Nhân dịp mười năm Ngày mất và hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Nguyễn Đình Thi (1924-2003), giới văn nghệ nước nhà lại có dịp bàn thảo và phát hiện thêm những giá trị để lại trong khối lượng tác phẩm đồ sộ đủ các thể loại của ông, trong đó có các tác phẩm sân khấu. Không rõ vì sao, Nguyễn Đình Thi đến với kịch muộn hơn các hoạt động sáng tạo khác. Mãi đến đầu những năm 60 của thế kỷ 20, gần đến tuổi tri thiên mệnh, sau nhiều ngày tháng vật lộn căng thẳng với tập một tiểu thuyết Vỡ bờ, để thay đổi trạng thái tinh thần, Nguyễn Đình Thi mới "thử sức" viết vở kịch đầu tiên Con nai đen, sau khi ông đi xem vở múa rối Vua Nai tại quê hương Cách mạng Tháng Mười.
Năm 1962, vở Con nai đencông diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội qua bàn tay đạo diễn của nhà thơ Thế Lữ, gây tiếng vang.
Vở diễn mang phong cách viết kịch mới lạ, độc đáo ở chất kỳ ảo huyền thoại, quyện hòa với tính triết lý sâu lắng như một luồng gió mạnh khuấy động sinh hoạt kịch trường nước ta lâu nay vẫn hiu hiu tĩnh lặng. Với lối viết có tính biểu tượng hai mặt dễ gây hiểu lầm của một thời ít nhiều ấu trĩ trong nhận thức nghệ thuật, không khỏi làm Nguyễn Đình Thi trăn trở, nhưng với bản lĩnh của người nghệ sĩ - chiến sĩ, ông vẫn tiếp tục viết kịch.
Kể từ đó trở đi cho đến năm 1986, trọn một phần tư thế kỷ, Nguyễn Đình Thi đau đáu, mê mải với kịch, hình thái diễn tả đời sống và con người một cách mãnh liệt mà trực diện lạ lùng đến kỳ diệu, vì nó đi thẳng từ nhân vật kịch qua diễn xuất của nghệ sĩ biểu diễn, đến với công chúng trong cùng một không gian và thời gian cụ thể... Nguyễn Đình Thi đã lần lượt cho ra đời loạt kịch bản dài như: Hoa và ngần(1975), Rừng trúc(1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Giấc mơ (1979), Tiếng sóng(1985) và mấy kịch ngắn: Người đàn bà hóa đá (1980), Cái bóng trên tường (1981-1982), Trương Chi (1979), Hòn cuội (1983-1986). Tổng cộng tất cả là mười kịch bản, bao gồm sáu kịch dài và bốn kịch ngắn.
Tuy về số lượng không thật dồi dào nhưng cũng không thể nói là ít ỏi. Tất cả những kịch bản đó đều có cái gì đó khác lạ, thậm chí khác thường, thu hút người đọc, người xem bởi chất nhân văn thấm thía với chiều sâu, sức gợi miên man toát lên vừa sáng rõ vừa lung linh, thúc giục công chúng động não suy ngẫm mới có thể phát hiện ra từng tầng bậc chiều kích sâu xa tiềm ẩn của nó.
Dường như đấy mới chạm tới bản chất đích thực khó đạt tới, còn hiếm hoi, nhạt mờ trong sân khấu kịch nói đương đại nước ta...
Trong phương diện này, phải chăng Nguyễn Đình Thi là người truyền cảm hứng, kích hoạt tinh thần sáng tạo cho giới tác giả viết kịch trẻ của sân khấu Việt Nam.
Có thể thấy dấu vết ảnh hưởng từ ý đồ đến cấu trúc của kịch Nguyễn Đình Thi trong một số sáng tác khác của nhiều cây bút viết kịch... Ngay cả trên phương diện đạo diễn, sức lan tỏa cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Đình Thi cũng truyền sang tư duy dàn dựng của các NSND Nguyễn Đình Nghi, Ngọc Phương, Phạm Thị Thành,... và được chính họ thừa nhận với sự trân trọng, biết ơn.
Về phương diện biên kịch, có thể thấy những đóng góp của Nguyễn Đình Thi mang tính chất mở đường cho một lối viết cách tân nhằm mở rộng sức bao quát, sức chứa, dung lượng phạm vi đời sống hiện thực của một tác phẩm kịch. Việc đưa cái hư ảo, cái ước lệ nhằm nối dài cho cái tả thực cũng như việc nâng cao chất văn chương, chiều sâu triết lý kết hợp với xúc cảm trữ tình dào dạt trong ngôn ngữ đối thoại kịch là một kiểu mẫu đáng chú ý trong kịch trường nước ta thời gian qua.
T HẾ giới nghệ thuật kịch Nguyễn Đình Thi thật đa dạng, đa chiều, vừa tiếp cận được chiều rộng của hiện thực, vừa đi sâu vào cõi miền bí ẩn, khó dò đoán của nội tâm con người, vừa tìm cách chạm tới chiều cao suy tưởng của trí tuệ, của minh triết dân tộc, của tinh thần thời đại. Kịch Nguyễn Đình Thi, trong những tác phẩm thành công như Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Giấc mơ, Con nai đen, Rừng trúcđã đạt tới độ chín trong sáng, giản dị mà sâu lắng, dạt dào cảm xúc mà gợi liên tưởng sâu xa, từ hiện tại ngoái nhìn lại quá khứ, từ hôm nay dự cảm tới ngày mai...
Vượt lên tầm nhìn, cách nghĩ của nhiều cây bút viết kịch khác còn quá bó buộc mình vào lối tả thực, vào cái trước mắt, cái đang xảy ra kịch Nguyễn Đình Thi, ngay khi thể hiện đời sống chiến tranh đang diễn ra, vừa mới đi qua như trong các vở Giấc mơ, Tiếng sóng,vẫn được đẩy xa vào không gian của cái huyền ảo để tạo ra cái nhìn tỉnh táo của gián cách. Ngược lại, khi chiếu rọi cái nhìn trở về với hiện thực lịch sử như trong các vở Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, hoặc khai thác từ kho tàng truyện dân gian như: Con nai đen, Hòn cuội, Người đàn bà hóa đá, Cái bóng trên tường.... lại làm rung lên nhịp đập của đời sống hiện tại, để âm vang thiết tha những tư tưởng, những thái độ sống của con người hiện nay...
Đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với sân khấu Việt Nam hiện đại là một đề tài dồi dào ý nghĩa, cần được đào sâu tìm hiểu thêm nữa. Song điều cần lưu ý, Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, bộc lộ tiềm năng sáng tạo của mình, ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, nhưng giữa chúng vẫn thống nhất và quy tụ ở thái độ sống của người nghệ sĩ giác ngộ lý tưởng yêu nước và Cách mạng, nhận ra con đường sáng tạo chân chính của người nghệ sĩ của Cách mạng là "Chiến đấu cho lý tưởng sống bằng ngòi bút".
Kịch là một bộ phận quan trọng kết tinh đậm nét tài năng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi. Và như một bộ phận, nó gắn bó với toàn thể sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Đình Thi dù vẫn có thể tồn tại một cách độc lập. Ở kịch Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể tìm thấy sự gắn bó những tư tưởng nghệ thuật đã trở thành những biểu tượng ám ảnh xuyên thấm từ thơ, đến tiểu thuyết và ở quan niệm về nghệ thuật của ông. Khó có thể nói rằng, giá như Nguyễn Đình Thi chỉ nên chuyên tâm vào một loại hình sáng tạo cụ thể thì sự nghiệp của ông sẽ thăng hoa, rực rỡ hơn. Đó là một ý tưởng siêu hình không thích hợp với một con người đa tài, đa cảm và phức tạp như Nguyễn Đình Thi của chúng ta!
NGUYỄN VĂN THÀNH
Phó Trưởng ban Lý luận Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam