Các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp phương pháp truyền đạt của giáo viên đến người học trở nên sinh động, sáng tạo hơn, học sinh tiếp thu kiến thức một cách “nhẹ nhàng”, dễ hiểu...
“Nâng chất” nhờ chuyển đổi số
Học trong ngôi trường theo mô hình trường tiên tiến, em Phan Thanh Hiển, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, được tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy sinh động, đa dạng, giúp học sinh hứng thú trong học tập và dễ tiếp thu kiến thức hơn so với cách học truyền thống. Thanh Hiển chia sẻ: Chúng em được học bằng máy chiếu, học toán trên phần mềm toán học bằng máy tính để bàn… Các bài giảng của giáo viên được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin sinh động, thu hút người học.
Ngoài ra, chúng em còn được giao bài tập về nhà bằng một phần mềm riêng giúp tiết kiệm được thời gian và làm bài được thuận lợi hơn, tương tác giữa học sinh và giáo viên khi trao đổi bài tập liên tục hơn. Muốn bổ sung thêm kiến thức, học sinh có thể lên website nhà trường để tìm hiểu, học tập vì các giáo án điện tử được nhà trường cập nhật thường xuyên...
Ðược học toán bằng phần mềm GeoGebra, em Nguyễn Gia Bảo Ngọc, học sinh lớp 11A6 nhận xét, học toán trên phần mềm này khá thú vị, học sinh thoải mái học tập và không bị áp lực, nhất là tiếp thu bài học nhanh hơn. Thầy Hà Bảo Tâm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Nhà trường đã đưa ứng dụng GeoGebra vào giảng dạy cho học sinh.
Ðây là phần mềm ứng dụng về toán và phần mềm này rất hữu ích cho học sinh và giáo viên. Thí dụ, khi dạy hình học phẳng, hình học không gian bằng phần mềm này giúp học sinh trải nghiệm trực quan sinh động hơn về hình không gian, hình học phẳng. Trước đây chưa có công nghệ thông tin, giáo viên phải vẽ trực tiếp trên bảng, các em sẽ khó để tưởng tượng học bài, hiểu bài do mang tính trừu tượng rất cao. Phần mềm này còn hữu ích trong việc vẽ đồ thị hàm số, công thức toán học, đồ họa, số liệu thống kê...
Từ năm 2017, Trường THPT Nguyễn Du bắt đầu triển khai mô hình “Trường tiên tiến hội nhập 4.0”. Với mô hình này, nhà trường đưa ra nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí giữ vai trò quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm hiệu quả trong quản lý.
Thực hiện tiêu chí này, nhà trường đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tập huấn cho giáo viên sử dụng các phần mềm để thiết kế giáo án điện tử một cách sáng tạo, sinh động; xây dựng website nhà trường - nơi chứa cơ sở dữ liệu về các bài giảng, clip bài học, những kiến thức mới... phục vụ cho học sinh học tập, giáo viên nghiên cứu. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Huỳnh Thanh Phú cho hay: Trường THPT Nguyễn Du bắt đầu từ việc đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng internet vào từng lớp, từng phòng.
Ðến nay, gần 80 thầy, cô giáo đã có bằng tin học quốc tế. Ngoài ra, nhà trường có các nền tảng công nghệ để tương tác với phụ huynh trong chương trình giảng dạy, tiếp thu ý kiến của phụ huynh cũng như học sinh nhằm ngày càng hoàn thiện hơn trong việc thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường, để nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như trong công tác quản lý...
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong năm trường THPT được Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố chọn để triển khai mô hình thí điểm trường học thông minh theo “Ðề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”.
Sau hơn một năm triển khai, đến nay, trường đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá. Nhà trường từng bước thực hiện xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh, trong đó lấy nền tảng chuyển đổi số làm trụ cột; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào tự động hóa, số hóa các hoạt động tại nhà trường. Trường xây dựng hệ thống lớp học trên không gian ảo có đầy đủ các ứng dụng đáp ứng nhu cầu dạy của giáo viên, học tập của học sinh, cũng như phục vụ công tác quản lý.
Ðặc biệt, nhà trường triển khai giảng dạy AI cho học sinh các chuyên đề từ đại trà đến chuyên sâu, như AI cơ bản, toán AI, lập trình AI, ứng dụng lập trình AI vào nghiên cứu. Ðây là trường đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa AI vào giảng dạy cho học sinh. Theo cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, sau khi triển khai mô hình trường học thông minh, cơ sở vật chất và hệ thống internet nhà trường được nâng cấp. Ðội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được nâng cao trình độ công nghệ thông tin. Các ứng dụng công nghệ thông tin, AI và chuyển đổi số được áp dụng đã tiết kiệm được thời gian và nguồn nhân lực.
Thời gian tới, trường xây dựng hệ thống quản lý giáo trình và học liệu theo chuẩn mở, tất cả giáo trình, học liệu đều được biên soạn và lưu trữ trên hệ thống đám mây. Ứng dụng AI trong xây dựng hệ thống thực hiện tự động chấm điểm, xếp hạng, đánh giá và theo dõi năng lực học sinh, quản lý và phân tích sắc thái các phản hồi về lớp học, giúp giáo viên giảm thời gian chấm thủ công, tập trung vào cải tiến sáng tạo nội dung, phương pháp tổ chức lớp học...
Chuyển đổi số là giải pháp đột phá
Xác định cơ sở dữ liệu dùng chung là nền tảng quan trọng mang tính quyết định đến việc triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục. Vì vậy, năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Ðến hết năm học 2021-2022, cơ sở dữ liệu nêu trên đã quản lý toàn bộ 2.387 đơn vị, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên được cấp tài khoản quản lý trực tuyến trên môi trường mạng.
Cơ sở dữ liệu ngành có hơn 1,7 triệu dữ liệu học sinh, gần 80.560 dữ liệu giáo viên được Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố quản lý tập trung trên hệ thống. Ðơn vị này triển khai kho học liệu số ở tất cả các cấp học với số lượng bài giảng đa dạng, phong phú đáp ứng yêu cầu dạy và học theo định hướng đổi mới cả hình thức lẫn môi trường dạy học. Thực hiện hiệu quả một số mô hình hỗ trợ công tác quản lý, bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực như mô hình “Trường học thông minh-Trường học không tiền mặt”, xây dựng “Trung tâm Ðiều hành giáo dục thông minh Thành phố Hồ Chí Minh”, mô hình phần mềm “Tuyển sinh lớp 10”...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Thành phố đã triển khai kiến thức tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục thành phố. Ðây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành. Ngành giáo dục xác định, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu, động lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Theo số liệu khảo sát của nhóm công nghệ giáo dục toàn cầu (Ngân hàng Thế giới), Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 88% trường học có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học; 82% học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp. Ðáng chú ý, có 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ sử dụng công nghệ thông tin. Ðối với giáo viên, có 77% giáo viên tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp, 73% sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh, 64% có sử dụng các tài nguyên dùng chung trên internet...
Tuy kết quả bước đầu đạt được là đáng khích lệ, nhưng theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu lớn về chuyển đổi số trong giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh cần tháo gỡ những rào cản, thách thức, nhất là về chiến lược, chi phí đầu tư và nguồn lực công nghệ. Cụ thể, nhóm khảo sát công nghệ giáo dục toàn cầu đưa ra khuyến nghị, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công hơn nếu lập kế hoạch, sửa đổi và cải thiện tính thống nhất, bảo đảm chất lượng của chiến lược EdTech (công nghệ giáo dục).
Chiến lược EdTech cũng phát huy hiệu quả nếu được xây dựng dựa trên thế mạnh của quản lý trường học hiện có để hỗ trợ việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát các chính sách EdTech, cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên số. Bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết để nâng cấp và mở rộng hạ tầng kỹ thuật số hiện có; nâng cao năng lực của đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên và các vai trò chủ chốt khác...
Tiến sĩ Trần Hùng Minh Phương, Giảng viên Trường đại học Sài Gòn cho rằng: Mỗi trường học cần nhận thức và đánh giá đúng đắn về tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung và học liệu mở nói riêng đối với quá trình phát triển, đổi mới giáo dục. Nhà trường cần xây dựng bước đầu nguồn học liệu mở đối với mỗi giáo viên, bộ môn, tổ nhóm bộ môn. Học liệu mở chất lượng là một trong những tiền đề quan trọng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu nghiên cứu bài học, tài liệu học tập, tham khảo và giảng dạy trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay.