Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng, khởi công tháng 4/2020, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 nhưng do vướng hạ tầng ngầm nên kéo dài đến nay vẫn thi công.
Dự án được kỳ vọng kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực nam TP Hồ Chí Minh khi hoàn thành.
Trước đó từ ngày 8/2, nút giao hầm chui này được rào chắn dự kiến trong 8 tháng (240 ngày) để phục vụ xây dựng đốt hầm ngầm, đã ảnh hưởng nhiều đến giao thông khu vực.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, việc rào chắn nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ là giai đoạn bắt buộc để thi công hầm kín.
Qua hơn một tháng rào chắn, do nút giao này có mật độ giao thông rất lớn nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Chủ đầu tư dự kiến bảo đảm thông xe hầm chui HC2 trước ngày 31/7 và thông xe nhánh hầm còn lại và toàn bộ công trình trước 31/12/2024.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tặng quà động viên công nhân tại công trường thi công hầm chui. |
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu; đồng thời, nhấn mạnh đây là nút giao có mật độ phương tiện đông, trọng yếu do đó để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân các lực lượng gồm Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong cần tiếp tục phối hợp điều tiết giao thông cho khu vực.
“Đây là dự án giao thông trọng điểm của thành phố, góp phần tháo gỡ ùn tắc. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án ảnh hưởng đến người dân, đề nghị đơn vị thi công tăng cường 3 ca 4 kíp, bảo vệ trật tự giao thông, lường trước các phương án có thể xảy ra", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
[Ảnh] Nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ sau gần 2 tuần đóng cửa
Chiều cùng ngày, Đoàn lãnh đạo Thành phố cũng đã thị sát điểm đầu trên địa bàn quận 7 (đường D1) thuộc dự án Cầu đường Nguyễn Khoái. Dự án này được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Dự án dài gần 5km, tổng vốn hơn 3.725 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố.
Công trình sẽ bắt đầu từ đường D1 (kết nối Trường đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó, phần cầu chính vượt kênh Tẻ đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái.
Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt. Cầu đường Nguyễn Khoái giúp mở trục đường mới từ khu nam ra vào trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông với các trục đường Khánh Hội-cầu Kênh Tẻ-Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ-Dương Bá Trạc-Đường 9A, đường Nguyễn Tất Thành…
Theo tiến độ, hiện nay chủ đầu tư đang lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án trước ngày 30/6/2024; duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trước ngày 30/10/2024. Song song đó thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn Tư vấn giám sát, khởi công dự án trước ngày 31/12/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, chủ đầu tư sớm hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công dự án vào cuối năm 2024 vì nguồn vốn ngân sách có sẵn, giảm áp lực giao thông cho khu vực phía nam thành phố.