Hiện nay, nhân lực công nghệ số trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn TP Đà Nẵng có hơn 40.000 người, trong đó có gần 20.000 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Hằng năm, nguồn nhân lực được bổ sung từ tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố là 5.300 sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng. Theo TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, nhân lực cho chuyển đổi số là yếu tố nền tảng với hai lực lượng chính là: Chuyên nghiệp về công nghệ số (nhằm tạo ra các phương pháp, công cụ cho nhu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); đông đảo người lao động (có thể sử dụng phương pháp, công cụ của công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số). Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực bao gồm: Đào tạo lực lượng chuyên nghiệp và đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Việc đào tạo này cơ bản thực hiện ở các trường cao đẳng, đại học và các viện nghiên cứu theo hướng tiếp cận mô hình đại học số. Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp; bổ sung nội dung giới thiệu, đào tạo kỹ năng số phù hợp trong các cấp học phổ thông; thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.
Để đáp ứng được những yêu cầu nhân lực công nghệ số, các trường cao đẳng, đại học ở TP Đà Nẵng đã linh hoạt đổi mới phương thức tuyển sinh, mở thêm chuyên ngành đào tạo, tăng cường hợp tác triển khai nhiều dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến và trực tiếp khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã hỗ trợ tối đa cho sinh viên tiếp cận kiến thức đúng chương trình học, bảo đảm yêu cầu, thúc đẩy tính sáng tạo, độc lập học tập, nghiên cứu trong sinh viên.
Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) là một trong sáu cơ sở đào tạo tại Việt Nam tham gia dự án EMVITET-Tăng cường năng lực cho giảng viên Việt Nam hướng đến giáo dục 4.0 do Erasmus+ tài trợ (Liên minh châu Âu thành lập). PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, triển khai dự án EMVITET từ tháng 3/2020 đến nay, trường đã thay đổi nhận thức và tư duy về việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý hệ thống, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá người học. Các kết quả bước đầu triển khai cho thấy việc sử dụng công nghệ số trong các hoạt động dạy học không chỉ tạo ra sự thích thú, tham gia tích cực của sinh viên mà còn nâng cao hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức, phát triển kỹ năng trong quá trình dạy học. Dự án cũng tạo ra hệ sinh thái học tập mới cho Giáo dục 4.0 tại Việt Nam, lấy sinh viên làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực, hợp tác, kết nối mạng và chia sẻ kiến thức trong môi trường kỹ thuật số. Tất cả các hoạt động hợp tác đào tạo đều hướng đến việc tạo ra một môi trường học tập tốt nhất cho người học để họ có thể tự tin, tìm kiếm và tự tạo ra việc làm sau tốt nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước.
Ngoài hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng đầu ra, các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, mở các ngành, thành lập viện, khoa mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Theo PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn: Trường đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số với mục tiêu hình thành các nhóm nghiên cứu lớn, chuyên sâu, đa ngành với trung tâm là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Chương trình đào tạo của trường tiên tiến với chuyên ngành chính đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin, IT, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, trường mở rộng đào tạo các ngành về chuyển đổi số, thương mại điện tử, logistics, nhân lực các ngành này đóng vai trò quan trọng trong các trụ cột của chuyển đổi số hiện nay.
Với chiến lược phát triển toàn diện, tăng cường ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, Trường đại học Đông Á đã làm cầu nối hỗ trợ tuyệt đối cho sinh viên có việc làm ngay khi còn học và có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp lớn theo thỏa thuận ký kết. Các lĩnh vực được hợp tác mạnh nhất của nhà trường gồm chuyên ngành IT, khách sạn, du lịch, lữ hành,... Theo ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Đông Á, thông qua hợp tác với các đối tác chiến lược trong các lĩnh vực trên, nhà trường kỳ vọng sẽ giúp gắn kết chặt chẽ giữa nội dung đào tạo với yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp; gắn việc huấn luyện và trang bị các kỹ năng với cơ hội tìm được việc làm, mang lại khả năng phát triển cho sinh viên. Việc mở rộng và gắn kết sâu với mạng lưới doanh nghiệp liên kết theo nhóm ngành, trường đã xác lập được cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp và việc làm với hơn 6.000 vị trí việc làm, giúp sinh viên của trường đã và đang có nhiều cơ hội để hội nhập vào thị trường lao động mới.