Đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm giúp thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chất lượng giống nòi; thời gian qua, rất nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục giới tính được lồng ghép, triển khai tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh giảm dần qua các năm.
0:00 / 0:00
0:00

Hệ lụy từ nạn tảo hôn

Anh Hồ Văn Lưỡi ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lập gia đình lúc 23 tuổi. Ðáng nói, người mà anh chọn làm vợ là cô bé chỉ học lớp 7. Phải làm vợ, làm mẹ từ rất sớm nên vợ của anh Lưỡi vẫn chưa biết làm việc gì, kể cả nuôi con. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng bộn bề. Anh Hồ Văn Lưỡi chia sẻ, vợ anh mới 14 tuổi vẫn còn là một đứa trẻ. Mọi việc trong nhà từ chăm sóc con đến làm nương rẫy đều một tay anh lo liệu. Cuộc sống càng thêm vất vả.

Tại những huyện vùng cao ở tỉnh Quảng Nam, đâu đó vẫn còn một vài trường hợp như hộ gia đình anh Lưỡi. Tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng hằng năm tại các trường học trên địa bàn vẫn có học sinh bỏ học để kết hôn. Nguyên nhân là do các em chưa hiểu về hệ lụy của tảo hôn.

Em Hồ Thị Hoa, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Nam Trà My chia sẻ: "Ðộ tuổi của chúng em là tuổi đi học nên phải có trách nhiệm học thật tốt. Một số bạn phải nghỉ học sớm để kết hôn vì mang thai khiến em rất tiếc nuối".

Ở vùng dân tộc thiểu số, nhiều gia đình coi việc lấy vợ, lấy chồng của con cái là để có thêm nguồn nhân lực lao động. Hơn nữa, biện pháp xử lý các trường hợp tảo hôn của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh, thiếu kiên quyết và chưa mang tính răn đe. Tảo hôn sẽ khiến sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em gái. Việc kết hôn sớm cản trở việc học hành, ảnh hưởng đến phát triển tư duy, các em không được vui chơi, tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Ðặc biệt là khả năng lao động kiếm sống thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo tăng cao...

Đa dạng Hóa giải pháp đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Năm học 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Nam Trà My có 321 học sinh, trong đó có 95% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, để nâng cao nhận thức, tránh xảy ra trường hợp học sinh bỏ học lập gia đình sớm hoặc mang thai ngoài ý muốn, nhà trường liên tục duy trì hoạt động ngoại khóa tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Nhiều kiến thức liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về quan hệ tình dục an toàn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được lồng ghép, giải thích cặn kẽ, gần gũi, nhất là qua hình thức sân khấu hóa. Phương pháp của nhà trường trở thành điểm sáng, được nhiều địa phương, trường học trên địa bàn học tập.

Thầy giáo Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Nam Trà My cho biết, qua các năm tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học vì nạn tảo hôn của toàn trường dưới 1%. Ðây là kết quả của quá trình tích cực tuyên truyền.

Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 149.000 người, chiếm tỷ lệ 9,3% dân số toàn tỉnh. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp của tỉnh đã tích cực phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, không vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ 266 trường hợp tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết thống năm 2015, đến hết năm 2023 số trường hợp tảo hôn chỉ còn 60 và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Ðặng Tấn Giản cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã có những giải pháp quyết liệt trong vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Từ Quyết định số 498/QÐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025), Ban Dân tộc đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 5804/KH-UBND ngày 1/9/2021 về thực hiện Ðề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025"; đồng thời lồng ghép Tiểu dự án 9.2 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào thiểu số và miền núi" thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Ðến nay, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số đang từng bước chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

"Việc tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tiến tới đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này tại các địa phương miền núi của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh liên tục giảm dần qua từng năm", ông Giản chia sẻ.