Mở rộng thị phần
Là một trong những DN lớn nhất của tỉnh Ðồng Nai, hàng hóa sản xuất ra của Tổng công ty May Ðồng Nai chủ yếu đều xuất khẩu, trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 30%. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May Ðồng Nai Bùi Thế Kích, EVFTA là cơ hội rất tốt đối với các DN dệt may trong việc chủ động hội nhập một cách sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng với đơn vị, do có sự chuẩn bị từ trước, cho nên thời gian tới sẽ là dịp để công ty bứt phá, đưa được nhiều hàng hóa vào thị trường EU. Ðáng chú ý, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, DN không chỉ được hưởng mức ưu đãi về thuế mà còn có khả năng mở rộng mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn cạnh tranh được ở thị trường EU, bắt buộc DN phải đầu tư chiều sâu, nhất là thiết bị và công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất lao động, mẫu mã hàng hóa. Thực tế, các DN trong ngành dệt may Việt Nam (DMVN) đang mong muốn thị trường EU sẽ mang lại cú huých lớn đối với mỗi DN và toàn ngành. Ðồng thời, nếu tiếp cận được các thiết bị, công nghệ của EU sẽ giúp hiện đại hóa ngành dệt may trong thời gian tới.
Cùng chung nhận định, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, hầu hết các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn đều chưa có hiệp định thương mại với EU như: Trung Quốc, Ấn Ðộ, Băng-la-đét, Mi-an-ma, Cam-pu-chia,… do đó, đây sẽ là cơ hội để các DN của Việt Nam tăng tốc. Hiện tại sản lượng xuất khẩu vào EU chiếm 32% tổng sản lượng xuất khẩu của May 10. Nếu tận dụng tốt các ưu đãi của hiệp định, xuất khẩu vào thị trường này có thể tăng thêm khoảng 15%. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với May 10 cũng như các DN khác là phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nguyên phụ liệu mà các hiệp định quy định. Chính vì vậy, nếu không đáp ứng được, tất yếu sẽ không được hưởng lợi, thậm chí phải đối diện với nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh, các DN kỳ vọng hiệp định này sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới vì hiện tại thị phần của Việt Nam tại EU còn thấp, chỉ dao động ở mức 2%. Xu hướng nhập khẩu EU trong sáu tháng gần đây cho thấy, Trung Quốc cũng đang mất dần thị phần tại thị trường này. Băng-la-đét là nước được hưởng phần ưu đãi về thuế quan với EU, do đó, đang là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi chờ hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, các DN dệt may của chúng ta cần chủ động căn chỉnh sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu để nắm chắc các yêu cầu khắt khe khi tham gia xuất khẩu vào thị trường này, nhất là vấn đề quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi theo hiệp định.
Chủ động nguồn nguyên phụ liệu
Khi EVFTA có hiệu lực, một số dòng thuế sẽ giảm ngay về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình, tạo cơ hội cho ngành DMVN đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Bởi vì từ trước đến nay, thuế suất bình quân của các sản phẩm dệt may luôn chiếm khoảng 16%, trong khi một số đối thủ cạnh tranh mới nổi của DMVN như Mi-an-ma, Cam-pu-chia,… được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% do đây là những nước kém phát triển. Với Việt Nam, do là nước đang phát triển cho nên phải chịu mức thuế suất xuất khẩu cao hơn, dẫn đến việc khai thác thị trường EU từ trước đến nay không đạt được như mong muốn. Ðề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu DMVN trong những năm qua luôn duy trì ở mức cao, với hai con số. Riêng năm 2018, xuất khẩu sang thị trường EU đạt hơn 4,2 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ (đạt hơn 13 tỷ USD). Mặc dù được coi là xuất khẩu khá vào thị trường này nhưng so với một số nước khác chịu mức thuế tương đương như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Băng-la-đét,… thì DMVN vẫn chưa bằng được do những nước này đều có quy hoạch xuất khẩu vào EU trội hơn Việt Nam. Chính vì vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may, nhất là về thuế, nếu đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi về 0%. Tuy nhiên, cái khó của ngành DMVN hiện nay là vải đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, hiện đang nhập từ Trung Quốc khoảng bảy tỷ USD, chiếm 55%; Hàn Quốc 2,1 tỷ USD, chiếm 16%; Ðài Loan (Trung Quốc) 1,6 tỷ USD, Nhật Bản 750 triệu USD,… Theo quy định của EVFTA, chỉ có nhập vải từ Hàn Quốc về sản xuất hàng hóa may mặc rồi xuất sang EU mới được công nhận đạt yêu cầu xuất xứ từ vải và được hưởng thuế 0%. Còn nhập vải từ những nước khác sẽ không được công nhận.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy cho biết, với dệt may, EVFTA có vẻ "dễ thở" hơn so với CPTPP do quy tắc xuất xứ chỉ yêu cầu từ vải trở đi. Nhưng đây vẫn là điểm nghẽn của ngành DMVN khi đang phải nhập vải từ các thị trường không phải thành viên của EVFTA. Tuy nhiên, EVFTA có một điều khoản linh hoạt hơn khi cho phép "cộng gộp bên thứ ba", có nghĩa là nếu Việt Nam và EU có FTA đồng thời với một đối tác thì cho phép lấy nguyên phụ liệu từ thị trường đối tác đó để cộng gộp và coi đó là nguyên phụ liệu có xuất xứ từ FTA. Chẳng hạn, hiện tại Việt Nam và EU đang có FTA với Hàn Quốc, cho nên Việt Nam có thể cộng gộp nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc để hưởng ưu đãi theo EVFTA. Như vậy, trong tương lai, nếu một số nước ASEAN hoặc một số đối tác FTA của Việt Nam có FTA với EU, sẽ càng mở ra nhiều thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu cho Việt Nam.
Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm nhận định, thị trường EU là thị trường rất khó tính, yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao cùng với đó là các yêu cầu về vệ sinh an toàn của sản phẩm, vấn đề về môi trường, lao động,… Ðây sẽ là những thách thức đối với các DN. Vì vậy, các DN cần tìm hiểu kỹ những quy định của EVFTA nhằm nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác, phối hợp các DN lớn trong nước hoặc nước ngoài để sản xuất vải, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ. Tiếp đến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định, EU không phải thị trường dễ tiếp cận vì có nhiều nước thành viên, đơn hàng, số lượng tương đối nhỏ nếu so với đơn hàng của Mỹ, thời gian thay đổi mẫu mã tương đối dày, khách hàng lại khá kỹ và khó trong các khâu quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm. Tuy nhiên, EU lại có lợi thế là đơn giá nhập khẩu trung bình khá tốt. Trong tương lai, với lợi thế từ việc cắt giảm thuế, các DN DMVN chắc chắn sẽ mạnh dạn hơn trong việc xúc tiến, khai thác và phát triển thị trường EU.