Tại Việt Nam, tuy đã giảm đáng kể tỷ lệ thiếu VCDD nhưng tình trạng thiếu VCDD hiện vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước. Nguyên nhân do chế độ ăn của người dân không đáp ứng đủ nhu cầu VCDD của cơ thể. Thiếu VCDD có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng… ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Một số bệnh thiếu VCDD đã được ghi nhận như: thiếu vi-ta-min A,B1,D,C,K,B12, a-xít pho-lich và các khoáng chất như i-ốt, sắt, kẽm, măng-gan, xê-len…
Thống kê cho thấy, tỷ lệ thiếu vi-ta-min A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta hiện ở mức 13%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%. Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy 32,8% số phụ nữ có thai, 25,5% số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, 27,8% số trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm nhưng giảm ở mức chậm. Tình trạng thiếu kẽm là rất cao khi có tới 80,3% số phụ nữ có thai, 63,6% số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và 69,4% số trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng. Tình trạng thiếu vi-ta-min D rất phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và ở 21% đến 37% ở trẻ em, trong khi đó mức tiêu thụ vi-ta-min D và can-xi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong thời gian 2010 - 2015 cho thấy tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Ðây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà nước ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là dưới 5% và mức trung vị i-ốt niệu ≥ 10 mcg/dl; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hơn 90%.
Phòng, chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ nhằm nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân. Ðây được coi là một trong sáu mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 - 2020. Hàng loạt các giải pháp đang được tích cực triển khai như: Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao, là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD; tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn; đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững. Việc bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao được thực hiện một năm hai lần, trong đó Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) được tổ chức đồng loạt tại hơn 11 nghìn trạm y tế trong cả nước với các hoạt động cho trẻ uống vi-ta-min A bổ sung kết hợp tẩy giun.
Tăng cường VCDD vào thực phẩm là chủ động đưa thêm vào một lượng nhất định một hoặc một số loại VCDD vào thực phẩm được nhiều người ăn nhất. Ðây là biện pháp đơn giản, thuận tiện, hiệu quả dễ đạt được độ bao phủ cao và tính bền vững. Tăng cường vi chất vào thực phẩm đã áp dụng ở nhiều nước, được coi là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất, được các tổ chức: Y tế thế giới, Lương nông LHQ, Quỹ nhi đồng LHQ… khuyến nghị các nước áp dụng để thanh toán thiếu VCDD. Thực phẩm bắt buộc tăng cường VCDD như: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vi-ta-min A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp... Hiện đã có hơn 100 nước trên thế giới quy định bắt buộc tăng cường VCDD vào thực phẩm. Với khả năng của công nghiệp chế biến tập trung và hiện đại, việc tăng cường VCDD vào muối ăn, bột mì, dầu ăn, xì dầu không gây ra những thay đổi bất lợi về mầu sắc, mùi vị, thời gian sử dụng của thực phẩm.
Nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp bổ sung VCDD vào thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 09/2016/NÐ-CP quy định về tăng cường VCDD vào thực phẩm. Theo đó, bắt buộc thực hiện tăng cường bốn loại vi chất là: i-ốt, sắt, kẽm và vi-ta-min A vào những thực phẩm như muối ăn, bột mì và dầu thực vật. Sau hơn một năm thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm, nước tương, dầu ăn, bột nêm, muối ăn đã bắt đầu lựa chọn, bổ sung VCDD vào thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đồng thuận với lý do bổ sung vi chất vào thực phẩm làm ảnh hưởng tới cảm quan của sản phẩm và thời gian sử dụng sản phẩm ngắn, ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp... Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan yêu cầu các đơn vị sản xuất thực phẩm cần thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị người dân nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng; khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, lựa chọn các thực phẩm tăng VCDD; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu…