Các cảng cá, khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nghề khai thác hải sản và các dịch vụ hậu cần. Hạ tầng nghề cá còn nhiều hạn chế đang là nỗi lo của ngư dân và chính quyền địa phương.
Thiếu hạ tầng nghề cá
Từ nhiều năm nay, khu neo đậu kết hợp cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Hồng Triều ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên luôn được ngư dân địa phương kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu tránh trú bão an toàn, cung cấp các dịch vụ hậu cần thiết yếu để vươn khơi và tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến đi biển.
Hiện nay âu thuyền Hồng Triều đang tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp, xây dựng cơ sở kỹ thuật, tạo thuận lợi cho ngư dân neo đậu tàu thuyền và thúc đẩy phát triển nghề cá. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc neo đậu tàu thuyền, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tàu QNa-92979, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên cho biết, khu neo đậu tàu thuyền có từ lâu, song chỉ là khu neo đậu tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu an toàn cho tàu thuyền khi vào neo đậu trong mùa mưa bão.
Do vậy, khi chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp âu thuyền Hồng Triều, ngư dân ở đây rất phấn khởi. “Âu thuyền Hồng Triều hoàn thành sẽ là nơi tránh trú bão cho tàu cá và bảo đảm phát triển hậu cần nghề cá cho ngư dân địa phương và một số vùng lân cận. Song do dự án triển khai kéo dài, quá trình di chuyển ra vào và neo đậu hiện nay xảy ra những bất cập, hầu hết chủ tàu cá không muốn neo đậu ở đây”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi chờ âu thuyền Hồng Triều hoàn thiện, hiện nay bến cá An Lương, thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, là lựa chọn duy nhất để ngư dân neo đậu, chuẩn bị nhiên liệu nhu yếu phẩm ra khơi và vào cảng để xuất bán hải sản. Vào vụ khai thác chính, số lượng tàu thuyền các loại tăng lên rất nhiều gây ra tình trạng quá tải.
Từ nhu cầu bức bách này, một số chủ thu mua hải sản tự bỏ tiền ra làm cầu cảng bằng gỗ hoặc bằng bê-tông để giảm áp lực cho bến cá An Lương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Trần Văn Siêm cho hay, bến cá An Lương vốn là bến cá nhỏ dành cho các tàu cá ở địa phương; tuy nhiên có nhiều thời điểm bến cá này lên đến 30 tàu từ các xã Duy Nghĩa, Duy Hải thuộc huyện Duy Xuyên và một phần thành phố Hội An vào neo đậu gây ra tình trạng quá tải của bến.
Thời gian qua, chính quyền xã Duy Hải vẫn tìm phương án sắp xếp, ổn định khu vực bến cá An Lương. Nhiều lúc, tàu nhiều quá phải đậu lấn luôn ra luồng lạch di chuyển của các phương tiện khác, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.
Huyện Núi Thành là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh Quảng Nam với hơn 1.500 tàu cá đã đăng ký, số lượng tàu công suất lớn khá hùng hậu và sản lượng khai thác hằng năm rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ nghề biển, các chính sách và hoạt động của các đơn vị liên quan vẫn chưa theo kịp, dẫn đến khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế biển của địa phương.
Cảng cá An Hòa và cảng cá Tam Quang đưa vào sử dụng từ năm 2012, trong đó quy mô cảng An Hòa 130 lượt tàu/ngày, cảng cá Tam Quang quy mô 120 lượt tàu/ngày nhưng 2 cảng cá này chỉ đáp ứng được 1/4 lượng tàu cá cập cảng của bà con ngư dân.
Hơn nữa, dù được nâng cấp vào tháng 10/2020 nhưng cảng cá Tam Quang mới chỉ bàn giao và đưa vào sử dụng mới hơn 70% cơ sở hạ tầng, khi tất cả tàu cá của huyện Núi Thành và các địa phương lân cận tập trung về đây gây dồn ứ, khó khăn cho ngư dân. Ông Trần Văn Chiến, chủ tàu QNa-95069, huyện Núi Thành cho biết, nhiều lúc vào mùa đánh bắt chính, cảng cá thường xuyên quá tải, không bảo đảm an toàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, hiện nay toàn tỉnh có gần 3.000 tàu cá các loại hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản, hải sản, trong đó, tàu cá chiều dài từ 15m trở lên có 618 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm ước đạt 100.000 tấn.
Điều bất cập là toàn tỉnh chỉ có một cảng cá cấp II, đó là cảng cá Tam Quang. Hiện nay, hạ tầng cảng cá vẫn chưa đáp ứng được cho những tàu cỡ lớn vì luồng lạch có độ sâu chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh đội tàu cỡ lớn cũng là một khó khăn cho việc nâng cấp hạ tầng nghề cá chưa theo kịp.
Khó khăn đầu tư hạ tầng nghề cá
Theo thiết kế, cảng cá Tam Quang được kết nối với Khu neo đậu tàu cá An Hòa thuộc xã Tam Quang và Tam Giang, huyện Núi Thành để hoàn thiện một chuỗi liên kết hậu cần nghề cá. Trong khi đó, cảng cá An Hòa chuyển sang phục vụ nhiệm vụ an ninh-quốc phòng.
Để phát triển kinh tế biển đúng định hướng, xây dựng cảng cá ngày càng hiện đại, tỉnh Quảng Nam thực hiện dự án Sửa chữa nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa và Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang nhưng đến nay cả 2 dự án đều đang vướng về mặt bằng dẫn đến chưa thể hoàn thành.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, dự án Sửa chữa nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa đến nay mới thực hiện được 70% tổng khối lượng theo hợp đồng. Còn đối với dự án Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang, đến nay đã thi công được khoảng 45% khối lượng hợp đồng.
Hiện nay trên diện tích khu neo đậu hiện hữu có rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến việc neo đậu của tàu thuyền cũng như cản trở việc thi công nạo vét.
Ngày 3/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó nêu rõ, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần đầu tư phục vụ hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Võ Văn Long cho biết, theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, tỉnh đang xây dựng cảng cá Tam Quang thành cảng cá loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão An Hòa. Ở phía bắc sẽ đầu tư xây dựng cảng cá Hồng Triều lên cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão.
Còn đối với các bến cá An Lương, Thanh Hà, Cù Lao Chàm và Tam Kỳ sẽ cho xây dựng lên cảng cá loại III. Thời gian tới, khi hệ thống cảng cá loại I, II và III được đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch sẽ tạo ra hệ thống hạ tầng thiết yếu, bảo đảm được yêu cầu phát triển cơ bản nghề cá của tỉnh Quảng Nam.