Dạy thêm học thêm: Chưa thể chấn chỉnh ngay được

NDO -

NDĐT - Về vấn đề học thêm, dạy thêm đang là mối quan tâm của nhiều gia đình, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) và đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho biết, cử tri cho rằng một số giáo viên dạy thêm mang tính vụ lợi. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì với vấn đề này và trách nhiệm của Bộ trưởng?

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về vấn đề học thêm dạy thêm tại nghị trường Quốc hội, sáng 16-11. (Ảnh: MQ)
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về vấn đề học thêm dạy thêm tại nghị trường Quốc hội, sáng 16-11. (Ảnh: MQ)

“Liên quan đến dạy thêm học thêm, tôi nhận trách nhiệm phải sâu sát hơn chứ không chỉ đưa ra Thông tư hay Chỉ thị” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn. Và ở đây, chúng ta không thể đặt vấn đề cấm, mà quan tâm chấn chỉnh. Dù thừa nhận chưa thể chấn chỉnh dứt điểm dạy thêm, học thêm ngay được, nhưng Bộ trưởng khẳng định tình trạng này cũng đã ổn định hơn.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa chất vấn: "Bộ trưởng nói dạy thêm học thêm ổn định hơn, vậy ổn định thế nào"? Hiện có tình trạng bắt ép học thêm? Việc này đã quyết liệt chưa? Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?

Cho rằng Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: “Bộ trưởng nói không cấm dạy thêm, học thêm là tôi không đồng ý. Theo tôi, không được cấm dạy và học thêm chính đáng của giáo viên và học sinh nhưng cấm lợi dụng để bắt ép học sinh học, gây bức xúc trong xã hội”.

Đại biểu Quyết Tâm thí dụ, giáo viên không dạy hết nội dung chính khoá ở lớp để về nhà dạy thêm. Hay kiểm tra 15 phút trên lớp toàn đem nội dung dạy thêm ra kiểm tra, phụ huynh phản ánh nhiều và bức xúc.

“Nên cấm trường hợp nào và không cấm trường hợp nào. Bộ trưởng cần có giải pháp phối hợp với địa phương để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm, tránh gây bức xúc và gánh nặng cho xã hội” - đại biểu Quyết Tâm đề nghị.

Hoàn toàn đồng tình với đại biểu Quyết Tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, cấm là cấm tràn lan không đúng, còn những trường hợp lý là nhu cầu tự thân.

Nhận trách nhiệm về phía mình, Bộ trưởng cho biết thời gian qua có để ý chỉ đạo nhưng cần sát thực hơn với địa phương và các trường để chấn chỉnh một cách hiệu quả.

Thừa - thiếu cơ cấu ngành

Liên quan đến bất cập quy mô các trường và cơ cấu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu hiện tại, giáo dục và đào tạo đang bất cập, có trường quy mô rất lớn nhưng chỉ có tám học sinh. Điều đáng quan ngại là học càng cao thất nghiệp càng lớn.

“Vậy Bộ Giáo dục và Đạo tạo có giải pháp gì để cơ cấu lại các trường?” - đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn.

Hoàn toàn chia sẻ ý kiến đại biểu Sỹ Lợi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giải pháp căn cơ tới đây là rà soát, không chỉ đại học mà ở tất cả các bậc học. Bộ có trách nhiệm có các tiêu chuẩn, quy chuẩn; triển khai mạng lưới các trường Đại học.

Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục không chỉ bất cập về cơ cấu các trường mà còn về các ngành. Có ngành rất nhiều, có ngành thừa nhiều, nhưng có ngành cần như y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng thì lại thiếu.

Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo các trường phối hợp với người tuyển dụng để từ đó xây dựng cơ cấu tuyển sinh.