nhà thơ Trúc Thông viết: Lá ngô lay ở bờ sông, cũng gây ấn tượng ấy, nhưng dẫu nói gì thì nói và dẫu có khác với hoa đi nữa, thì tại mảnh đất này Hàn Mặc Tử cũng đã kịp cắm một cái mốc chủ quyền từ những năm mươi năm trước.

Nhưng đỉnh điểm của thủ pháp hòa trộn thực với hư, hay cũng có thể gọi là bút pháp ấn tượng của Hàn Mặc Tử trong bài thơ này là câu thơ kỳ diệu: Áo em trắng quá nhìn không ra. Thiên tài? Hay thiên phú? Có thể là cả hai. Nhưng thiên gì đi nữa thì cái hay siêu phàm của câu thơ này lại nằm chính ở chỗ nó là cảm giác rất thường tình của con người, dễ thường không mấy ai trong chúng ta không có lần bắt gặp, nhưng tất cả đều đánh mất, đều bỏ qua, vì đó là thứ cảm giác mơ hồ của vô thức, tồn tại chỉ trong nháy mắt, mong manh, hư ảo hơn cả một vệt sao băng.

Tôi không cho rằng đây thuần túy chỉ là cảm giác khi ta sống lại với quá khứ và sự phi thực có ở đây chỉ vì nó thuộc về thời gian đã mất như có lần nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét. Điều đó có thể đúng một phần. Đúng là khi nhìn qua lăng kính hồi tưởng, mọi vật có thể được hư ảo hóa, mờ hóa. Nhưng cái hiện tượng trắng quá nhìn không ra ở đây là một cảm giác có thực, hơn thế, còn có tính lôgíc - lôgíc của ngoại cảnh và lôgíc của tâm hồn.

Về ngoại cảnh: Có một thực tế - khi có một vật gì sáng quá, nó có thể lấn át, làm lu mờ những vật bên cạnh, đồng thời hút mọi sự chú ý vào mình; cái mầu trắng quá của áo em ở đây là như vậy, nó khiến cho ta nhất thời bị lạc hướng mà không kịp nhận ra được gương mặt, dáng người mặc áo, tức là cảm giác nhìn không ra chính em. Đó tựa hồ như là một sự chói mắt, hay lóa mắt mà ta vẫn gặp - không có gì là không thể cắt nghĩa được.

Nhưng quan trọng hơn, ấy là cái lôgíc của nội tâm: Nhân vật chủ thể ở đây hẳn trong tâm thế quá khát khao, mong chờ. Khát khao quá mà bất chợt được đáp ứng, thì dễ có cảm giác như nằm mơ, không tin vào mắt mình nữa. Niềm hân hoan to lớn quá có thể làm ta mờ mắt lắm chứ. Và đó là thứ cảm giác ngỡ ngàng hoàn toàn có thật, dẫu trong đời người có hiếm khi được gặp, thì cũng không phải là không thể có. Cũng có thể nó là bà con xa với thứ cảm giác thấy em như thấy mặt trời... trong ca dao.

Phân tích kỹ như thế ta mới thấy ngõ hầu mổ xẻ được cái quá trình kỳ diệu của một tâm thức đi từ thực tế hư như thế nào. Và mặc dù đã cố chẻ sợi tóc làm tư khá nhiêu khê, nhưng ta vẫn thấy chưa đọc được hết những thông điệp phong phú của câu thơ. Chỉ biết rằng: Câu thơ không có một từ mong đợi mà toát lên biết bao nhiêu khát khao, mong đợi: không có một từ vui sướng mà nói được bao nhiêu là sướng vui, hoan hỷ.

Nhưng chưa hết, điều kỳ lạ nhất lại chính là ở chỗ: Mặc dù chứa đựng một dung lượng to lớn như vậy trong vẻn vẹn có bảy từ, nhưng câu thơ tuyệt đối không có sự nhồi nhét, cầu kỳ một cách cố tình gò gẫm, mà ngược lại, nó được thốt lên hồn nhiên như không, như là thứ ngôn từ tự phát mà con trẻ vẫn thường reo lên không biết đến giấu giếm, nghĩa là đạt đến sự minh triết của ngây thơ. Đó chính là cái mà người xưa gọi là chất tính linh ở trong thơ.

Với vẻ đẹp mang tính thiên duyên kỳ diệu ấy, Đây thôn Vĩ Giạ xứng đáng là một kiệt tác trong thơ Việt Nam.

Ấn tượng của bài thơ mạnh đến nỗi, có thể nói không ngoa rằng từ khi bài thơ ra đời và được phổ biến, thiên hạ chỉ biết đến và chỉ nhìn cái thôn Vĩ Giạ của xứ Huế qua con mắt của Hàn Mặc Tử mà thôi.