Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô

5 tháng sau ngày khởi công, công trường thi công dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh rộn rã tiếng máy móc, thiết bị, hàng chục mũi thi công đã được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó, cả ba địa phương đều đang tập trung thi công hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để sớm bố trí cho các hộ dân đã bàn giao đất ở cho dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu Tổng công ty 319 thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)
Nhà thầu Tổng công ty 319 thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)

Công trường dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô (đường vành đai 4), đoạn đi qua địa bàn phường Phú Lãm, quận Hà Đông (Hà Nội) cuối tháng 11 đang được tổ chức thi công khẩn trương. Ông Đoàn Viết Thắng, Giám đốc điều hành gói thầu số 10 từ quận Hà Đông đến huyện Thanh Oai của Tổng Công ty xây dựng 319 cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị huy động nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục: đào đất, đắp bờ bao khuôn đường, thi công cọc khoan nhồi…

Phấn đấu hoàn thành gói thầu trước kế hoạch sáu tháng

“Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 6/2023, đơn vị đã huy động máy móc, thiết bị, triển khai hai mũi thi công, đáp ứng tiến độ đề ra. Hiện đơn vị đã nhận được 80% mặt bằng, có mặt bằng đến đâu, nhà thầu triển khai ngay đến đấy, thi công cả ngày cả đêm”, ông Thắng nói. Dù giá nguyên vật liệu tăng cao, đơn cử như giá cát đã tăng hàng chục nghìn đồng/m3 so với thời điểm ký hợp đồng, nhưng đơn vị cố gắng khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến ngày 31/12/2025 thi công xong gói thầu số 10, vượt kế hoạch sáu tháng. Tại công trường thi công gói thầu số 9 dài 23 km, đi qua địa phận huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức, nhà thầu thi công đang triển khai năm mũi thi công đường và ba mũi thi công cầu.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, chủ đầu tư dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) trên địa bàn Hà Nội có tổng chiều dài 58,2 km, các nhà thầu đã huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật, gần 100 máy móc, thiết bị hiện đại, tổ chức 29 mũi thi công, bao gồm 21 mũi thi công đường và tám mũi thi công cầu.

Đến nay, các nhà thầu đã thi công bóc 126.465 m3 đất hữu cơ lên khuôn đường, đắp 90.839m3 cát nền đường K95, đang triển khai thi công cắm bấc thấm, cắm cọc xi-măng đất xử lý nền đất yếu; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm cầu qua các sông: Cà Lồ, Nhuệ, Tô Lịch, Khê Tang... Tiến độ thi công được bảo đảm, đến nay, Ban Quản lý dự án đã giải ngân hết 100% kế hoạch vốn 2023 và được thành phố Hà Nội bổ sung 40 tỷ đồng vốn, dự kiến sẽ giải ngân hết trước ngày 31/12/2023.

Tuy khởi công muộn hơn so với đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng đoạn tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đã được khởi công trong tháng 11. Cụ thể, ngày 10/11, gói thầu số 1, đoạn tuyến dài 11,5km thuộc dự án thành phần 2.3 đường vành đai 4, đoạn qua xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) đã chính thức khởi động. Đây là điểm đầu tiên của dự án vành đai 4 được triển khai thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp đó, ngày 22/11, Sở Giao thông vận tải Hưng Yên đã khởi công gói thầu số 1 thi công xây dựng đường song hành thuộc dự án đường vành đai 4. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần LIZEN Bùi Xuân Hùng, đơn vị trúng thầu gói số 1 đường song hành dài 17,7 km trên địa bàn xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang cho biết: Doanh nghiệp đã tham gia thi công nhiều công trình lớn, cho nên có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thi công công trình đường vành đai 4, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Tập trung xây dựng các khu tái định cư

Đối với công tác giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp để phục vụ thi công đường vành đai 4, đến nay, thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã đạt khối lượng lớn. Cụ thể, bảy quận, huyện của thành phố Hà Nội có dự án đường vành đai 4 đi qua đã phê duyệt và thu hồi được 726,61 ha đất nông nghiệp, đạt gần 92% diện tích phải thu hồi. Bốn huyện của tỉnh Hưng Yên đã bàn giao cho chủ đầu tư đạt hơn 193,6 ha, chiếm hơn 84% tổng diện tích đất phải thu hồi, số vốn đã giải ngân đến nay là 136 tỷ đồng, đạt 68%.

Dự kiến giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 là 200 tỷ đồng, đạt 100% số vốn được giao năm 2023. Các địa phương của tỉnh Bắc Ninh có dự án đường vành đai 4 đi qua đã thu hồi, giải phóng mặt bằng được 312,56 ha đất, đạt 87,12%, giá trị giải ngân đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Đối với việc thu hồi phần diện tích đất ở, các quận, huyện của Hà Nội đang xác định giá đất nơi đi, và giá đất điểm đến tái định cư để phục vụ lập, thẩm định, phê duyệt phương án đất ở. Dự kiến việc thực hiện đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt phương án đất ở xong trước ngày 31/12/2023. Các địa phương đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 13 khu tái định cư.

Trong số bảy quận, huyện có dự án đường vành đai 4 đi qua, huyện Thường Tín có tiến độ xây dựng khu tái định cư nhanh nhất. Đến nay, huyện đã tổ chức sáu đợt bốc thăm và giao đất tái định cư cho 136 hộ gia đình nằm trong diện di dời đất ở. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng khẳng định: “Các dự án xây dựng khu tái định cư sẽ cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trong tháng 11/2023 để bàn giao đất cho các gia đình xây nhà ở, ổn định cuộc sống”.

Cá biệt, khu tái định cư ở xã Hồng Vân đã giao đất cho các hộ dân để xây dựng nhà mới. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, Đinh Ngọc Thức cho biết, đơn vị phấn đấu hoàn thành xây dựng hạ tầng khung của ba khu tái định cư cho các hộ dân dự án đường vành đai 4 của huyện trước ngày 31/12/2023. Ông Nguyễn Tiến Thắng ở thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê cho biết: “Được huyện Mê Linh bố trí khu đất mới ở gần khu hành chính của xã, được quy hoạch đẹp, có cả công viên, khu đỗ xe riêng, các hộ dân trong diện được tái định cư rất phấn khởi”.

Trưởng ban Quản lý các dự án công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên) Hoàng Hải Bình cho biết: Tỉnh đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật 11 khu tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4, trong đó có một khu tái định cư đã phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm Đỗ Hoàng Tùng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện tái định cư với lịch trình cụ thể và phương pháp thực hiện đồng thời các nội dung: Lập quy hoạch, lập dự án, giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng khu tái định cư và tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư; kiểm kê đất đai, tài sản trên đất thổ cư; xét tái định cư; xây dựng, trình thẩm định, trình ban hành giá đất cụ thể khi thực hiện bồi thường đất thổ cư và thực hiện tái định cư; xây dựng phương án tái định cư, phương án bồi thường đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu… bảo đảm công khai dân chủ, các quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thổ cư theo chế độ, chính sách hiện hành. Các xã Lạc Hồng, Lạc Đạo (huyện Văn Lâm) đã thu hồi diện tích đất nông nghiệp nằm ở vị trí thuận tiện giao thông để làm khu tái định cư, bảo đảm tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, được người dân đồng thuận cao.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai dự án đường vành đai 4 cũng gặp phải một số vướng mắc, đang được chủ đầu tư, chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ. Như tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có 31 hộ gia đình có đất giao trái thẩm quyền, cho nên đến nay chính quyền xã chưa ban hành được thông báo thu hồi đất.

Hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình có nhiều biến động so với bản đồ địa chính; số lượng hộ có đất ở trong diện phải thu hồi lớn, trong khi hồ sơ, giấy tờ liên quan chưa đầy đủ. Thành phố Bắc Ninh có 103,7 ha đất phải thu hồi tại bốn phường để thi công đường vành đai 4. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi và nhận tiền đền bù đạt 94%. Với các diện tích đất nông nghiệp còn lại, thành phố phấn đấu phê duyệt và chi trả chậm nhất vào ngày 15/12/2023.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho biết, qua rà soát, kiểm đếm, nhiều hộ có diện tích cần thu hồi lớn, nhiều nhân khẩu đang sinh sống nhưng chưa tách thửa. Có hộ dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng lại xây dựng tài sản trên đất trồng cây lâu năm, diện tích đo vẽ thực tế lại nhỏ hơn diện tích trong “sổ đỏ”. Bên cạnh đó, việc bồi thường công trình phía sau bị ảnh hưởng và các khoản tái định cư tại chỗ cũng là vấn đề được người dân rất quan tâm, thành phố đang tìm cách tháo gỡ nhưng chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể.

Một số người dân và doanh nghiệp cũng có kiến nghị, mong muốn chính quyền và các ngành chức năng tháo gỡ. Anh Nguyễn Hữu Hiếu, ở khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Gia đình tôi có 350 m2 đất ở nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ dự án vành đai 4. Tôi và các hộ dân trong diện giải tỏa mong muốn được các cấp chính quyền bố trí tái định cư tại chỗ, được áp dụng mức giá đền bù ở mức cao nhất để khi sang khu tái định cư mới đỡ vất vả. Dự án chạy ngang qua cánh đồng vẫn còn nhiều diện tích đất canh tác, cho nên chúng tôi đề nghị trong quá trình triển khai làm đường cần chú ý tới hệ thống cấp nước tưới tiêu ngoài đồng, bố trí lối đi ra đồng thuận tiện cho bà con. Một số hộ ở xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đề nghị xây dựng đường vào khu tái định cư tại thôn Minh Hải kết nối hạ tầng giao thông của khu tái định cư với Quốc lộ 5 và hệ thống giao thông của địa phương...

Đại diện một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 4 đi qua cũng có kiến nghị với chính quyền. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược Hà Hưng (tỉnh Hưng Yên) cho biết: Dự án đường vành đai 4 đi qua giữa khu đất nhà máy sản xuất của công ty đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Hơn 44% diện tích đất của công ty và một số phân xưởng sản xuất bị giải tỏa để làm đường. Doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sớm bàn giao mặt bằng sạch để công ty triển khai xây dựng các khu xưởng sản xuất, có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên rất cần các ngành chức năng của các tỉnh xem xét, nhanh chóng tháo gỡ, để công tác triển khai dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô bảo đảm tiến độ, đưa công trình về đích đúng kế hoạch, thúc đẩy kinh tế-xã hội Vùng Thủ đô phát triển.