Mặc dù vậy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan vẫn còn gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và nhiều cấp chính quyền khác nhau.
Các doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ”, nhất là trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Xóa những điểm nghẽn
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, hai thủ tục dễ thực hiện nhất đối với doanh nghiệp là kết nối cấp, thoát nước và kết nối, cấp điện. Trong khi đó, nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị gặp nhiều khó khăn nhất.
Tiếp đến là nhóm thủ tục liên quan thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, báo cáo tác động môi trường và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Đây đều là những bước quan trọng để đầu tư các dự án xây dựng.
So với những năm trước, một số thủ tục đã được đơn giản hóa, được doanh nghiệp phản ánh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số thủ tục gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp do yêu cầu tuân thủ cao hơn đáng kể như: thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định báo cáo tác động môi trường và thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng.
Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, tác động của dịch Covid-19 và “bão giá” vật liệu xây dựng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Nhiều nhà thầu không dám nhận thêm việc, kế hoạch doanh thu cả năm chỉ đạt từ 70% đến 85%. Khả năng thanh toán của các chủ đầu tư gặp khó khăn, nhiều nhà thầu bị nợ đọng hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử, trước đây nhà thầu đặt mức lợi nhuận khoảng 10%, nhưng gần đây khi thị trường công việc thu hẹp, mức lợi nhuận đề ra giảm xuống còn 4% và nếu bị chậm trả, chắc chắn sẽ không còn lãi. Do đó, cần có chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư thanh toán đầy đủ cho nhà thầu thông qua xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán hoặc chủ đầu tư chưa ký quyết toán thì không đưa công trình vào sử dụng...
Hay một trong những vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua là công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay vẫn còn trải qua 177 bước, rất rườm rà, gây tốn kém cả chi phí và thời gian, vì vậy cần xây dựng cơ chế rõ ràng trong việc thu hồi đất. Trong khi đó, việc định giá đất thông qua các hội đồng định giá tại các địa phương còn nhiều bất cập, hệ số đền bù đất không thống nhất, khiến nhà đầu tư không thể dự trù trước chi phí để đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát biến động giá vật liệu xây dựng tại các địa phương còn chậm so với thực tế, dẫn đến làm đội chi phí xây dựng công trình...
Theo PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, một trong những vướng mắc điển hình không chỉ tại các công trình giao thông nói riêng mà còn tại nhiều công trình xây dựng nói chung là hệ thống đơn giá, định mức. Thực tế, nhiều đơn giá, định mức không phù hợp thực tế xây dựng, lạc hậu.
Đồng thời, muốn áp dụng công nghệ mới vào thi công xây dựng, nhưng chưa có quy định, định mức thì rất khó thanh toán. Nhiều nhà thầu được tạm ứng thanh toán cao nhất 80% nên nếu chưa xây dựng xong phương án về đơn giá sẽ bị “treo” số tiền còn lại, dẫn đến rất khó khăn trong duy trì dòng vốn lưu thông để tham gia các gói thầu khác.
Thống nhất trong điều chỉnh các chính sách đầu tư xây dựng
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng rất quan trọng. Một mắt xích được sửa chữa, bôi trơn nhưng các mắt xích còn lại vẫn “giậm chân tại chỗ” thì cả bộ máy cũng không thể hoạt động trơn tru được. Đồng thời, thủ tục hành chính liên quan đầu tư xây dựng chịu sự chi phối của một “rừng” luật, do đó, cần một chương trình tổng thể với sự tham gia chỉ đạo thống nhất từ cấp cao nhất.
Chủ tịch Tập đoàn Nam Long Nguyễn Xuân Quang cho rằng, hiện nay nhà ở xã hội đang dần vắng bóng trên thị trường, cần xây dựng chính sách đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa; xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất; giảm thuế VAT, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Để đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội, ông Quang đề xuất điều chỉnh chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư với nhà ở xã hội phù hợp thực tế; thay việc miễn tiền sử dụng đất bằng việc không thực hiện tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội.
Quan trọng hơn là thành lập Ban chỉ đạo liên bộ ở trong chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, trong đó, Bộ Xây dựng làm nòng cốt cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Hiện nay, chúng ta thiếu một “nhạc trưởng” để điều phối, quyết định then chốt để thực hiện chương trình này một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, áp lực từ dịch bệnh đã tạo cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác cải cách thủ tục hành chính đầu tư xây dựng. Việc số hóa ứng dụng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi phải thay đổi thiết kế lại thủ tục hành chính trên tư duy số.
Chính vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng bởi ách tắc một thủ tục liên quan cả quy trình, do vậy cần có một đơn vị tiên phong, chủ động rà soát, đề xuất, phối hợp tốt hơn với các bên liên quan.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã xác định ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung rà soát sửa đổi bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngành xây dựng.
Bộ Xây dựng xác định đây là khâu đột phá theo hướng bảo đảm đồng bộ thống nhất, tháo gỡ những chồng chéo, bất cập, đúng chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tránh buông lỏng, tăng cường thực hiện phân cấp phân quyền cho địa phương nhưng cũng có cơ chế kiểm tra giám sát và quy định để xử lý. Thứ hai, tập trung cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị.
Rà soát đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị, phát triển đô thị, bảo đảm chất lượng, tầm nhìn cũng như các yếu tố phát triển đô thị bền vững. Thứ ba, quan tâm phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình, góp phần ổn định thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét để có thể sửa đổi bổ sung, điều chỉnh phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, tích cực phối hợp các bên liên quan hoàn thiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng theo hướng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn.
MINH THÀNH