Để giành tấm Huy chương vàng đơn nam lứa tuổi U19 Đông Nam Á tại giải trẻ vừa được tổ chức tại Malaysia, Nguyễn Duy Phong đã đánh bại đối thủ Nicholas Tan (hạng 194 thế giới lứa tuổi U19 nam thế giới người Singapore).
Dù bị dẫn trước, tay vợt của Việt Nam vẫn không mất tinh thần mà chủ động chọn lối đánh tấn công chủ lực, Duy Phong hoàn toàn làm chủ thế trận với những quả giật phải đầy uy lực để vượt qua đối thủ với tỷ số cách biệt 4-1 (7/11, 11/8, 11/7, 11/8, 11/6) để giành Huy chương vàng đơn nam U19 xứng đáng.
Tấm Huy chương vàng của Duy phong càng có giá trị hơn khi tay vợt này ở bán kết đã đánh bại một tay vợt rất mạnh khác của Singapore ở bán kết là Yang Ze Yi (hạng 179 lứa tuổi U19 nam thế giới).
Ngoài ra, tại giải đấu này, Việt Nam còn giành 2 Huy chương vàng của Nguyễn Hoàng Lâm - Trần Mạnh Cường (đôi nam lứa tuổi U19), Đỗ Mạnh Lương - Đinh Nhật Nam (đôi nam lứa tuổi U15) cùng 3 Huy chương bạc (đôi nam U19, đôi nữ U15, đồng đội nam U19); 4 Huy chương đồng (đồng đội nữ U19, đồng đội nữ U15, đồng đội nam U15, đôi nam-nữ U19). Đây là năm thứ 2 liên tiếp bóng bàn Việt Nam có vận động viên giành Huy chương vàng cá nhân, năm ngoái Nguyễn Hoàng Lâm (Quân đội) vô địch đơn nam lứa tuổi U17.
Với những thành tích nêu trên, có thể khẳng định trình độ của vận động viên trẻ Việt Nam khá tốt so với mặt bằng các nước Đông Nam Á. Đáng tiếc, các vận động viên trẻ Việt Nam chưa được đầu tư tốt. Trên bảng xếp hạng 2.071 vận động viên lứa U19 thế giới do Liên đoàn bóng bàn quốc tế cập nhật mới nhất, Việt Nam chỉ có một cái tên trên bảng xếp hạng là Nguyễn Đoàn Kiên Tân (hạng 981 thế giới), nhưng vận động viên này chưa từng đoạt huy chương. Điều này cho thấy các tay vợt U19 Việt Nam trước đây hầu như không được thi đấu quốc tế do nguồn ngân sách từ Cục Thể dục-Thể thao và Liên đoàn bóng bàn Việt Nam rất hạn hẹp.
Còn tại Giải đấu năm nay, Việt Nam có vận động viên tham dự là kết quả của công tác xã hội hóa khi các cơ quan quản lý bóng bàn để các địa phương tự trang trải kinh phí cho vận động viên của mình tham dự. Để có 16 tay vợt (gồm 4 tuyển thủ nam U15, 4 tuyển thủ nữ U15; 4 tuyển thủ nam U19, 4 tuyển thủ nữ U19) đi thi đấu từ nguồn kinh phí của các đơn vị như: Thanh Hóa, Lâm Đồng, Công an Nhân dân, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội, Hà Nội T&T, Đà Nẵng chi trả.
Đây là nét mới, dù chậm, nhưng đáng ghi nhận của Bộ môn bóng bàn thuộc Cục Thể dục-Thể thao và Liên đoàn bóng bàn Việt Nam khi đã xây dựng kế hoạch và kết hợp với các địa phương để triển khai thành lập đội bóng bàn trẻ Việt Nam sang Malaysia thi đấu và giành kết quả rất đáng khích lệ.
Từ thành tích của các vận động viên trẻ Việt Nam, nhìn vào bảng xếp hạng trẻ U19 thế giới, có thể nói, sự đầu tư cho bóng bàn trẻ Việt Nam còn rất khiêm tốn. Dẫn đầu bảng xếp hạng Đông Nam Á nêu trên là tay vợt Quek Izaac (hạng 36 U19 nam thế giới, hạng 89 thế giới), đồng thời cũng chính là vận động viên duy nhất của khu vực giành vé dự Olympic Paris 2024.
Trong tốp 1.000 vận động viên trẻ U19 xuất sắc nhất có khoảng 20 vận động viên của Singapore cùng hàng loạt vận động viên của Thái Lan, Malaysia, Philippines. Điều này cho thấy Singapore đã có sự đầu tư tốt nhất về bóng bàn trong khu vực và kết quả thu được chính là họ giành cả 2 vé dự Olympic (đơn nam và đơn nữ). Tại vòng loại Olympic vừa qua, tay vợt trẻ Đinh Anh Hoàng của Việt Nam giành quyền vào bán kết, nhưng thua đối thủ Sanguansin Phakpoom (Thái Lan) và như vậy có thể dễ dàng nhận thấy bóng bàn Việt Nam (đội tuyển) hiện đã bị Singpore bỏ xa, kém cả Thái Lan.
Để có thể giành được Huy chương vàng Đông Nam Á, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ cho bóng bàn trẻ hướng về tương lai. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam.