Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng:

Dấu ấn 35 năm xây dựng và trưởng thành

Trong suốt 35 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Bộ Tham mưu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược trong xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Bộ Tham mưu tham quan trưng bày sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Bộ Tham mưu tham quan trưng bày sản phẩm công nghiệp quốc phòng.

Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP được thành lập ngày 24/4/1989, ban đầu là Vụ Kế hoạch thuộc Tổng cục CNQP và Kinh tế, sau đó là Cục Tham mưu-Kế hoạch thuộc Tổng cục CNQP, đến tháng 11/2009 đổi tên thành Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP.

Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện; CNQP được thể chế hóa là một ngành công nghiệp của đất nước. Bộ Tham mưu đã tham mưu cho Tổng cục báo cáo Quân ủy Trung ương, đề xuất Bộ Chính trị ban hành bốn nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển CNQP (các Nghị quyết: số 05 năm 1993, số 27 năm 2003, số 06 năm 2011 và gần đây nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo) xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chính và các giải pháp chủ yếu, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Trên cơ sở các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tổng cục, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP đã đề ra, nổi bật là: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu đã tham mưu cho Tổng cục, Bộ Quốc phòng ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết năng lực CNQP được tăng cường, chất lượng và tính đồng bộ của sản phẩm do CNQP sản xuất, sửa chữa được nâng cao; đã nghiên cứu, sản xuất thêm được nhiều loại vũ khí, đạn dược cho lực lượng lục quân, bước đầu đóng được tàu quân sự cỡ nhỏ cho Hải quân, Bộ đội Biên phòng và đã sửa chữa được nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) có trong trang bị lúc bấy giờ. Tiềm lực nghiên cứu, cải tiến VKTBKT được nâng cao, tạo tiền đề cho CNQP phát triển trong giai đoạn sau.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu đã tham mưu cho Tổng cục, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện: Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2010 tầm nhìn năm 2020; quy hoạch đóng tàu quân sự; kế hoạch 5 năm xây dựng và phát triển CNQP giai đoạn 2006-2010.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP với Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Tham mưu để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP. Năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh CNQP, đây là văn bản quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của CNQP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sau đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP...

Tổ chức lực lượng CNQP được kiện toàn, một số nhà máy đóng tàu đã được điều chuyển, tập trung về Tổng cục CNQP, ngành Đóng tàu quân sự từng bước phát triển đồng bộ, vững chắc. CNQP đã sản xuất được hầu hết vũ khí mang vác cho sư đoàn bộ binh, chất lượng sản phẩm quốc phòng được nâng cao, trong đó có một số sản phẩm hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng một phần VKTBKT cho Quân đội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu đã tham mưu cho Tổng cục, Bộ Quốc phòng xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Quy hoạch xây dựng và phát triển Công nghiệp tên lửa; Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP; các kế hoạch 5 năm xây dựng và phát triển CNQP giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP giai đoạn 2016-2020, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình CNQP được Quốc hội xác định là một trong 21 chương trình mục tiêu của cả nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển CNQP, cũng như khẳng định tầm quan trọng của ngành CNQP trong nền kinh tế quốc dân. Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP được phát triển thành Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, an ninh.

Năng lực CNQP đã có bước phát triển vượt bậc, làm chủ thiết kế, sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân và nhiều chủng loại vũ khí trang bị hiện đại, mang ý nghĩa chiến lược trang bị cho các quân chủng, binh chủng. Việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội chuyển từ mua sắm, lắp ráp là chính sang làm chủ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước. CNQP đã chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu đã tham mưu cho Tổng cục, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ ban hành Chương trình hành động, Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch thực hiện nghị quyết; hiện tập trung triển khai các đề án nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị chiến lược, hiện đại cho Quân đội; điều chỉnh tổ chức lực lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về CNQP, trình Quốc hội thông qua Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển CNQP, an ninh.

Nhìn lại chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tham mưu đã xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CNQP bảo đảm tính đồng bộ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, kịp thời điều chỉnh nhiều lĩnh vực hoạt động CNQP; tổ chức lực lượng CNQP từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa; CNQP đã sản xuất, sửa chữa nhiều chủng loại sản phẩm VKTBKT mới, nhất là vũ khí lục quân thế hệ mới, tàu quân sự hiện đại, thiết bị thông tin liên lạc, ra-đa và nhiều chủng loại vũ khí trang bị công nghệ cao...

Việc kết hợp giữa sản xuất quốc phòng với kinh tế phát huy hiệu quả; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNQP có nhiều chuyển biến, nhất là trong các lĩnh vực điện tử viễn thông, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, đóng tàu kinh tế, các sản phẩm cơ khí tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; các đơn vị đã tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hội nhập quốc tế về CNQP được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo ra nhiều thuận lợi, động lực để ngành CNQP phát triển.

Với những thành tích vẻ vang và đóng góp to lớn, Bộ Tham mưu đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng một Cờ Thi đua, hai Bằng khen; Quân ủy Trung ương tặng hai cờ thi đua; Bộ Quốc phòng tặng chín cờ thi đua, 12 bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng những phần thưởng cao quý.

Những năm tới, để đẩy mạnh phát triển CNQP tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, Bộ Tham mưu đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; chủ động rà soát, cụ thể hóa, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển CNQP phù hợp tình hình thực tiễn.

Hai là, đổi mới tư duy, giải pháp về tổ chức, cơ chế quản lý CNQP. Hoàn thành xây dựng Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp; trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý thực hiện đẩy mạnh phát triển CNQP; đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP phù hợp đặc thù CNQP và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia giỏi cả trong nước và nước ngoài cho xây dựng và phát triển CNQP; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao cho những ngành đặc thù, nhất là các chuyên gia đầu ngành.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, lựa chọn phát triển công nghệ mũi nhọn và các sản phẩm có tính đột phá, làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi để tạo chuyển biến, đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng, chủng loại mới, có tính năng chiến thuật-kỹ thuật cao, tập trung vào năm nhóm sản phẩm chính. Ưu tiên phát triển các chuyên ngành, lĩnh vực lưỡng dụng thuộc thế mạnh của CNQP để từng bước chuyển giao công nghệ cho công nghiệp dân sinh, tạo sự lan tỏa, dẫn dắt công nghiệp quốc gia.

Bốn là, tăng cường chiều sâu, mở rộng phạm vi hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tiếp cận, tiếp thu, làm chủ công nghệ nhằm tạo đột phá trong sản xuất các loại VKTBKT tiên tiến, hiện đại. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển với các đối tác nước ngoài; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm do CNQP sản xuất.

Năm là, huy động có hiệu quả tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, công nghiệp dân sinh cho xây dựng phát triển CNQP; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương; trong đó, triển khai một số dự án liên doanh, liên kết với các cơ sở dân sinh nhằm mục đích phục vụ CNQP. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các nguồn vốn vay hợp pháp... để đầu tư phát triển CNQP.

Tham mưu chiến lược trong xây dựng và phát triển CNQP là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn và phức tạp. Với tinh thần quyết liệt trong tổ chức thực hiện, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề phát sinh, luôn tham mưu đúng, trúng, kịp thời các vấn đề về chiến lược xây dựng và phát triển CNQP, thời gian tới, Bộ Tham mưu phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu trung tâm giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển CNQP.