Từ công trình trọng điểm Bản Mồng
Cách TP Vinh 120 km, công trình thủy lợi Bản Mồng (TLBM), công trình trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) nằm ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Hàng trăm ô-tô, máy móc thi công hiện đại ngày đêm hoạt động, vang rền tiếng máy đào lấp, làm đường, đắp đê quai, đập phụ, làm cầu qua kênh dẫn dòng, ngầm… để phục vụ thi công công trình đầu mối TLBM.
Thượng úy, Phó chỉ huy trưởng công trường Tổng công ty 36 Ngô Lê Hương cho biết: Hiện nay, đơn vị tập trung 30 đầu xe thi công hiện đại các loại, thi công đê quai thượng lưu lên cao trình 52 m, bảo đảm chống lũ tiểu mãn. Ngoài ra, sau chắn dòng 17 ngày, đơn vị đã đào được 45 nghìn m3 đất đá phục vụ thi công hố móng đập chính. Ở phía bên kia bờ sông Hiếu, Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư và xây dựng Hoàng Dân cũng đang tập trung máy móc làm bờ vai trái đập chính, đắp đê quai hạ lưu và đập phụ. Theo ông Vũ Lâm Hoài, Chỉ huy trưởng công trường Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư và xây dựng Hoàng Dân: Ngay sau khi nhận được mặt bằng vào ngày 1-3, gần 40 máy đào và ô-tô các loại đã chờ sẵn, tổ chức thi công ba ca liên tục để "cướp" tiến độ. Lãnh đạo đơn vị thay phiên nhau bám công trình, kịp thời phát hiện nhiều sự cố để báo cáo đơn vị tư vấn và chủ đầu tư, tập trung xử lý sớm các phát sinh, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật... Nhiều người phải gác lại việc riêng để bám công trường.
Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban TL4), Nguyễn Hải Thanh cho biết: Ðược khởi công xây dựng năm 2010, nhưng do khó khăn về nguồn vốn, công trình TLBM buộc phải giãn tiến độ, đến năm 2017, mới được cấp vốn trở lại. Ðể chạy đua với thời gian, khắc phục những phần việc bị chậm, nhất là cầu qua kênh dẫn dòng, Ban TL4 đã đề xuất phương án và được chấp nhận làm ngầm qua kênh dẫn dòng nhằm đưa phương tiện máy móc cùng vật tư vào phục vụ thi công đào hố móng đập chính kịp thời. Ngoài ra, Ban TL4 cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB bằng việc điều chỉnh diện tích GPMB nhỏ nhất để tiết kiệm nguồn vốn. Ðến nay công tác GPMB liên quan đã cơ bản hoàn thành, thuận lợi cho việc đưa cầu qua kênh dẫn dòng vào hoạt động trước lũ tiểu mãn, đáp ứng yêu cầu thi công trong năm 2018. Bên cạnh đó, do thi công ở địa hình rừng núi cùng tác động của biến đổi khí hậu, Ban TL4 cập nhật chuỗi thủy văn trong 10 năm trở lại đây ở miền tây Nghệ An để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp thực tế... Hiện, cầu qua kênh dẫn dòng cùng với các đê quai đã hoàn thành, tạo điều kiện cho các nhà thầu đưa thiết bị, máy móc hiện đại vào. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hơn 100 máy móc, thiết bị cùng hàng trăm cán bộ, công nhân bảo đảm thi công ba ca liên tục trên công trường nhằm mục tiêu đến ngày 20-6 chính thức đổ những mẻ bê-tông đập chính đầu tiên. Cùng với đó, những hệ thống kênh dẫn do tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư cũng được triển khai quyết liệt. Khi hoàn thành, dung tích hồ chứa 235 triệu m3 này sẽ "giải khát" cho khoảng 20 nghìn ha đất nông nghiệp, đánh thức tiềm năng vùng đất ba-dan màu mỡ, có điều kiện tái cơ cấu cây trồng theo hướng làm giàu bền vững, nhất là các loại cây có múi, cà-phê... ở miền tây Nghệ An. Ngoài ra còn phục vụ đời sống dân sinh, chăn nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ khác; đồng thời, phát điện công suất 43 MW, cắt lũ cho hạ du sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt...
Ðến đại công trình Ngàn Trươi - Cảm Trang
Công trình đại thủy lợi Ngàn Trươi - Cảm Trang (NTCT) ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có dung tích hồ chứa lớn thứ ba toàn quốc, chỉ sau Cửa Ðạt (Thanh Hóa) và Dầu Tiếng (Tây Ninh). Công trình có dung tích hồ chứa khoảng 775 triệu m3 nước, gấp hơn hai lần hồ Kẻ Gỗ và bằng tất cả các "kho" nước thủy lợi của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cộng lại. Khi hoàn thành công trình sẽ phục vụ nước cho tám huyện, thị xã với 87 xã phía bắc Hà Tĩnh, trong đó tưới cho 28 nghìn ha diện tích sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất các ngành nghề khác và phục vụ phát điện với công suất 15 MW. Ðến nay, hạng mục quan trọng nhất của NTCT là công trình đập đầu mối đã hoàn thành 98% lượng công việc. Các nhà thầu đang tập trung chỉnh trang khu vực đầu mối; gia cố phần trên mái đập chính, tràn xả lũ, đập phụ… để chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao. Hiện, hồ đã tích nước lên cao trình 31 với hơn 200 m3 nước.
Mặc dù chưa hoàn thành, nhưng công trình đại thủy lợi NTCT phát huy hiệu quả ngay trong quá trình thi công. Các cơn bão số 1 và số 3 năm 2017 vừa qua đổ bộ bất thường vào Bắc Trung Bộ giữa lúc lúa đang chính vụ. Công trình NTCT đã cắt hơn 140 triệu m3 nước lũ do bão gây ra, tránh ngập úng cho hàng nghìn ha lúa và hoa màu vùng hạ du. Ban TL4 mời các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi để bàn các giải pháp tối ưu thoát lũ lòng dẫn khe Trí phục vụ thoát lũ cho công trình NTCT nhằm bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi, người dân, các công trình liên quan ở vùng hạ du và tiết kiệm nguồn vốn đầu tư.
Thiếu tá, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn 185 Nhâm Mạnh Ðôn, đơn vị trúng thầu phần thân đập chính của công trình, cho biết: Với 1,8 triệu m3 đất đắp, chiều cao gần 65 m, đây là đập đất cao nhất trong các công trình thủy lợi ở Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Ðập đất "ba khối", chính giữa có lõi đất sét chống thấm tuyệt đối cho đập, cho nên chất lượng được chủ đầu tư cũng như nhà thầu đặt lên hàng đầu. Chủ đầu tư thuê hẳn một nhà thầu độc lập chuyên giám sát chất lượng công trình. Từng ca làm việc, từng mẫu đất đắp được kiểm tra kỹ các thông số về độ nén, độ thấm, độ ẩm..., đủ điều kiện mới cho phép đắp.
Cùng với công trình đầu mối, hệ thống kênh dẫn dòng do tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư cũng trong giai đoạn nước rút. Với kết cấu thẩm mỹ đẹp, hơn 16 km kênh dẫn bằng bê-tông đồ sộ, cùng hệ thống cống lấy nước, đập dâng trên sông, nhiều cầu máng, xi-phông chui qua sông Ngàn Sâu, qua đường sắt... đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang hoàn tất các công đoạn cuối để có thể cấp nước tự chảy cho các vùng hưởng lợi ngay trong vụ hè thu này. Như vậy, các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà... sẽ không còn lo hạn, mà tình trạng xâm nhập mặn cũng được giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Ngọc Sơn cho biết: Không chỉ khai thác nước phục vụ thủy lợi, công nghiệp, đời sống dân sinh, Hà Tĩnh còn lên phương án biến "kho" nước này thành công trình điểm nhấn hấp dẫn phục vụ du lịch, cũng như phát triển nguồn lợi thủy sản.