Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội như buôn lậu đường, thuốc lá; vận chuyển gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm; nhập lậu phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng đa cấp...
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng, khởi tố gần hai nghìn vụ việc cùng 2.339 đối tượng. Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn, cho nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường cả nước cần tăng cường phối hợp các lực lượng hải quan, biên phòng, công an, cảnh sát biển và cơ quan thanh tra chuyên ngành các địa phương, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Với mô hình tổng cục được tổ chức lại theo ngành dọc hiện nay, một mặt lực lượng quản lý thị trường cần tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao, vừa bảo đảm sự đồng bộ, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp từ trung ương đến địa phương, hạn chế tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mặt khác, cần thường xuyên cập nhật chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành phù hợp chức trách nhiệm vụ được giao, cũng như tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
Từ đó, xác định rõ yêu cầu, xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức quản lý thị trường, nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ. Kết hợp giữa "xây và chống" trong công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích; chấn chỉnh những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là xử lý nghiêm hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực để các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường cùng tham gia đấu tranh với những hành vi kinh doanh không lành mạnh, cũng như cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng về việc cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình thị trường, để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.